Cách nhận biết doanh nghiệp, cá nhân có hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, CATP Đà Nẵng đã di lý Vũ Đức Minh (39 tuổi) và Đinh Hồng Quang (42 tuổi, cùng trú tại Hà Nội) về Đà Nẵng để điều tra hành vi lừa đảo, do 2 đối tượng này đã lừa 165 lao động sang Hàn Quốc để chiếm đoạt 3 tỷ đồng.

1.001 thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động

Theo thông tin từ CQĐT, đầu tháng 5/2021, Minh và Quang dùng giấy CMND giả lên mạng xã hội giới thiệu có khả năng tổ chức cho người khác sang Hàn Quốc lao động, với mức lương 50 triệu đồng/ tháng.

Người có nhu cầu xuất cảnh phải chi cho 2 nghi phạm này 10.000 USD/ người. Cả tin, 165 người dân ở các địa phương như Thanh Hóa, Hà Tĩnh... đã đăng ký đi xuất khẩu lao động, và nộp cho Minh và Quang 5 triệu đồng/ người để khám sức khoẻ và xét nghiệm Covid-19.

Khi hẹn 165 người này vào Đà Nẵng, 2 đối tượng đưa họ vào ở khách sạn, thu thêm mỗi người 300 USD rồi bỏ trốn.

Hai đối tượng Vũ Đức Minh (39 tuổi) và Đinh Hồng Quang (42 tuổi) cùng trú tại Hà Nội)

Hai đối tượng Vũ Đức Minh (39 tuổi) và Đinh Hồng Quang (42 tuổi) cùng trú tại Hà Nội)

Cách đây không lâu, Cơ quan CSĐT - CAQ Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã điều tra, khám phá một đường dây lừa đảo XKLĐ lớn trên địa bàn.

Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, đối tượng chủ mưu cầm đầu là Thân Thị Lý (sinh năm 1992, ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đã lừa đảo trót lọt hàng trăm bị hại, chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 6 tỷ đồng.

Trước đó, cơ quan công an cũng đã bắt giữ một giám đốc chuyên lừa đảo tuyển người XKLĐ.

Đối tượng là Đỗ Văn Đồng, Giám đốc Công ty TNHH Taiyo Japan Quốc tế, có địa chỉ tại tòa nhà số 36 Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Tại cơ quan điều tra, đối tượng Đỗ Văn Đồng thừa nhận việc làm giả giấy tờ nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của những người có nhu cầu XKLĐ sang Nhật Bản, cho dù công ty do Đồng lập ra không có chức năng đó. Bằng thủ đoạn này, Đồng lừa đảo trót lọt hàng chục người, chiếm đoạt gần 1,5 tỷ đồng.

Làm thế nào để tránh “sập bẫy”?

Từ những vụ việc trên có thể thấy, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, không ít đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, mong muốn được đi XKLĐ để đổi đời của nhiều người và quy định giãn cách để "giăng bẫy".

Chúng thường cắt ghép hình ảnh, đăng tải thông tin tuyển lao động sang Nhật Bản, Hàn Quốc… làm việc diện thực tập sinh với ưu đãi lớn chỉ có trong mùa dịch bệnh, nên gọi điện thoại để được tư vấn và nhanh chóng đồng ý tham gia đơn hàng.

Khi “con mồi” chuyển tiền, chúng lập tức khóa tài khoản mạng xã hội, tắt điện thoại và đánh bài chuồn.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động, thời gian qua đã xuất hiện nhiều đối tượng lập công ty để thực hiện hành vi lừa đảo XKLĐ.

Nhiều công ty "ma" cố tình tạo đơn hàng giả để lừa NLĐ đang diễn ra nhiều nơi, đặc biệt là thông qua mạng xã hội.

Thủ đoạn của chúng là làm giả hồ sơ, giấy tờ, hợp đồng lao động đi làm việc tại nước ngoài có dấu giả và chữ kí giả mạo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, hoặc trung tâm lao động ngoài nước.

Ngoài ra, chúng còn dụ dỗ người dân đi XKLĐ “chui” thông qua các con đường du học, du lịch, thăm người thân, kết hôn giả rồi bán cho chủ sử dụng lao động ở nước ngoài.

Cũng theo Luật sư Thu, pháp luật hiện hành đã quy định rõ về các phương thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Để tránh bị lừa đảo, người lao động (NLĐ) nên tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan như quy mô của công ty tổ chức đưa người đi XKLĐ ra sao, đơn vị này có được Bộ LĐ, TB&XH cấp phép phái cử lao động không đồng thời tìm hiểu kĩ đơn hàng được tư vấn. Đặc biệt, khi đóng phí người lao động cần yêu cầu có biên lai, hóa đơn hợp lệ và nên cảnh giác với các đối tượng cò mồi, môi giới, những lời chào mời “chi phí rẻ, lương cao”...