Các quốc gia phải “trả giá đắt” vì dỡ bỏ giãn cách, mở cửa trở lại quá sớm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thế giới đã bước vào một giai đoạn nguy hiểm mới của đại dịch Covid-19, khi những “làn sóng” dịch nối tiếp nhau đang tạo ra “mảnh đất” màu mỡ cho sự phát triển của các biến thể mới dễ lây lan và có khả năng kháng vaccine. Trong bối cảnh đó, một số quốc gia nôn nóng thực hiện nới lỏng giãn cách quá sớm đã phải “trả giá đắt” vì điều này.
Hà Lan đã không còn cấp phép cho các sự kiện đông người do số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến sau giãn cách sớm

Hà Lan đã không còn cấp phép cho các sự kiện đông người do số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến sau giãn cách sớm

Mỹ: Trên 100.000 ca nhiễm mỗi ngày

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều bang tại Mỹ đã bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế, xóa bỏ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang và cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại. Trong tháng 6-2021, California - tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ thậm chí còn tuyên bố việc “tái mở cửa rầm rộ”. Trong khi tại New York, chính quyền cũng gỡ bỏ gần như toàn bộ các hạn chế, do tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 tại nơi này đã vượt mức 70%.

Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì số ca mắc Covid-19 tại New York đã tăng vọt thời gian gần đây. Các ca tử vong do Covid-19 cũng tăng, nhưng không tăng mạnh như mức độ lây nhiễm. Giới chức New York nói rằng, đa số những người phải nhập viện do Covid-19 là những người chưa tiêm vaccine. Không chỉ tại New York, bang Louisiana của Mỹ cũng vừa công bố 1% dân số bang này đã bị nhiễm Covid-19 trong hai tuần qua khi biến chủng Delta lây nhiễm mạnh, đặc biệt trong nhóm những người không tiêm vaccine ngừa Covid-19. Hiện số lượng ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ đã tăng mạnh lên ngưỡng hơn 100.000 ca/ngày, tương đương với ngưỡng cao của 6 tháng trước, trong khi số ca tử vong đã tăng 89% trong 2 tuần qua.

Với việc mở cửa sớm nền kinh tế, cộng với tâm lý chủ quan và việc hàng triệu người Mỹ, nhất là những người vẫn tỏ ra nghi ngờ về sự an toàn của vaccine, nước Mỹ đã phải “trả giá đắt”. Phát biểu trên truyền hình ngày 8-8, Giám đốc Viện Y tế quốc gia Mỹ - Tiến sĩ Francis Collins cho rằng, Mỹ “đang phải trả giá khủng khiếp” vì chưa triển khai hiệu quả hơn việc tiêm vaccine Covid-19. “Đáng lẽ ra chúng ta không thể để xảy ra tình cảnh như hiện nay. Xét ở góc độ này thì quả thật là chúng ta đang thất bại” - Tiến sĩ Francis Collins nói.

Trước tình hình trên, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ Anthony Fauci đã kêu gọi tiêm chủng hàng loạt nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 đột biến. Hãng tin ABC News dẫn lời ông Fauci cảnh bảo, nếu virus có điều kiện đột biến, nó có thể tạo ra các biến thể tương tự như Delta, có khả năng lây nhiễm cao hơn và lan nhanh hơn nhiều so với biến thể Alpha ban đầu.

Hà Lan: Thủ tướng xin lỗi vì giãn cách quá sớm

Chỉ 1 tháng tái mở cửa, Hà Lan đã vấp phải thất bại nặng nề. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã phải thừa nhận mắc sai lầm khi dỡ bỏ các quy định hạn chế, giãn cách quá sớm. “Những gì chúng tôi nghĩ là có thể, nhưng hóa ra lại không thể thực hiện được trong thực tế. Chúng tôi xin lỗi và lấy làm tiếc vì đã có đánh giá không chuẩn xác” - trang DW dẫn lời Thủ tướng Mark Rutte. Cụ thể, Thủ tướng Rutte và Bộ trưởng Bộ Y tế Hugo de Jonge thừa nhận rằng họ đã dỡ bỏ các hạn chế quá sớm. Bộ trưởng Bộ Y tế Hugo de Jonge cho biết: “Biến thể Delta tất nhiên là nguyên nhân khiến số ca mắc tăng tốc mạnh. Thật không may, bạn nhận ra điều đó với nhận thức muộn màng”.

