Cải cách từ con người

(ANTĐ) - Cải cách thủ tục hành chính ở nước ta, đã, đang và sẽ còn là một thách thức trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cải cách hành chính được nhắc tới với tần suất nhiều nhất trong các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, trong các báo cáo tổng kết tình hình hàng tháng, hàng quý cũng như trong những phát biểu chỉ đạo của các thành viên Chính phủ.

Cải cách từ con người

(ANTĐ) - Cải cách thủ tục hành chính ở nước ta, đã, đang và sẽ còn là một thách thức trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cải cách hành chính được nhắc tới với tần suất nhiều nhất trong các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, trong các báo cáo tổng kết tình hình hàng tháng, hàng quý cũng như trong những phát biểu chỉ đạo của các thành viên Chính phủ.

Mặc dù cải cách hành chính là một cuộc “trường chinh”, đã đạt được những dấu mốc đáng ghi nhận, song chặng đường phía trước vẫn còn dài và còn nhiều cản trở.

Một câu hỏi lớn: “Cải cách phải đi từ đâu?” dường như đã tìm ra câu trả lời cụ thể tại một cuộc hội thảo trong một lĩnh vực khá “nóng bỏng” về thủ tục hành chính. Đó là đầu tư bất động sản. Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã công bố những con số bất thường mà những người trong cuộc lại cảm thấy đã trở thành chuyện “bình thường”. Một dự án muốn triển khai phải vượt qua 33 thủ tục, thời gian hoàn tất phải mất 3 năm, thậm chí có dự án phải chầu trực tới sáu, bảy năm.

Quan chức này còn tiết lộ có những hồ sơ dự án phải đóng đủ 50-60 con dấu đỏ của các cơ quan. Nỗi ám ảnh đeo đẳng nhà đầu tư kinh doanh từ việc “xin” thông tin quy hoạch, lập quy hoạch, thẩm định phê duyệt dự án cho đến giao đất, cho thuê đất, đền bù giải tỏa, cấp phép xây dựng. Bộ Xây dựng đã tự “kê đơn, bốc thuốc” để chữa trị “căn bệnh” hành... doanh nghiệp bằng một kế hoạch cải tiến quy trình thủ tục đầu tư cho dự án bất động sản. Theo đó, sẽ rút ngắn từ 33 thủ tục xuống còn 8 bước với thời gian chỉ còn 12 tháng, thay vì 3 năm, 6 năm. Ghi nhận nỗ lực rất lớn của Bộ này, tuy vậy nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi.

Cải cách hành chính đâu chỉ đơn thuần là cải cách, tinh giản quy trình, thủ tục. Trong bất kể lĩnh vực nào, thì điều “sống còn” của cải cách là phải đi từ con người, bắt đầu từ con người. Ngay trong bộ máy cán bộ công chức, tình trạng làm khó dễ, đùn đẩy trách nhiệm, hạch sách không còn là đơn lẻ mà gần như rất phổ biến.

Có trường hợp một doanh nghiệp xin đầu tư xây dựng nhà ở xã hội: Nghe tin chương trình nhà ở xã hội triển khai chậm vì thiếu quỹ đất, doanh nghiệp này liền sốt sắng gửi thư lên quận “xin” được đầu tư bằng đất của mình sẵn có. Chờ mãi vẫn không được quận hồi âm. Sau này tìm hiểu, nhà đầu tư mới “té ngửa” vì dự án nhà ở xã hội được ưu đãi cho nên muốn nhảy vào thì phải biết cách “bôi trơn” chứ đâu chỉ gửi thư “suông” như vậy. Một Giám đốc công ty địa ốc đã khái quát ba thứ “vô” trong lĩnh vực kinh doanh này: Thủ tục nhiêu khê vô tận; cán bộ công chức vô cảm; doanh nghiệp chán chường, bất lực đến vô vọng. Hậu quả của thủ tục hành chính và sự trì trệ trong bộ máy cán bộ công chức, nếu tính bằng tiền, đã làm lãng phí hàng chục tỷ đồng của doanh nghiệp và xã hội.

Thật khó đồng tình khi nghe quan chức chính quyền, Bộ chủ quản yêu cầu doanh nghiệp nêu đích danh cán bộ mè nheo hoặc tắc trách để chính quyền xử lý. Bởi lẽ, trách nhiệm giám sát, xử lý cán bộ công chức là thuộc về Nhà nước, chứ sao lại trông chờ doanh nghiệp, người dân tố cáo? Việc cải cách thủ tục hành chính, chắc chắn phải bắt đầu từ “cải cách” con người. Một cửa, một dấu hay cổng điện tử nối mạng vẫn phải do con người thực hiện.

Chỉ khi nào Bộ, ngành, đội ngũ cán bộ công chức thực sự là “công bộc” của dân, đặt lợi ích của doanh nghiệp, của người dân lên trên hết, thì khi đó cải cách hành chính mới thật triệt để, sâu sắc.

Đan Thanh