Cách các Đệ nhất phu nhân nước Mỹ “vũ khí hóa” hình ảnh của bản thân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Dù không trực tiếp tham gia điều hành đất nước, song vai trò của các Đệ nhất phu nhân vẫn luôn hiện hữu và thu hút sự chú ý của dư luận kể từ những ngày đầu nhiệm kỳ.
Cưu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama từng bị phản đối vì làn da màu

Cưu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama từng bị phản đối vì làn da màu

Với tư cách là người bạn đời, đồng hành cùng Tổng thống Mỹ, mọi thứ liên quan tới Đệ nhất phu nhân từ phong thái, tới ngoại hình, cách ăn mặc đều bị đặt dưới ánh nhìn dò xét của hàng triệu người. Điều này đã khiến phu nhân của các Tổng thống Mỹ phải tìm cho mình một hình ảnh riêng và có những cách thức để gây dựng hình tượng trước công chúng. “Hình ảnh” được nhắc tới ở đây không chỉ về ngoại hình hay cách ăn mặc mà bao gồm cả những ấn tượng đem đến cho người dân nước Mỹ.

Bầu không khí bao quanh họ được xây dựng từ bên ngoài lẫn tính cách bên trong của các Đệ nhất phu nhân. Loạt phim tài liệu “First Ladies” (Đệ nhất phu nhân) do đài CNN thực hiện đã khắc họa chân thực nhất những áp lực mà một phu nhân Tổng thống phải trải qua trong suốt nhiệm kỳ của mình. Giáo sư Leah Wright Riguer tại Đại học Havard Kennedy từng nhận định: “Đệ nhất phu nhân chính là phiên bản tốt đẹp hơn của nước Mỹ”.

Cựu Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy được yêu mến nhờ vẻ đẹp “chuẩn Mỹ”

Cựu Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy được yêu mến nhờ vẻ đẹp “chuẩn Mỹ”

Đệ nhất phu nhân Michelle Obama và Jackie Kennedy

Khi ông Barack Obama đắc cử và trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ vào năm 2008, vợ ông, bà Michelle Obama cũng gây chú ý đặc biệt, hơn hẳn những Đệ nhất phu nhân tiền nhiệm bởi màu da khác biệt của mình. Đối với những người ủng hộ, bà Obama là biểu tượng của niềm tin và hy vọng một sự đổi mới. Phụ nữ trên toàn thế giới đã dõi theo và dành sự kính trọng cho vị phu nhân thông minh, sắc sảo. Tuy nhiên, trong mắt những người chỉ trích, vợ Tổng thống Obama bị coi là một người dễ nổi nóng. Và tình yêu của bà đối với nước Mỹ đã bị đem ra “cân đo đong đếm” cũng chính bởi màu da của bà.

Thời gian đầu khi mới đảm nhận vai trò Đệ nhất phu nhân, thói quen mặc áo không tay của bà Michelle Obama đã trở thành một chủ đề “nóng” bị chỉ trích. Nhận xét về điều này, nhà phê bình Robin Givhan nổi tiếng của tờ Washington Post cho biết: “Sở dĩ người ta chú ý quá nhiều tới cánh tay của bà Obama bởi đó không phải cánh tay mảnh mai của một phụ nữ da trắng”. Trong tập phim về phu nhân cựu Tổng thống Obama, bà Givhan nói thêm: “Những người phụ nữ da trắng không thể chấp nhận việc một Đệ nhất phu nhân, người đại diện cho họ, lại sở hữu nước da màu. Và khi không tìm được điểm tương đồng, họ đã coi bà Obama là người ngoài”.

Trong khi đó, cựu Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy lại nhận được sự yêu mến đặc biệt bởi ngoại hình mảnh mai và một phong cách “chuẩn Mỹ”. Trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống John F.Kennedy, phu nhân Jackie thường xuyên diện những bộ cánh đắt tiền, trở thành biểu tượng thời trang kinh điển của chính trường Mỹ. Tuy nhiên, bà cũng vấp phải không ít chỉ trích từ các nhà phê bình bởi lối tiêu tiền hoang phí của mình. Nếu lịch sử thay đổi, có lẽ phu nhân Jackie Kennedy sẽ được nhớ tới là một Đệ nhất phu nhân xinh đẹp của nước Mỹ.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi vào ngày Tổng thống John F.Kennedy bị ám sát. Khoảng vài giờ sau khi chứng kiến chồng bị bắn hạ ngay bên cạnh, bà đã đưa ra quyết định lớn nhất của mình: Đối diện với công chúng một lần nữa trong bộ váy hồng dính máu. Khi ấy, bà đã nói với những nhân viên Nhà Trắng: “Tôi muốn họ biết những kẻ sát nhân đã làm gì với Jack”. Vụ sát hại cựu Tổng thống Kennedy đã ghi dấu là một thời khắc thảm khốc của lịch sử Mỹ, đồng thời cũng cho thấy sức mạnh trong thông điệp mà một Đệ nhất phu nhân có thể đem tới.

