Các y, bác sĩ Công an Hà Nội và niềm kiêu hãnh khi được chăm sóc, phục vụ cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, việc ra vào Bệnh viện CATP Hà Nội trở nên rất “khó khăn”. Lý do là bởi người ta sẽ phải đi qua nhiều khâu kiểm tra, từ khai báo nhân thân, đo nhiệt độ, đến đeo khẩu trang hay rửa tay diệt khuẩn. Chỉ cần thiếu một trong những quy trình trên và không thực hiện đầy đủ 5K là sẽ được mời vào khu vực đặc biệt để kiểm tra an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Niềm vui của những người cách ly đến từ sự tận tụy chăm sóc của các y bác sỹ Bệnh viện CATP Hà Nội

Niềm vui của những người cách ly đến từ sự tận tụy chăm sóc của các y bác sỹ Bệnh viện CATP Hà Nội

Chuyện nhặt ở nơi đặc biệt

Cảm nhận đầu tiên của tôi trong câu chuyện với Trung tá Nguyễn Thu Hiền - Giám đốc Bệnh viện CATP Hà Nội, là sự cẩn thận, chu đáo, nhẹ nhàng. Cùng ngồi tiếp chuyện là Đại úy Dương Thanh Loan - điều dưỡng viên Khoa Nội - Tổng hợp. Thi thoảng chị Loan, lại xin phép ngắt quãng câu chuyện để chạy xuống tầng lấy đồ ăn người nhà tiếp tế cho người bị cách ly, hoặc được người cách ly nhờ mua hộ ít đồ cần thiết.

Trung tá Nguyễn Thu Hiền cho biết, người cách ly trong bệnh viện có đủ thành phần, quốc tịch, trình độ văn hóa và cả điều kiện khác nhau. Mặc dù điều kiện chăm sóc, nghỉ ngơi trong khu cách ly được đảm bảo theo các tiêu chuẩn của Bộ Y tế, nhưng có nhiều người vẫn muốn mang thêm một số vật dụng cá nhân, đơn giản nhất là đồ ăn. Có trường hợp người cách ly là một nữ sinh viên ở nước ngoài về rất thích ăn kem. Trời mùa đông lạnh như vậy nhưng khi thèm kem quá, bạn nữ đó đã gọi điện hỏi nhờ các y tá có thể mua giúp mình được không. “Tùy từng nhu cầu và điều kiện cụ thể, chúng tôi luôn cố gắng đáp ứng và kể cả khéo léo từ chối để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch”- Trung tá Nguyễn Thu Hiền nói.

Các bác sĩ ở đây ăn như thế nào thì người dân sẽ được ăn uống như vậy. Mỗi ngày, tổ nấu ăn lên thực đơn khác nhau. Bữa sáng là các món xôi, cháo, bánh mì, sữa.. Trưa và tối có cơm gồm các món mặn, xào, canh và tráng miệng. Các bữa ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh. Quy định về cách ly nên bệnh viện không thể cho người cách ly xuống bếp ăn tập thể và những đầu bếp cũng không được lên tận phòng để đưa đồ ăn. Bệnh viện phải phân chia từng tổ làm nhiệm vụ khác nhau. Khi người cách ly muốn mua đồ ăn, đồ dùng từ bên ngoài gửi vào, các bác sĩ, điều dưỡng sẽ kiêm luôn nhiệm vụ giao hàng.

“Giờ thì bác sĩ, điều dưỡng chúng tôi đã quá quen với công việc “shipper” này rồi. Đối với người Việt Nam thì công tác chăm sóc khá thuận lợi. Tuy nhiên, đối với người nước ngoài, nhất là ở các nước có tín ngưỡng, văn hóa khác biệt thì công tác chăm sóc đòi hỏi phải tỷ mỉ hơn nhiều. Đơn giản nhất là đồ ăn, thức uống khác người Việt nên họ không hợp khẩu vị và phải nhờ mua hoặc nhờ gửi vào để tự nấu. Vì thế chúng tôi kiêm luôn công việc “ship” hàng cho họ” - Đại uý Dương Thanh Loan kể.

Có lẽ khó khăn nhất vẫn là việc bất đồng ngôn ngữ giữa bác sĩ và người cách ly. “Trước đây còn có nhiều du học sinh người Việt nên họ phụ giúp chúng tôi việc phiên dịch cho người nước ngoài khá tốt. Nhưng khi họ hết hạn cách ly, bệnh viện phải bổ sung thêm 2 phiên dịch để giúp chúng tôi giao tiếp với bệnh nhân” - Hộ lý Võ Minh Nga cho hay.

