Cách đại gia vung tiền dàn xếp chuyện ly hôn ở toà án

ANTĐ - Họ có tiền và họ có quyền. Họ tận dụng hai sức mạnh vạn năng ấy để ngã giá, trao đổi thứ không thể đong đếm được bằng tiền: công lý và tình cảm, gây nên những cuộc “thương thảo” rung động chốn tòa án.

Thẳng thừng đề nghị tiền “bồi dưỡng” với chủ tọa

Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, từng xét xử không ít vụ án ly hôn từ đơn giản cho tới phức tạp, thẩm phán N.M.T có thể được gọi là bậc lão làng trong ngành tòa án. Có những vụ án ông xét xử cách đây tới hai chục năm, song nhắc lại ông vẫn nhớ như in từng chi tiết giống như tận mắt chứng kiến thước phim quay chậm về phiên tòa cũ đang diễn ra. Những cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa ly hôn vì nhiều lý do khác nhau, có thể sau phiên tòa, may mắn họ quay trở lại bên nhau, song phần lớn đều chung một kết cục tan tác, chia lìa.

Theo quan sát của ông, cuộc sống càng hiện đại, các cặp vợ chồng càng kéo nhau ra tòa nhiều hơn. Tiền bạc kiếm ra tỉ lệ nghịch với mức độ tình cảm và gắn bó. Chẳng thế, ông xét xử không ít cặp vợ chồng thuở hàn vi yêu nhau, gắn bó, thủy chung là thế, nhưng đến khi lắm tiền nhiều của, giữa họ lại nảy sinh nhiều mâu thuẫn, xuất hiện nhiều trái khoáy và những mối quan hệ phức tạp. Cuộc sống hiện đại kim tiền khiến con người ta xao nhãng đi tình cảm thiêng liêng vợ chồng - dĩ nhiên đó không phải là tất cả, nhưng rõ ràng, tiền bạc chất đầy trong vai trò như một tác nhân chính, khiến con người thay đổi.

Giọng vị thẩm phán sang sảng, nhắc lại phiên tòa ông xử cách đây 5 năm mà không kiềm chế nổi bức xúc. Sở dĩ, ông dùng tới từ “bức xúc” bởi nhân vật chính trong phiên tòa đã dùng những lời lẽ xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm của một người cầm cân nảy mực như ông. Người đàn ông tên Tùng (Hà Nội) đó đã dùng tiền và cậy vào nó để lên mặt chỉ đạo, phách lối và thương lượng với vị thẩm phán ngay giữa phiên tòa, tỏ ý thực sự coi thường công lý và sự nghiêm minh của luật pháp.

Ông vẫn còn nhớ, buổi sáng hôm đó ông có lịch xử án vào đúng 8 rưỡi sáng. Đúng giờ phiên tòa khai mạc, nhưng hàng ghế bị đơn vẫn trống, còn bên hàng nguyên đơn là một người phụ nữ ăn vận giản dị, mái tóc buông nhẹ ôm gọn gương mặt thanh tú. Chị ta đẹp song lại toát lên một nỗi buồn khó tả. Người đàn bà tên Mỹ ấy thi thoảng liếc về phía cửa chính, ngóng đợi người còn lại xuất hiện trong vô vọng và mệt mỏi. 15 phút sau, phiên tòa mới có thể bắt đầu khi bị đơn xuất hiện. Người đàn ông tên Tùng mặc bộ vest đen lịch lãm, đeo kính râm, bước chân chậm rãi xuống xe trong ánh nhìn trầm trồ của không ít người dự khán.

Theo sau ông là 4 vệ sĩ lực lưỡng mặc trang phục đen, gương mặt lạnh như tiền, tuyệt không bộc lộ chút cảm xúc mà lặng lẽ quan sát sau cặp kính đen to bản. Họ rảo từng bước chân chắc chắn xuống nền gạch hoa, toát lên cốt cách của những người có tiền bạc quen cho mình đứng cao hơn người khác. Chủ tọa nhắc nhở vị bị đơn về sự chậm trễ, ông Tùng nhếch mép cười khẩy tỏ ý “ta đây biết rồi”. Liếc nhanh sang hàng ghế nguyên đơn, nhìn chị Mỹ với ánh mắt ráo hoảnh, lạnh lùng, ông ngồi xuống ghế, bắt chân chữ ngũ, ra hiệu cho mấy vệ sĩ lui về phía cửa chính.

