Các trường hồi hộp chờ điểm sàn công bố

ANTĐ - Ngày 8-8, Bộ GD-ĐT chính thức đưa ra điểm sàn ĐH, CĐ 2012. Trong khi những trường công lập tốp đầu không mấy quan tâm đến mức điểm này thì phần lớn các trường ngoài công lập coi đây là mốc quan trọng để bắt đầu “cuộc chiến đấu” cho mùa tuyển sinh năm nay.

Sau ngày 8-8 các trường sẽ chính thức công bố điểm chuẩn trúng tuyển 2012

Điểm sàn dự kiến tăng 0,5 điểm

Nhận định mặt bằng điểm thi năm nay của thí sinh, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga có thể cao hơn năm trước, nhất là ở khối C và D. Thống kê của Bộ GD-ĐT ở khối C cho thấy mức điểm thí sinh đạt nhiều nhất là 15 điểm/3 môn, trong khi đó năm 2011 chỉ ở mức 10-11 điểm. Ở khối D1, số thí sinh đạt mức          12-12,5 điểm nhiều nhất. Các khối A, A1 và B, điểm thi của thí sinh cũng tốt hơn. Năm trước, chỉ ở mức dưới 9 điểm nhưng năm nay đa số thí sinh đạt mức 10-11. Khối D1, với dự kiến mức điểm sàn là 13,5, tăng hơn năm 2011 là 0,5 điểm thì số thí sinh trúng tuyển NV1 là 45.000. Số còn thiếu là 15.000. Số thí sinh còn dư gấp 2,9 lần chỉ tiêu. Đối với khối C lấy ở mức 14 điểm như năm 2011 thì số thí sinh trúng tuyển NV1 là 19.500. Số chỉ tiêu còn thiếu là 4.500, trong khi số dư là 16.500 gấp 3,6 lần. Vì vậy nếu tăng mức điểm sàn lên 14,5 thì số dư là 13.700, so với số chỉ tiêu còn thiếu vẫn gấp 2,7 lần.

Đối với khối A, thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, nếu lấy điểm sàn là 13 thì có 110.000 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1. Còn 38.000 chỉ tiêu dành cho các nguyện vọng tiếp theo. Trong đó, số thí sinh có mức điểm đủ điều kiện xét là 66.500. Như vậy, so với chỉ tiêu còn thiếu thì số dư gấp 1,8 lần. Tỷ lệ này đã cao hơn năm 2011 là 1,6, do đó nguồn tuyển sẽ nhiều hơn.

Với khối A1, nếu mức điểm sàn là 13 thì có 15.000 thí sinh trúng tuyển NV1. Số chỉ tiêu còn thiếu là 10.000. Trong khi đó, số dư là 11.500. Như vậy, hệ số chỉ là 1,1. Tuy nhiên, đây là khối thi mới và hầu hết những trường tổ chức thi A1 đều tuyển khối A. Do vậy, nếu thiếu chỉ tiêu các trường có thể lấy thí sinh dự thi khối A. Khối B, nếu mức điểm sàn là 14 thì có 29.500 thí sinh trúng tuyển NV1. Số chỉ tiêu còn thiếu là 5.800, trong khi số dư lên tới 60.000. Đây là khối thi có hệ số cao nhất 1/11. Tuy nhiên, ở khối thi này có nhiều thí sinh ảo nên hệ số này đảm bảo để các trường không thiếu nguồn tuyển.


Bắt đầu “cuộc chiến” gian khổ

Đây là nhận định của hiệu trưởng trường ĐH DL Hải Phòng Trần Hữu Nghị. Xem xét từ góc độ nhà trường, ông Trần Hữu Nghị cho rằng mặt bằng điểm năm nay không cao hơn nhiều so với năm trước, bởi vậy nếu có tăng mức điểm sàn thì cũng là “cố” chứ không hoàn toàn thoải mái như cách phân tích của Bộ GD-ĐT. “Hiện chúng tôi đang chờ điểm sàn do Bộ GD-ĐT quyết định. Sau thời điểm này sẽ là giai đoạn đầy thử thách với các trường ngoài công lập bởi nhiều điểm mới về quy định tuyển sinh năm nay”.

Ông Lê Khắc Đóa, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, nếu với khả năng tăng mức điểm sàn lên 0,5 điểm, số thí sinh vào trường cũng không quá lo ngại vì đến nay, số liệu cho thấy nguồn tuyển của trường đã vào 3.000 thí sinh trong đợt tuyển sinh này. Mặc dù vậy, ông Lê Khắc Đóa cũng cho rằng, việc đặt ra điểm sàn của Bộ GD-ĐT cho thấy nhiều điểm bất cập và không nên duy trì hình thức này. Phân tích về điểm bất cập, ông Trần Hữu Nghị cho rằng về lý thuyết, Bộ GD-ĐT có thể nhìn thấy con số tổng thể trên mức điểm sàn có thể vào các trường ngoài công lập. Tuy nhiên, việc phân phối không đồng đều, vùng nhiều, vùng ít thí sinh là nguyên nhân dẫn đến việc dù nhiều thí sinh đạt điểm sàn nhưng vẫn không dịch chuyển đến những trường còn nhiều chỉ tiêu vì lý do địa lý, khiến các trường vẫn thiếu nguồn tuyển trên thực tế.

Trong khi đó, lo ngại về chất lượng đầu vào, ông Bùi Đức Hiền - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Điện lực cho rằng với điểm sàn như năm trước, ở khối A 13 điểm đã là mức thấp nhất có thể vì nếu cộng cả điểm ưu tiên với với học sinh vùng khó khăn có thể lên tới 3,5 điểm thì thí sinh chỉ cần chưa đến 10 điểm cả 3 môn thi đã có thể đỗ đại học. Điều này sẽ rất khó cho các trường đảm bảo chất lượng đào tạo.