Trước đó, sau một thời gian chứng kiến số ca lây nhiễm và số người nhập viện giảm, đến cuối tháng 6-2021, Hà Lan đã nới lỏng các biện pháp, bao gồm việc cho phép các hộp đêm mở cửa trở lại lần đầu tiên sau hơn 1 năm. Nhưng các cơ quan y tế Hà Lan cho biết, chỉ trong 2 tuần, số ca nhiễm mới hàng ngày là 500 ca nhưng đã tăng lên 9.300 ca nhiễm Covid-19. Tính đến ngày 8-8, số ca nhập viện ở Hà Lan đã giảm xuống còn 607 ca mỗi ngày, nhưng các quy định về hạn chế vẫn chưa có gì thay đổi. Nhà hàng, quán bar buộc phải đóng cửa kể từ nửa đêm, còn các hộp đêm bị đóng hoàn toàn trở lại...

Các lễ hội âm nhạc kéo dài quá 24 giờ ở Hà Lan hiện giờ đều bị cấm tổ chức sau khi một sự kiện ở thành phố Utrecht đã biến thành ổ dịch siêu lây nhiễm với hơn 1.000 người liên quan. Lễ hội ngoài trời Verknipt, diễn ra ở Utrecht vào đầu tháng 7-2021 đã có 20.000 người tham dự trong 2 ngày. Tất cả những người tham dự phải xuất trình mã QR chứng minh rằng họ đã được tiêm phòng, gần đây đã mắc Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính. Các nhà tổ chức khẳng định sự kiện đã được lên kế hoạch và kiểm soát cẩn thận nhưng điều gây sốc là theo Hội đồng Y tế khu vực của Utrecht, có 1.050 người tham dự lễ hội đã có kết quả dương tính với Covid-19

“Chúng tôi không thể nói rằng tất cả những người này đều bị nhiễm bệnh tại chính lễ hội; cũng có thể là họ đã bị lây nhiễm khi đang đi đến lễ hội hoặc vào buổi tối trước khi dự sự kiện hoặc ăn tiệc sau đó” - ông Lennart van Trigt, phát ngôn viên của Hội đồng Y tế Utrecht cho biết - “Tuy nhiên, hệ quả bất ngờ này đưa ra bài học về quá trình “kiểm tra đầu vào”, rằng việc chấp nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 trước nhiều nhất là 40 tiếng vẫn quá dài. Đáng lẽ khoảng thời gian chỉ trong 24 giờ, vì trong 40 giờ đó mọi người có thể làm rất nhiều việc như thăm bạn bè, đi bar và câu lạc bộ, còn trong 24 giờ, mọi người có thể làm ít việc hơn và an toàn hơn”.

Biến thể Delta gây ra trên 80% số ca nhiễm mới Covid-19 ở Mỹ

Biến thể Delta gây ra trên 80% số ca nhiễm mới Covid-19 ở Mỹ

Hàn Quốc: Nguy cơ bất ổn vì “làn sóng” dịch thứ tư

Hàn Quốc từng được ca ngợi như một câu chuyện thành công trong việc đối phó đại dịch Covid-19. Hồi tháng 6-2021, nước này công bố các kế hoạch cho phép những người đã tiêm vaccine Covid-19 được ra ngoài mà không cần đeo khẩu trang, đồng thời cho phép việc tụ tập thành từng nhóm nhỏ riêng tư, và nới lỏng thời gian mở cửa hoạt động của các nhà hàng.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo việc Hàn Quốc dỡ bỏ hạn chế phòng dịch quá sớm, khi mà đa số người dân vẫn chưa được tiêm vaccine Covid-19. Cảnh báo này đã đúng khi Hàn Quốc đang phải đối phó với “làn sóng” đại dịch thứ tư khi số ca lây nhiễm Covid-19 ở nước này tăng lên đến hơn nghìn ca mỗi ngày trong hơn một tháng qua.

