Các trường học Đức chuẩn bị cho trẻ em tị nạn Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các trường học Đức muốn đảm bảo rằng trẻ em tị nạn Ukraine không bị thua thiệt về giáo dục. Tuy nhiên, sau 2 năm đại dịch Covid-19, hệ thống này chịu nhiều áp lực và có dấu hiệu quá tải.

Cựu Tổng thống Đức Joachim Gauck từng nói: “Trái tim của chúng ta rộng lớn, nhưng khả năng của chúng ta là hữu hạn” khi 1 triệu người tị nạn đến Đức vào năm 2015 và 2016. Câu này lại đúng với hệ thống giáo dục căng thẳng ở Đức hiện nay.

Một nửa số người tị nạn từ Ukraine đến Đức là trẻ em

Một nửa số người tị nạn từ Ukraine đến Đức là trẻ em

Thách thức kép trong làn sóng tị nạn mới

Mỗi ngày, lại có thêm những trẻ vị thành niên di cư đứng ở ga xe lửa trung tâm của Berlin sau khi đi một mình trên suốt quãng đường từ Ukraine. Các tình nguyện viên tìm thấy họ đứng trên sân ga sau khi tàu rời đi, im lặng và bất động, ôm một món đồ chơi trên tay. Barbara Breuer, phát ngôn viên của Hội truyền giáo Thành phố Berlin nói với tờ Tageszeitung của Berlin: “Chúng tôi tìm thấy 5 đến 7 đứa trẻ như vậy mỗi ngày”. Ước tính một nửa số người tị nạn Ukraine đến Đức ở độ tuổi học sinh. Các em đang sống ở nhà mình và được đi học, nhưng chỉ vài ngày sau, cuộc sống thay đổi tất cả, họ trở thành người tị nạn ở nước khác.

Trong khi đó tại Đức, 2 năm đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống giáo dục của nước này. Nhiều giáo viên kiệt sức. Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, các trường học đã phải vật lộn với tình trạng thiếu giáo viên. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn do sự lây lan của bệnh dịch, với tỷ lệ nghỉ ốm của các giáo viên là khoảng 10%. Vì vậy, nhà trường vừa phải tiếp nhận trẻ em tị nạn, vừa ứng phó với tình trạng có quá ít giáo viên.

Một thách thức khác có lẽ còn khó khăn hơn đang ở phía trước: Nhiều trẻ em tị nạn bị chấn thương về mặt tâm lý. “Các em đã phải chạy trốn khỏi quê hương của mình trong một hành trình dài. Họ có thể đã phải trải qua cảnh ngôi nhà bị đánh bom, phải nói lời từ biệt với cha mình”, chuyên gia giáo dục Anja Bensinger-Stolze nói. Những trải nghiệm này có thể khiến trẻ em bị chấn thương tâm lý, và đây không phải là vấn đề ngắn hạn. Vì thế, họ cần sự hỗ trợ từ các nhà tâm lý học trong trường học hoặc từ các giáo viên đã được đào tạo đặc biệt.

Nhiều sáng kiến và giải pháp

Các chuyên gia lập luận rằng những trẻ em tị nạn nên sớm được nhận vào các trường học mà không cần phải vượt qua những rào cản về mặt thủ tục giấy tờ. Bộ trưởng Giáo dục Liên bang Bettina Stark-Watzinger đã gợi ý thuê giáo viên Ukraine trong số những người tị nạn để làm việc tại các trường học và trung tâm giữ trẻ ở Đức. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây sẽ là một giải pháp nhanh chóng để giảm bớt tình trạng khẩn cấp về biên chế. Tuy nhiên, không rõ bao nhiêu giáo viên trong số những người tị nạn sẽ được tuyển dụng ở Đức dựa trên trình độ của họ.

Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên Đức, Heinz-Peter Meidinger, tỏ ra hoài nghi. Ông nói: “Đây sẽ chỉ là một giọt nước trong đại dương và không phải là một giải pháp bền vững”. Ông đề nghị khai thác một số lượng lớn các giáo viên đã nghỉ hưu, bởi trước thảm họa nhân đạo này, họ sẵn sàng được chung tay góp sức. Ông Meidinger cũng coi việc chăm sóc trẻ em tị nạn là một “thách thức quốc gia” không thể vượt qua nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ liên bang.

Ngoài ra, Đức có thể rút ra kinh nghiệm thu được trong làn sóng người tị nạn Syria vào năm 2015 và 2016. Khi đó, các lớp học đặc biệt đã được thành lập để dạy học sinh tiếng Đức, cũng như những thông tin cơ bản về nước Đức. “Những cấu trúc cơ bản này có thể được kích hoạt lại một cách nhanh chóng”, ông Udo Beckmann, từ hiệp hội giáo dục VBE khẳng định. Đơn cử, Berlin đang lên kế hoạch cho 50 “lớp học chào đón” đặc biệt dành cho thanh niên từ 16 tuổi trở lên đã chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Ukraine.

Vẫn còn đó những câu hỏi lớn: Có bao nhiêu trẻ em tị nạn sẽ đến Đức? Liệu việc dạy học có uổng công không khi thời gian lưu trú bị hạn chế và các em sẽ sớm được trở về nhà? Nhưng điều chắc chắn rằng, mọi người ở Đức rất sẵn lòng giúp đỡ họ. Chuyên gia giáo dục Anja Bensinger-Stolze cho biết: “Tôi rất ấn tượng bởi sự đoàn kết tuyệt vời. Nhiều tình nguyện viên trợ giúp một cách rất tận tình”.

Cựu Tổng thống Đức Joachim Gauck từng nói: “Trái tim của chúng ta rộng lớn, nhưng khả năng của chúng ta là hữu hạn” khi 1 triệu người tị nạn đến Đức vào năm 2015 và 2016. Câu này lại đúng với hệ thống giáo dục căng thẳng ở Đức hiện nay.