Cách dùng tiền thưởng lạ lùng của các nhà văn

ANTD.VN - Trong cuộc đời cầm bút, không ít nhà văn được vinh danh qua các giải thưởng văn học nghệ thuật. Mười người có mười cách ứng xử với giải thưởng khác nhau: người dành tiền mua laptop, người đi trả nợ, thậm chí có người mua vàng cất giữ, nhưng cũng có người làm từ thiện và có cả những người… không lấy.

Nhà phê bình Ngô Thảo

Từ chối giải thưởng 

Năm 1995, Hội Nhà văn và Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức cuộc thi thơ về người phụ nữ. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã viết 2 bài thơ dự thi với bút danh Nguyễn Hoàng Lê (bút danh trong thẻ nhà báo của ông) với mục đích muốn giấu tên để xem thái độ của Ban Giám khảo thế nào.

Một hôm ông cùng đi công tác với nhà thơ Hữu Thỉnh, lúc đó là Tổng biên tập Báo Văn Nghệ và là Chủ tịch hội đồng chung khảo cuộc thi. Nghe ông chủ khảo nói giải Nhất của cuộc thi được trao cho bài thơ “Câu hỏi trước dòng sông” của mình, Nguyễn Quang Thiều bỗng dưng nảy ra ý nghĩ sẽ không xuất hiện nhận giải.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Đến sát ngày trao giải, ban tổ chức không sao liên lạc được với Nguyễn Hoàng Lê. Buổi lễ trao giải vắng mặt người được giải cao nhất khiến nhiều bạn đọc tò mò muốn biết mặt thi sĩ mới xuất hiện trong làng thơ mà đã gặt hái được thành công. Sau nhiều năm tìm kiếm, chủ nhân của giải thưởng vẫn bặt vô âm tín, trong khi số tiền tặng thưởng thì trượt giá nhiều lần. Hơn 20 năm sau, tác giả Nguyễn Hoàng Lê mới lên tiếng qua một bài báo. 

Khi vừa trải qua một “tai nạn nghề nghiệp” khủng khiếp trở về, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến tham dự cuộc thi thơ do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức. Tác phẩm “Tổ quốc nhìn từ biển” đã vượt qua hàng nghìn “đối thủ” để giành giải Nhì. Nhưng vì một số lý do đặc biệt, tác giả đã viết một bản cam kết không nhận giải thưởng gửi đến ban tổ chức.

Không được trao giải, số phận bài thơ lại rẽ sang ngả khác vô cùng ngoạn mục, ngay sau đó đã được in trên nhiều tờ báo như một lời ngợi ca lòng yêu nước, tự hào dân tộc và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Một số nhạc sĩ đã phổ nhạc thành bài hát được nhiều người yêu thích và Đài truyền hình Việt Nam còn có một chương trình lấy tên “Tổ quốc nhìn từ biển” để giao lưu cùng khán giả. Có lẽ với một người làm thơ, sức lan tỏa của tác phẩm trong lòng bạn đọc luôn quý giá hơn bất kỳ giải thưởng nào.

Tặng giải thưởng, chia tiền cho người khác

Trong một giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Hà Nội, nhà phê bình Ngô Thảo được trao thưởng cho cuốn tiểu luận - ghi chép “Dĩ vãng phía trước” với số tiền 20 triệu đồng.

Ngay trong lễ trao giải, ông đã dành trọn số tiền thưởng tặng lại Hồng Thủy Tiên - cô sinh viên khoa Viết văn – Báo chí trường Đại học Văn hóa. Nhà phê bình biết Hồng Thủy Tiên có một hoàn cảnh khá đặc biệt: mẹ mất sớm, bố đi lấy vợ khác, hai chị em cô phải tự đùm bọc nuôi nhau bằng đủ các nghề (làm thuê trên rẫy cà phê, làm công nhân trong xưởng may...); khi thi đỗ vào trường Đại học Văn hóa, cô phải vừa học vừa làm thêm để có tiền trang trải học phí và sinh hoạt.

Ông mong muốn số tiền ấy sẽ giúp cô sinh viên mua được chiếc laptop mới để thuận tiện cho việc học hành, sáng tác. Món quà ý nghĩa đó đã theo cô sinh viên nghèo ra trường, đi làm và hiện nay những bản thảo mới nhất vẫn được Hồng Thủy Tiên gửi đến các báo từ chiếc laptop đong đầy tình cảm của nhà phê bình nhân ái.

Nhà thơ Thanh Thảo được trao giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập “Trường ca chân đất” (năm 2012) nhưng ông mang toàn bộ số tiền 20 triệu đồng đem tặng cho học sinh nghèo tại Trường THPT Sơn Mỹ, Quảng Ngãi. Nhà thơ cho biết thêm, Quỹ Vì trẻ em Sơn Mỹ do chính ông sáng lập và duy trì hoạt động nhiều năm nay.

Tiền giải thưởng chỉ là một trong những khoản “thu nhập bất thường”, còn lại đều đặn mỗi tháng nhà thơ vẫn dành ra một phần thu nhập để giúp đỡ những người nghèo khó hơn mình.

Một trường hợp khác, nhà văn Lê Minh Khuê nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012 trị giá 120 triệu đồng, bà lập tức chia tiền thành nhiều phần nhỏ mang về Thanh Hóa (quê nhà văn) để giúp đỡ những người họ hàng có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, mỗi khi có dịp qua lại trụ sở Hội Nhà văn, bà thường để sẵn những tờ 200 nghìn mới cứng trong túi, gặp nhân viên văn phòng Hội, bà ấn tờ tiền vào tận tay mỗi người với lời dặn dò ấm áp: “Cô chẳng mời được cháu đi ăn, thôi cầm một chút mua cái gì về nhấm nháp cho vui nhé”. Nhiều người thấy ngại vì nhà văn cứ rộng rãi như thế thì chẳng giữ được cho mình được mấy đồng tiền thưởng, nhưng bà xóa tan mọi nỗi ngần ngại bằng nụ cười hồn hậu: “Lộc bất hưởng tận mà...”