Cách phòng tránh sự cố về gas

ANTĐ - Bếp gas được nhiều gia đình sử dụng, tuy vậy, không phải ai cũng hiểu rõ về cấu tạo cũng như nguyên lý của bếp gas, nên trong trường hợp xảy ra sự cố người dùng sẽ rất khó xử lý. Để có những thông tin hữu ích về vấn đề này, phóng viên ANTĐ đã có cuộc trao đổi với kỹ sư Đinh Xuân Sơn - Giám đốc Công ty Mai Đức Phát - Công ty chuyên cung cấp gas và bếp gas nhập khẩu tại quận Long Biên, Hà Nội.

Một vụ nổ gas thường gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản


Nguy hiểm gas kém chất lượng

Theo kỹ sư Đinh Xuân Sơn: “Hầu hết các cửa hàng kinh doanh gas kém uy tín thường không có giấy phép kinh doanh, không được đào tạo phòng cháy, đặt cửa hàng trong các ngõ ngách khó tìm để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Các cửa hàng này san chiết gas trái phép sang bình gas chất lượng cao như Shell, Total, Petrolimex, PetroVietnam Gas…Sau đó sử dụng niêm phong giả để dán lên bình gas san chiết để ăn tiền chênh lệch. Điều đáng nói là hầu hết những bình gas cũ, không còn an toàn của các nhà cung cấp có uy tín vẫn được các cửa hàng giữ lại để  tiếp tục sử dụng tại các cửa hàng hay hộ gia đình. Điều này rất nguy hiểm bởi những gioăng cao su giữ kín khí gas ở những bình gas này do sử dụng đã quá lâu sẽ bị hở khiến gas rò ra ngoài. Bên cạnh đó khi san chiết gas trái phép, các hộ kinh doanh thường sử dụng cách làm thủ công đơn giản, không có thiết bị an toàn nên nguy cơ cháy nổ là rất cao.

Cũng theo kỹ sư Sơn, phần lớn nhân viên giao gas tại các cửa hàng kém uy tín không được đào tạo bài bản về những kiến thức sử dụng gas và giải quyết sự cố về gas nên thường  lắp đặt bình gas sai kỹ thuật, gây hở gioăng. Đây cũng là nguyên nhân xảy ra một số vụ tai nạn gây cháy nổ. Bên cạnh đó, khi giao gas, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về thiết bị sử dụng gas của người tiêu dùng nên nhân viên giao gas thường nói van gas, dây gas  đã bị hỏng để người tiêu dùng phải thay trong khi các thiết bị này vẫn sử dụng tốt. Thậm chí các nhân viên này còn nhanh tay vặn hở gas ở bình hay bẻ van gas, dùng kim để chọc thủng dây dẫn gas khiến gas rò ra ngoài hay làm hỏng bếp gas khiến chủ nhà lo lắng phải thay thiết bị mới. Những thiết bị dùng để thay thế thường có giá rẻ, không có nguồn gốc rõ ràng, kém chất lượng, không đảm bảo về kỹ thuật. Với van an toàn của chính hãng giá bán thực tế là 100.000 đồng/chiếc, nhưng nhân viên và cửa hàng gas có thể bán “hàng rởm”  với mức giá cao hơn 2, 3 lần.

Nguyên nhân cháy nổ gas

Kỹ sư Sơn cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy nổ gas là do người sử dụng sau khi tắt bếp đã không tắt hết công tắc đóng mở gas về đúng vị trí tắt hết gas, khiến cho gas rò rỉ ra ngoài. Ngoài ra, trong quá trình đun nấu, người sử dụng không trực tiếp đứng tại bếp trong suốt quá trình đun, nấu thức ăn nên khi thức ăn sôi trào ra bề mặt bếp, hay gió lùa làm tắt bếp đột ngột (đối với những bếp gas không có hệ thống cảm ứng nhiệt tự ngắt an toàn) khiến cho lửa tắt nhưng công tắc bếp vẫn mở khiến gas thoát ra ngoài.

Thông thường, khi sử dụng bếp gas, người dùng rất ít quan tâm đến dây dẫn gas bởi nó nằm phía sau hoặc dưới mặt bếp gas nên khó quan sát. Do vậy, nếu dây dẫn gas bị nứt do sử dụng lâu ngày, hay bị thủng do chuột cắn, thậm chí là các nguyên nhân khác như các kẹp nối dây dẫn gas ở đầu bếp và van an toàn bị lỏng, hoặc các tác nhân bên ngoài tác động làm van gas bị rò rỉ sẽ khiến gas lọt ra ngoài. Bên cạnh đó, do bếp gas quá cũ, sau khi ngừng sử dụng không khoá van gas cũng dẫn đến gas rò rỉ ra ngoài qua bếp. Tất cả những nguyên nhân trên kết hợp với tác nhân tia lửa điện, bật tắt công tắc điện, bật bếp… do người sử dụng tạo ra từ sự không hiểu biết khi xử lý sự cố đã vô tình khiến cho gas phát nổ.

Để sử dụng gas một cách an toàn và xử lý sự cố gas rò rỉ, kỹ sư Sơn đưa ra lời khuyên: “Khi mua bình gas, người sử dụng nên chọn những bình gas mới, còn nguyên niêm phong, đặc biệt đối với các hãng gas lâu năm trên thị trường như: Shell Gas, Total Gas, Petrolimex,… khách hàng nên lấy gas tại các đại lý chính hãng. Đặc biệt, khi mua bình gas của bất cứ hãng gas nào phải có lô gô của nhà cung cấp, có niêm phong và dấu của cơ quan kiểm định. Khi thay gas, khách hàng cần đề nghị nhân viên vặn chặt van an toàn của bình gas và giám sát chặt chẽ quá trình thay gas của nhân viên. Trong quá trình đun nấu, người sử dụng phải giám sát thường xuyên, để trong trường hợp xảy ra sự cố sẽ kịp thời xử lý. Sau khi sử dụng cần tắt bếp, đồng thời khóa van an toàn.

Bên cạnh đó, người sử dụng cần kiểm tra định kỳ dây dẫn gas, van an toàn, các điểm nối dây dẫn gas ở bếp và ở van an toàn bằng cách quét nước xà phòng. Đối với dây gas nên 1 năm thay một lần, còn van gas, 2 năm thay một lần. Khi thấy dây cứng, mất sự đàn hồi, thì kể cả chưa đến hạn thay mới, người sử dụng vẫn nên thay. Người sử dụng nên sử dụng loại bếp gas có bộ phận cảm ứng nhiệt tự động ngắt gas khi nước tràn hoặc gió lùa làm tắt lửa.

Khi xảy ra sự cố rò rỉ gas, đặc biệt phát hiện có mùi gas phải lập tức tắt các nguồn lửa, khoá van bình gas. Quét nước xà phòng lên van an toàn và dây dẫn gas  để tìm chỗ rò rỉ, tuyệt đối không dùng bật lửa để dò tìm. Không đóng hoặc ngắt công tắc điện, quạt điện làm phát sinh tia lửa điện gây cháy nổ khí gas. Lúc này nên mở tất cả các cửa trong nhà, cửa thoáng cửa ra vào thông với gian bếp, dùng các dụng cụ thủ công như quạt tay, bìa carton để quạt đẩy hết khí gas ra ngoài.