Ông Tùng là đại gia ở đất Hà Thành nhiều năm nay. Ông có 3 ngôi nhà trên phố cổ cho thuê kinh doanh các mặt hàng thời trang cao cấp. Vài căn biệt thự ở gần Hồ Tây, chuỗi spa trải dài từ Bắc chí Nam... Mới bước chân về làm vợ ông Tùng, mọi người xì xầm bàn tán, bảo số Mỹ may mắn, đúng là “chuột sa chĩnh gạo”. Nhưng làm vợ ông, Mỹ mới biết mọi thứ không hề dễ chịu, suôn sẻ và bình lặng như ao ước của chị. Mỹ vốn sinh trưởng trong một gia đình nhà giáo, là người Tràng An thanh lịch suốt bao đời, chị không chú trọng tiền bạc, vật chất mà đề cao tinh thần cũng như nếp sinh hoạt tinh tế trong cuộc sống. Quen nhau do mai mối, và nhận thấy Tùng là người lịch lãm, lại tỏ ra hào phóng, biết quan tâm, Mỹ gật đầu về làm vợ với hi vọng cuộc đời suôn sẻ như chiêm nghiệm của người thân “lấy chồng hơn chục tuổi sẽ được chiều chuộng, nâng niu”.
 
Nhưng, mỗi ngày sống chung dưới căn nhà với Tùng, Mỹ phát hiện thêm bên trong con người đại gia kếch xù, tỏ ra hào hiệp này thực chất là một người so đo, tính toán, kể cả từng chút một. Không biết bên ngoài xã hội, cư xử với bạn bè ra sao, nhưng trở về nhà, Tùng căn ke từng đồng, từng hào với vợ. Chưa kể, 8 năm làm vợ ông, chưa một ngày, Mỹ cảm thấy thoải mái về tinh thần, chưa bao giờ được làm theo ý thích của mình, nhất mực đều phải nghe theo lời chỉ đạo của chồng, ngay cả việc lựa chọn trang phục, kiểu tóc. Đỉnh cao của mâu thuẫn là việc Tùng bắt Mỹ bỏ dạy, ở nhà lo liệu việc nhà. Dạy học là tâm huyết và ý nghĩa cả đời Mỹ theo đuổi, xưa nay, chị chưa làm trái ý chồng bao giờ nhưng riêng lần này, Mỹ một mực phản đối quyết định chủ quan, ích kỷ của anh. Lấy đó làm cớ mắng nhiếc Mỹ là vợ nhưng không trọn đạo, ông Tùng thường xuyên chì chiết, đày đọa chị và “không quên” đón nhận thêm những mối quan hệ mới.

Theo đúng chức trách của nhà cầm quyền, vị thẩm phán T làm đúng theo những thao tác, thủ tục pháp lý cần thiết, nhưng ông Tùng tỏ ra nóng ruột, liên tục nhìn đồng hồ và phán những câu sắc lạnh: “ông giải quyết nhanh giúp, thời gian với tôi quý hơn cả vàng bạc. Nhanh để tôi còn giải quyết công việc đang chờ đợi”. Song theo đúng trình tự, vị thẩm phán sẽ phải hỏi ý kiến của cả bên nguyên đơn và bị đơn, nhưng ông Tùng hách dịch: “Cô ta chẳng có chút tài sản nào kể từ khi bước chân về nhà tôi. Về việc phân chia tài sản không có gì bàn cãi. Đến tay trắng và ra đi trắng tay. Nếu ông giảm tải tối đa các thủ tục cần thiết, xin biếu ông dăm triệu uống nước”. Nhưng theo như thống kê tài sản, phần chị Mỹ có ngôi nhà ở Hàng Bạc là của hồi môn của bố mẹ tặng, ông Tùng căn ke đòi phân chia trong khi bản thân Tùng thừa mứa nhà cửa và tiền bạc.

Bản thân vị thẩm phán thấy khó chịu trước cách hành xử thiếu văn hóa, hách dịch, trịch thượng của ông Tùng, ông T đề nghị Tùng bình tĩnh để cơ quan chức năng làm việc. Ông Tùng lớn tiếng xách mé cả thẩm phán và các thành phần chức năng khác khiến tất cả mọi người có mặt trong phiên tòa đều tỏ ra khó chịu. Chủ tọa nhiều lần phải đề nghị ông Tùng giữ thái độ đúng mực, nếu tiếp tục có hành vi gây rối và miệt thị người khác, ông sẽ bị xử lý theo đúng pháp luật, đến lúc này, ông Tùng mới chịu ngồi phịch xuống chiếc ghế, chao chát nhìn toàn bộ mọi người xung quanh với ánh mắt khuyết tật.