Theo Yonhaps, kể từ ngày 12-7, Hàn Quốc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất ở khu vực Thủ đô Seoul và vùng phụ cận nhằm ngăn chặn sự gia tăng đột biến số ca lây nhiễm dịch Covid-19 do biến thể Delta lây lan nhanh. Ngày 8-8, Viện Nghiên cứu Phát triển Hàn Quốc (KDI) cho biết, nền kinh tế nước này đang đối mặt với nhiều bất ổn, trong bối cảnh đà phục hồi nhu cầu trong nước có thể chậm lại khi số ca lây nhiễm dịch Covid-19 gần đây gia tăng đột biến.

Malaysia: Lo ngại “phiên bản” Ấn Độ

Người ta lo ngại rằng, Malaysia đang trở thành một “phiên bản” của Ấn Độ xét về tình trạng lây nhiễm Covid-19. Cuối tháng 7-2021, số ca nhiễm và tử vong hàng ngày tính trên đầu người ở quốc gia Đông Nam Á này đã vượt qua mức cao nhất của Ấn Độ. Điều này hoàn toàn trái ngược với hình mẫu trong xử lý đại dịch mà Malaysia đã được ghi nhận hồi năm ngoái.

Theo Al Jazeera, khi kết quả chống dịch tốt, Malaysia quyết định tổ chức một cuộc bầu cử ở Sabah - bang nghèo nhất của Malaysia vào tháng 8-2020. Các nhà nghiên cứu từ trường Đại học Quốc gia Singapore phát hiện ra rằng, cuộc bầu cử ở Sabah sau đó đóng góp 70% cho số ca nhiễm trong chính bang này và ít nhất 64% ở các bang còn lại. Vào tháng 1-2021, các chuyên gia y tế đã viết một bức thư ngỏ gửi Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin về thảm họa sắp xảy ra tại các bệnh viện nếu dịch bệnh không được kiểm soát. Sau những hạn chế nửa vời, Malaysia đành phong tỏa toàn quốc lần nữa vào tháng 6-2021 do không thể ngăn chặn số ca nhiễm cao kỷ lục, với gần 1 triệu người mắc ở một quốc gia chỉ có 32 triệu dân.

Ngoài ra, Chính phủ của Thủ tướng Muhyiddin Yassin còn thiếu sự thống nhất về mặt chỉ đạo điều hành chống dịch. Bên cạnh đó, các quan chức nếu bị bắt vì vi phạm các biện pháp chống đại dịch, hình phạt sẽ nhẹ hơn nhiều so với những gì người Malaysia bình thường phải đối mặt. Điều đó khiến công chúng phẫn nộ, dẫn đến không tuân thủ các quy tắc phòng, chống dịch Covid-19. Lệnh cấm đi lại giữa các quận và liên bang đã bị bỏ qua, trong khi các rào chắn do cảnh sát dựng lên đã bị đốt cháy như một sự thách thức. Hôm 31-7, hàng trăm người ở Thủ đô Kuala Lumpur còn xuống đường biểu tình yêu cầu Thủ tướng từ chức.

“Các quốc gia trên toàn thế giới không nên nới lỏng giãn cách phòng ngừa đại dịch Covid-19 quá sớm, vì nếu vội vàng như vậy sẽ có nguy cơ phải “trả giá đắt”. “Làn sóng” lây nhiễm mới có thể đến gần và đối với phần lớn thế giới, đại dịch chỉ mới chỉ bắt đầu. Hãy nhớ lại mùa hè năm ngoái khi cứ nghĩ rằng mọi thứ đều tốt, chúng ta đã nới lỏng và đến tháng 9, tháng 10, rắc rối lớn lại đến”.

Ông Mike Ryan (Giám đốc điều hành chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới - WHO)