Trung tá Nguyễn Thu Hiền chia sẻ, các y bác sỹ và cán bộ của đơn vị không chỉ làm nhiệm vụ cách ly đối với những trường hợp nghi nhiễm Covid-19, mà phải kết hợp cả khám, chữa bệnh cho họ. “Không phải tất cả ai vào khu cách ly cũng là người hoàn toàn khỏe mạnh, có những người bệnh nền rất nhiều. Và muốn nâng sức khỏe của họ thì phải chữa những bệnh nền”- Trung tá Hiền phân tích. Điển hình vào tháng 3-2020, trong số các trường hợp trở về từ Trung Quốc có một phụ nữ mang thai 4 tuần. Hôm đó, người phụ nữ này có biểu hiện động thai và được Trung tá Hiền cùng kíp trực đưa đến bệnh viện chuyên khoa thăm khám. Nhờ cấp cứu, điều trị kịp thời, người phụ nữ trên cùng thai nhi đã ổn định...

Vinh quang người chiến sĩ áo trắng

Khu cách ly của Bệnh viện CATP Hà Nội có 44 phòng nên số người được đưa đến cách ly không nhiều. Các phòng này được trang bị đầy đủ giường, nệm, tivi, tủ quần áo, công trình phụ khép kín, wifi. Khu vực cách ly được bố trí 1 chiều, có cầu thang đi riêng. Thế nhưng có lúc cao điểm phải tiếp nhận hơn 200 ca, chủ yếu là du học sinh, những người nước ngoài trở lại Việt Nam công tác.

“Giữa tháng 2-2020, UBND TP Hà Nội đã chọn Bệnh viện CATP Hà Nội làm cơ sở phục vụ công tác cách ly, theo dõi sức khỏe 14 ngày cho người dân đi qua tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) và người dân Việt Nam từ Trung Quốc về. Cũng bắt đầu từ đây, các y bác sĩ của bệnh viện có thêm nhiệm vụ mới mà ngay ở thời điểm đó, những mức độ tác động cũng như tình hình về dịch bệnh chưa phải ai cũng lường trước được” - Trung tá Nguyễn Thu Hiền nhớ lại.

Đến thời điểm này, Trung tá Nguyễn Thu Hiền và các đồng đội, y bác sỹ của đơn vị đã đón 2 cái Tết vô cùng đặc biệt tại bệnh viện. Là bác sỹ, lại là chiến sĩ CAND, thời gian ứng trực, làm những nhiệm vụ đột xuất cả về chuyên môn lẫn nghiệp vụ của chị và đồng đội trong bệnh viện dường như gấp đôi so với đồng nghiệp ở môi trường khác. Gần 90 y bác sỹ, nhân viên của bệnh viện trong suốt 2 năm qua đã vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn, thử thách để lặng thầm chiến đấu, chiến thắng kẻ thù vô hình mang tên Covid-19.

Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Thu Hiền liên tục nhắc đến những đồng nghiệp của mình. Ví dụ như hộ lý Võ Minh Nga nhà ở tận huyện Phú Xuyên cách bệnh viện hàng chục km. Không đủ tiền thuê nhà ở gần bệnh viện, chị Nga gửi con nhỏ cho ông bà chăm sóc để sáng đi tối về phục vụ bệnh nhân. Hay như Đại úy Dương Thanh Loan, với trách nhiệm và khiếu hài hước luôn để lại ấn tượng với những người bệnh phải cách ly tại đây. Hàng ngày, Đại úy Loan cùng với các CBCS, y bác sỹ trong bệnh viện ân cần chu đáo chăm sóc bệnh nhân, người cách ly, để giúp họ có thêm niềm tin, nghị lực, sự lạc quan chiến thắng nỗi lo lắng Covid-19. “Đi sớm về muộn, nhưng mọi người cũng chẳng dám nói cho gia đình là đang làm nhiệm vụ theo dõi người cách ly, sợ mọi người lo lắng cho mình. Mọi việc lâu dần cũng thành quen. Điều tự hào nhất là đến bây giờ chúng tôi vẫn làm tốt việc chăm sóc nhân dân, phục vụ cộng đồng, đảm bảo công tác chuyên môn để góp sức cùng đất nước đẩy lùi dịch bệnh”- Đại úy Dương Thanh Loan chia sẻ.