Cái gì cũng phải xếp hàng

ANTĐ - Từ đầu năm 2015 đến nay, nhu cầu tiêm chủng của người dân tăng cao, đặc biệt là vắc xin dịch vụ. Trong đó, các loại bệnh có tỷ lệ tiêm chủng cao như sởi - quai bị - rubella; thủy đậu; tiêu chảy. Tại các trung tâm y tế dự phòng và các bệnh viện nhi, các phòng khám nhi cho thấy nhu cầu chích ngừa dịch vụ vẫn cao nhưng vắc xin cung cấp lại không đủ, vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 tại Việt Nam luôn ở trong tình trạng "cháy hàng”. 

Vì sợ hết vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 tiêm dịch vụ như mấy tháng trước, nhiều người dân ở Hà Nội đứng xếp hàng từ nửa đêm để mua vắc xin. Nhiều ông bố bà mẹ có kinh nghiệm đã phải đến Phòng tiêm vắc xin - Viện Kiểm Định Vắc Xin, Bộ Y tế từ 2h sáng mong cơ hội nằm trong danh sách những người được mua 1 trong số liều vắc xin ít ỏi này. Mặc dù phải chen chân khá chật vật nhưng không ít phụ huynh đành phải đưa con về vì "hết số".

Mặc dù Bộ Y tế khẳng định không thiếu vắcxin dịch vụ, nhưng thực tế vắc xin 6 trong đã hết trên thị trường từ đầu năm 2015, hiện nay mới có trở lại với số lượng vô cùng ít. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tình hình cung ứng vắc xin dịch vụ năm nay tiếp tục khan hiếm và còn nhiều khó khăn nên việc cung cấp có thể không ổn định hàng tháng. Tình trạng thiếu vắc xin 6 trong 1 (phòng được các bệnh bạch hầu; ho gà; uốn ván; bại liệt; viêm gan B; viêm màng não mủ, viêm phổi do vi khuẩn Hib) là loại vắc xin thiếu nhất trong năm nay. Nguyên nhân là do lượng nhập về quá ít so với nhu cầu thực tế vì phía nhà sản xuất không cung ứng kịp sản phẩm trong khi nhu cầu tăng lên. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội dự trù 5 - 6 nghìn liều vắc xin 6 trong 1. Tuy nhiên, số nhập về thực tế chỉ được 800 liều và bị gián đoạn do nhà phân phối vắc xin dừng lại.

Cũng biết đặc thù của vắc xin là thời gian sản xuất dài (khoảng 6 tháng), hạn sử dùng ngắn, điều kiện bảo quản nghiêm ngặt, số lượng nhà sản xuất trên toàn cầu ít nên nhà sản xuất cần thời gian để tổng hợp các đơn đặt hàng nhận được và lập kế hoạch sản xuất. Nhưng từ khi người dân lo ngại không dám cho con tiêm “5 trong 1” (Quinvaxem) trong chương trình tiêm chủng mở rộng sau khi có một số trường hợp bị phản ứng thuốc dẫn tới tử vong do tiêm loại vắc xin này. Để thay thế, các vị phụ huynh đã đưa trẻ đến các cơ sở y tế dịch vụ để  tiêm vắc xin “6 trong 1” (Infanrix Hexa), khiến nhu cầu của loại vắc xin này tăng đột biến. 

Còn một nghịch lý nữa đang diễn ra là người dân chấp nhận chờ đợi, xếp hàng để tiêm vắc xin dịch vụ trong khi vắc xin miễn phí được Bộ Y tế cung ứng đầy đủ qua các chương trình tiêm chủng mở rộng lại ít người tiêm. Các phường, xã phải đi đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân tiêm tránh trường hợp bỏ tiêm chủng vì đây là điều rất nguy hai đối với con trẻ. 

Các chuyên gia y tế đã khuyến cáo các gia đình có trẻ nhỏ, nếu trong trường hợp đến lịch tiêm chủng của con em mình mà chưa có vắc xin dịch vụ thì không nên trì hoãn tiêm, cần đưa trẻ đi tiêm chủng theo đúng lịch của chương trình Tiêm chủng mở rộng. Các vắc xin do chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cung cấp đều được kiểm định, đảm bảo an toàn. Thế nhưng các bậc phụ huynh vẫn cứ chen chân đi mua vắc xin dịch vụ. Vì họ cảm thấy lo lắng và không yên tâm vì những “sự cố” từ vắc xin đã từng xảy ra.

Thật khổ cho các ông bố bà mẹ, thời nay mà như thời tem phiếu, cái gì cũng phải xếp hàng. Xin học cho con xếp hàng, đi khám bệnh xếp hàng, bây giờ đến mua vắc xin cũng phải xếp hàng. Không biết đến bao giờ mới hết cảnh xếp hàng này đây?