Các tổ chức quốc tế tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bất chấp bối cảnh quốc tế còn nhiều khó khăn, nhất là giá năng lượng cao, hầu hết các tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế nước ngoài đều nhận định lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và 2023.
Xuất khẩu của Việt Nam đang trên đà khởi sắc, góp phần vào tốc độ tăng trưởng cao GDP của Việt Nam

Xuất khẩu của Việt Nam đang trên đà khởi sắc, góp phần vào tốc độ tăng trưởng cao GDP của Việt Nam

Quá trình phục hồi cho thấy những tín hiệu lan tỏa

Trong báo cáo kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong tháng 8 và quá trình phục hồi đã cho thấy những tín hiệu lan tỏa.

Theo Standard Chartered, tăng trưởng doanh số bán lẻ dự kiến tăng 60,2% so với cùng kỳ trong tháng 8. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và nhập khẩu dự kiến sẽ tăng lần lượt 15,2%, 15% và 15,2%. Xuất khẩu, nhập khẩu và sản xuất công nghiệp được dự đoán sẽ tăng lần lượt 22,2%, 20% và 15%. Trên cơ sở đó, Standard Chartered duy trì dự báo tăng trường GDP của Việt Nam sẽ đạt 10,8% trong quý III-2022 và 3,9% trong quý IV-2022, đưa tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%.

Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, bất chấp bức tranh u ám của kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng trong nửa đầu năm nay sau khi đất nước triển khai tiêm chủng quy mô lớn và áp dụng chiến lược sống chung với Covid-19. Các chính sách hỗ trợ như lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng mạnh và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã giúp đẩy mạnh sản lượng trong lĩnh vực sản xuất, cũng như sự phục hồi của lĩnh vực bán lẻ, du lịch.

Đó là cơ sở để IMF đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7% trong năm nay, tăng 1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Đây là điều chỉnh tăng đáng kể duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á mà IMF đưa ra. Về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm sau, IMF hạ 0,5 điểm phần trăm xuống 6,7%. Tuy nhiên, dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn vượt xa những quốc gia khác và sẽ là tốc độ nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Á.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cũng nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 8,5% - mức cao nhất trong số các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam cũng là nền kinh tế duy nhất trong khu vực được Moody's điều chỉnh dự báo tăng. Moody's nhận định Việt Nam vẫn là nước thụ hưởng dòng vốn đầu tư chuyển hướng từ những bất ổn chính sách ở Trung Quốc.

Theo chuyên gia kinh tế Chua Han Teng thuộc DBS, ngân hàng lớn nhất Singapore, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay sẽ đạt 7%, đáp ứng mục tiêu đề ra. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Hoạt động bán lẻ phục hồi ở tất cả các ngành nghề. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đang gia tăng. Còn ông John Paul Lech, Giám đốc đầu tư tại quỹ đầu tư Matthew Asia thì cho rằng, mặc dù thường bị lu mờ bởi các đối thủ nặng ký của châu lục như Trung Quốc và Ấn Độ hay những thị trường mới nổi lâu đời hơn như Indonesia và Malaysia, nhưng Việt Nam hiện đang là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất trong các nước đang phát triển.

Cùng với tốc độ tăng trưởng, các tổ chức quốc tế cũng đưa ra dự báo về quy mô GDP của Việt Nam trong tương lai. Theo Báo cáo Dự báo kinh tế toàn cầu của Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales được công bố vào tháng 6-2022, quy mô GDP của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 391,92 tỷ USD và khoảng 424,45 tỷ USD trong năm 2023, tăng 32,53 tỷ USD.

Còn theo Báo cáo điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam (ấn phẩm tháng 8-2022) của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP Việt Nam năm 2022 sẽ đạt khoảng 395,6 tỷ USD và năm 2023 đạt khoảng 422,11 tỷ USD, tăng 26,51 tỷ USD. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì dự báo GDP Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 391,92 tỷ USD, năm 2023 là khoảng 418,18 tỷ USD, tăng 26,26 tỷ USD.

Cảnh giác với những “cơn gió ngược chiều”

Mặc dù, đánh giá lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam nhưng các tổ chức quốc tế cũng cảnh báo về những tác động tiêu cực bởi môi trường kinh tế toàn cầu bấp bênh. Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam, nhận định triển vọng kinh tế thế giới đang ngày càng xấu đi và Việt Nam cũng không miễn nhiễm với những thách thức toàn cầu. Đó là các cú sốc đã giáng vào nền kinh tế vốn đã suy yếu vì đại dịch, như xung đột Nga - Ukraine, sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.

Các chuyên gia của WB cảnh báo, quá trình phục hồi của kinh tế Việt Nam mới chỉ bắt đầu trong khi triển vọng về nhu cầu trên toàn cầu đang yếu đi cộng với rủi ro lạm phát gia tăng. Do đó, WB khuyến cáo các cấp có thẩm quyền cần chủ động ứng phó trước những rủi ro, bao gồm tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát đình đốn tại những thị trường xuất khẩu chủ lực, cú sốc giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục diễn ra, cùng với đó là sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng toàn cầu hay sự xuất hiện của các biến chủng Covid-19 mới. Ngoài ra, còn có những thách thức từ trong nước, như thiếu hụt lao động, rủi ro lạm phát gia tăng và rủi ro cao hơn trong lĩnh vực tài chính.

Còn theo các chuyên gia của Ngân hàng HSBC, Việt Nam cần hết sức lưu ý những “cơn gió ngược chiều” cản trở tăng trưởng thương mại đang mạnh dần lên. Một mặt, tiêu dùng thế giới đang dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Mặt khác, gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc khiến các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam gặp ngày càng nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động xuất khẩu trong tương lai. Đây chính là những yếu tố khiến xuất khẩu của Việt Nam khó có khả năng duy trì đà tăng trưởng vững mạnh như hiện nay.

Trước những tác động tiêu cực đó, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam Francois Painchaud cho rằng, nếu kinh tế phục hồi nhanh hơn dự kiến, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần thắt chặt hơn đối với các chính sách tài khóa, giúp kiểm soát áp lực lạm phát đang gia tăng. Ở chiều ngược lại, nếu những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế gia tăng, cần đảm bảo đưa ra các phản ứng tài khóa kịp thời. Cùng với đó là linh hoạt hơn trong việc tái phân bổ nguồn vốn trong gói phục hồi kinh tế.

WB cho rằng, trong chính sách tài khóa, Việt Nam nên tập trung triển khai gói chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời mở rộng mạng lưới an sinh xã hội có mục tiêu, nhằm giúp người nghèo và những người dễ tổn thương chống đỡ tác động của cú sốc giá nhiên liệu cũng như lạm phát gia tăng. Trong khu vực tài chính, WB khuyến nghị cần theo dõi chặt chẽ và tăng cường công tác báo cáo và dự phòng nợ xấu, đồng thời ban hành cơ chế xử lý tình trạng mất khả năng trả nợ. Việt Nam cũng cần tăng năng suất ở mức 2-3% mỗi năm bằng cách đầu tư cho hệ thống giáo dục. Lực lượng lao động có năng lực cạnh tranh sẽ đem lại hiệu suất trong dài hạn.