Ông Tùng và Mỹ ly hôn đúng theo nguyện vọng của Mỹ. Mọi người bảo nhau, lấy được người giàu chắc gì đã là hạnh phúc và lúc chia tay rồi, cũng không ít dư vị đắng xót, ghê tởm còn đọng lại. Thế mới biết, đồng tiền nhào nặn con người thành cỗ máy vô cảm, thủ đoạn và lọc lõi đáng sợ như thế.

Cách đại gia vung tiền dàn xếp chuyện ly hôn ở toà án ảnh 2

Dùng tiền để “trao đổi” con cái

Vị đại gia xuất hiện trong câu chuyện thứ hai của chúng tôi là một người phụ nữ có máu mặt. Bà tên Xuyên, nổi đình đám trong giới chứng khoán và bất động sản cách đây 2 năm trước. Gai góc, quyền lực, quyết đoán là những từ người ta miêu tả về bà. Trái với người phụ nữ ngang dọc tung hoành ấy là một người chồng giản dị, hiền lành chân chất, đúng bản chất của một giáo viên trung hoc. Ở với nhau gần hai chục năm, các con đều khôn lớn, nên người, điều kiện kinh tế khá giả nếu không muốn nói là giàu có, thế nhưng, ông Mễ chưa một ngày cảm thấy thảnh thơi. Chuyện áp lực khi làm chồng một người vợ giỏi giang, thành đạt, sắc sảo hơn chồng, ông đã lường trước.

Song với suy nghĩ bình dị của một người quen nếp sống giản đơn, ông Mễ tâm niệm: “Việc của ai thì người ấy cố gắng làm tốt”. Duy chỉ có việc dạy dỗ con cái là ông không đồng tình với vợ. Chính điều này đã làm thổi bùng ngọn lửa cháy âm ỉ trong ngôi nhà ông suốt ngấn ấy năm. Bà Xuyên ngày càng tỏ ra quá quắt, bà thường bảo với các con: “Chúng mày không được nghe lời bố. Ông ấy suy nghĩ lạc hậu, cổ hủ, chỉ có đi ngược với tiến trình phát triển của loài người thôi”, trong khi ông Mễ cố gắng giúp các con hướng về nguồn cội, sống có tâm hồn, biết rung động trước vạn vật quanh cuộc sống. Bà luôn mắng ông lẩm cẩm, quen nếp sống của một nhà giáo dở người. Kết thúc chuỗi mâu thuẫn, ông Mễ đề nghị ly hôn bà Xuyên.

Ngay từ đầu, bà Xuyên đã khẳng định chắc nịch trước mặt quan tòa, ngôi nhà hai vợ chồng đang sống, bà không đòi hỏi phải chia chác, bà chấp nhận chu cấp thêm tiền chi phí sinh hoạt hàng tháng cho ông (dù điều này không cần thiết), đảm bảo cho ông có cuộc sống đầy đủ, sung túc, thậm chí giàu có, miễn sao, ông không được tới gặp hai đứa con. Bà bảo, bà không muốn hai đứa con của ông bà tiếp nhận mớ hổ lốn, nhầy nhụa bố chúng truyền dạy. Cái chúng nên học là cách kiếm được nhiều tiền thay bằng việc tống vào đầu vài cuốn sách nhảm nhí vớ vẩn.

Trong khi phiên tòa đang diễn ra, bà nhận được thông tin một cấp dưới thông báo, đứa con trai cả của bà đang bị tạm giữ ở đồn công an vì tội tổ chức đua xe, gây mất trật tự công cộng. Trước khi rời khỏi phiên tòa, bà không quên ngoái lại nói to với vị chủ tọa: “Đấy, tôi không cần ngôi nhà đó. Chỉ cần ông Mễ làm đúng như những gì tôi yêu cầu, nhà là của ông ấy. Thế nhé...”.

Ông Mễ trầm ngâm rầu rĩ ngồi bất động, chợt có điều gì khiến ông choàng tỉnh. Ông lập cập xin phép tòa án lên Công an phường tìm gặp cậu con trai. Ông không muốn chứng kiến các con sa ngã bởi cách dạy dỗ phản khoa học và đậm mùi tiền bạc của mẹ nó. Dáng ông liêu xiêu trong bóng chiều đỏ ối, ám ảnh.