Các quận nội thành Hà Nội sẽ không kinh doanh thịt chó, mèo từ 2021

ANTD.VN - Chi Cục Thú y Hà Nội cho biết, thành phố sẽ hạn chế các cơ sở kinh doanh thịt chó, mèo trong khu vực các quận nội thành. Đến năm 2021, ở các quận nội thành sẽ không kinh doanh thịt chó, mèo.

Trao đổi về việc UBND TP Hà Nội chỉ đạo tuyên truyền để tiến tới người Hà Nội không ăn thịt chó, ông Đoàn Hồng Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, văn bản của UBND TP Hà Nội ban hành xuất phát từ nội dung tham mưu, đề xuất của cơ quan thú y, ngành nông nghiệp thành phố.

Theo ông Phong, đây là cũng là chủ trương của UBND TP Hà Nội trong kiểm soát chặt chẽ đàn chó, mèo nuôi và các điểm giết mổ, kinh doanh để phòng ngừa bệnh dại.

Giải thích về cơ sở của những đề xuất đã được chính quyền UBND Hà Nội thông qua, ông Phong cho rằng, những năm gần đây, việc kinh doanh, giết mổ chó, mèo; sử dụng thịt chó, mèo đã tạo ra những phản cảm đối với khách du lịch, nhất là du khách quốc tế, người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

Năm 2021 nội thành Hà Nội sẽ không kinh doanh thịt chó, mèo

Bên cạnh đó, chó mèo nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, tiêm phòng đầy đủ sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm như bệnh dại, bệnh tả…Những người tham gia quá trình kinh doanh, giết mổ chó, mèo hoặc sử dụng thịt chó, mèo còn tiềm ẩn nguy cơ bị mắc các bệnh truyền nhiễm…

Theo thống kê của Chi cục Thú y Hà Nội, hiện tổng đàn chó, mèo trên địa bàn có khoảng 493.000 con, trong đó nuôi giữ nhà khoảng 87,5%, số còn lại là nuôi làm cảnh, hoặc làm thực phẩm.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Chi cục Thú y Hà Nội ghi nhận có 3 trường hợp tử vong vì bệnh dại ở các huyện Phú Xuyên, Phúc Thọ và Sóc Sơn. Qua xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm, cơ quan thú y xác định có 2 mẫu lấy tại quận Hoàng Mai và quận Bắc Từ Liêm dương tính với bệnh dại.

Trong 5 tháng đầu năm 2018, Hà Nội ghi nhận 5.098 người bị súc vật cắn phải điều trị dự phòng. Trong đó, số người bị chó cắn nhiều nhất, chiếm 87%; số người bị mèo cắn chiếm 11,7%; số người bị dơi, chuột, khỉ... cắn chỉ chiếm 1,3%.

Cũng theo thống kê, Hà Nội hiện có 1.013 điểm kinh doanh chó, mèo thương phẩm; giết mổ chó mèo; 15 cơ sở kinh doanh chó, mèo làm cảnh. Tuy nhiên, theo ông Phong, công tác quản lý giết mổ, an toàn thực phẩm đối với thịt chó, thịt mèo hiện gặp rất nhiều khó khăn do thiếu cơ chế về pháp lý.

“Trên thực tế, các điểm giết mổ chó, mèo không hình thành những cơ sở lớn như lò mổ, mà chỉ tồn tại ở các cửa hàng nhỏ lẻ, rất khó kiểm tra, kiểm soát. Cơ quan cấp trên là Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) chưa ban hành được quy trình kiểm soát giết mổ chó, mèo nên địa phương không biết dựa vào đâu để kiểm tra”, ông Phong cho hay.

Theo đại diện Chi cục Thú y Hà Nội, theo chỉ đạo của UBND thành phố, các quận, huyện, thị xã phải xây dựng lộ trình hạn chế giết mổ chó, mèo thương phẩm. Đối với các quận nội thành, sẽ dần hạn chế các cơ sở kinh doanh thịt chó, mèo.

Đến năm 2021, ở các quận nội thành, sẽ không kinh doanh thịt chó, mèo. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng vận động, tuyên truyền cho người dân từ bỏ tập quán, thói quen sử dụng thịt chó, mèo.

“Theo ghi nhận cho thấy, trong giai đoạn hiện nay, người dân không có nhiều nhu cầu sử dụng thịt chó như trước nữa. Việc vận động người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó và đối xử nhân đạo với con vật nếu làm kiên trì sẽ được người dân đồng thuận, ủng hộ”, ông Phong bày tỏ.