Trong trường hợp của bà Michelle Obama, vấn đề lớn nhất bà gặp phải chính là cách gây dựng hình ảnh của một người phụ nữ da màu. Chia sẻ trong cuốn sách “Becoming” của mình, bà Obama cho biết: “Là một phụ nữ da màu, tôi biết rõ mình sẽ bị chỉ trích nếu trưng diện quá phô trương. Nhưng tôi biết nếu mình ăn mặc đơn giản, họ cũng sẽ có lý do để lên án. Bởi vậy, tôi đã phối cả 2 phong cách với nhau. Tôi kết hợp chiếc váy cao cấp của thương hiệu Micheal Kors cùng chiếc áo phông bình dân của Gap”.

Đây là một điều tốt, nhưng cũng thật đáng buồn khi phải thay đổi bản thân để phù hợp với số đông. Tuy nhiên, điều này đã đem tới thắng lợi cho bà Michelle Obama. Bà đã ghi điểm nhờ sự khéo và đầu óc sáng tạo của bản thân. Những di sản bà để lại trong lĩnh vực sức khỏe, giáo dục và chống nạn phân biệt chủng tộc cũng nhận được sự ủng hộ lớn của công chúng Mỹ. Bà thậm chí còn được yêu mến tới nỗi từng có nhiều người kêu gọi bà đứng ra tranh cử Tổng thống để tiếp tục những công việc trước đây chồng bà từng làm.

Đây là một trong số ít điểm tương đồng giữa Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy và Michelle Obama. Cả 2 phu nhân Tổng thống đều cân nhắc kỹ lưỡng những trang phục mình lựa chọn và biến chúng trở thành “vũ khí” giúp xây dựng hình ảnh và truyền tải thông điệp.

Hình ảnh cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton đi vận động tranh cử năm 2016
Hình ảnh cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton đi vận động tranh cử năm 2016

Đệ nhất phu nhân Nancy Reagan và Hillary Clinton

Vào năm 1981, khi mới bước chân vào Nhà Trắng, bà Nancy Reagan được coi là một biểu tượng của Hollywood thời vàng son. Bà và chồng Ronald Reagan đều từng tham gia diễn xuất. Cả 2 đã gặp nhau tại Los Angeles vào năm 1940 và có một mối tình đẹp như trong phim. Chuyện tình của vợ chồng cựu Tổng thống Reagan từng là một trong những chủ đề bị phe đối lập lôi ra mỉa mai. Bên cạnh đó, Đệ nhất phu nhân Reagan còn bị chỉ trích gay gắt vì “quá ủy mị”, không phù hợp với vai trò và trách nhiệm bà đang đảm nhiệm trong thời kỳ nước Mỹ rơi vào suy thoái.

Tuy nhiên, trong suốt 8 năm nhiệm kỳ Tổng thổng của chồng, phu nhân Nancy Reagan đã ngày một chứng minh được giá trị và sức mạnh của bản thân, thoát ra khỏi “cái bóng” một người vợ ủy mị. Trong loạt phim về phu nhân Nancy Reagan có tựa đề “First Ladies”, con trai bà, ông Ron Reagan đã tiết lộ: “Mẹ muốn cha là người đứng trước, còn bà sẽ là hậu phương vững chắc, hỗ trợ ông từ phía sau”.

Vợ chồng cựu Tổng thống Reagan

Vợ chồng cựu Tổng thống Reagan

Trong khi phu nhân Reagan bị chỉ trích vì quá ủy mị thì Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton lại từng nhận “gạch đá” vì quá mạnh mẽ, trái ngược với hình ảnh một người phụ nữ truyền thống. Hình ảnh một người phụ nữ chăm lo cho sự nghiệp của riêng mình đã trở thành mục tiêu công kích của phe đối lập. Bà Clinton từng bị chê bai bởi cá tính mạnh mẽ, cứng rắn, khiến Tổng thống Bill Clinton trở nên yếu đuối và mờ nhạt hơn. Tuy nhiên, phu nhân Clinton đã thẳng thắn phản đối những lời công kích này. Bà đã thể hiện bản thân thông qua phong cách thời trang của mình. Theo đó, Hillary Clinton muốn công chúng Mỹ nhớ rằng, bà là một Đệ nhất phu nhân có bằng luật, có sự nghiệp vững chắc và tài giỏi. Hầu hết, khi xuất hiện trước công chúng, bà Clinton thường chọn những bộ trang phục lịch sự và đơn sắc. Điều đó khiến bà khác biệt hoàn toàn so với những Đệ nhất phu nhân khác trong lịch sử.

Hình ảnh “độc quyền” này cũng đã được bà Hillary Clinton sử dụng trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Giải thích về sự lựa chọn của mình, cựu Ngoại trưởng Mỹ chia sẻ: “Là một người phụ nữ đứng ra tranh cử tổng thống, tôi muốn xây dựng một hình ảnh vừa khác biệt đối với nam giới nhưng vẫn có sự tương đồng nhất định”.

Đến nay, bà Hillary Clinton đã thành công trong việc xây dựng một “thương hiệu” của riêng mình đối với công chúng Mỹ. Dù không thể chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, nhưng Đệ nhất phu nhân Clinton đã khiến dư luận nhớ tới những điều đặc trưng của bản thân bà.