Doanh nghiệp quay lưng với bóng đá:

Các ông “bầu” lao đao, V-League chao đảo

ANTĐ - Nếu chuyện Chủ tịch CLB Navibank SG - đội bóng được ví “thiếu gia Sài thành” phải trốn nợ cầu thủ là điển hình của tình trạng kiệt quệ kinh tế, thì việc “bầu” Hiển tuyên bố rút vốn khỏi CLB HN T&T và SHB ĐN như phát súng khai hỏa cho cuộc “tháo chạy” của các ông “bầu”.

Ai sẽ là người nối chân “bầu” Hiển (trái) rút lui khỏi bóng đá?


Thu không đủ bù chi

Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam lại chịu tác động mạnh mẽ từ kinh tế suy thoái như lúc này. Phó Chủ tịch VFF, Chủ tịch Ngân hàng Eximbank Lê Hùng Dũng thừa nhận rằng nhiều ông “bầu” đã kiệt sức và có ý định bỏ cuộc từ mùa giải 2013. Bản thân ông Dũng cũng bị cấp dưới - các thành viên HĐQT  Eximbank - gây áp lực đòi rút tài trợ khỏi V-League sau thời gian dài đầu tư không hiệu quả. Rồi đến một người nổi tiếng say mê bóng đá như “bầu” Hiển thừa nhận đã quá mệt mỏi và muốn rút lui. 

Người ta thống kê, trung bình các ông “bầu” phải bỏ ra gần 100 tỷ/mùa giải. Đó là chưa kể, đa số còn phải nuôi thêm đội bóng hạng nhất, các tuyển trẻ… ngốn thêm một khoản không hề nhỏ. Lâu nay thị trường chuyển nhượng vẫn được xem là thước đo sự máu mê và tiềm lực kinh tế của các đội bóng. Nhưng nay, đã hơn 2 tháng kể từ khi mùa giải kết thúc, thị trường này vẫn trong tình trạng “đóng băng”. Người trong cuộc thừa nhận làm bóng đá “thu không đủ bù chi”. Và trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, các ông “bầu” buộc phải lên phương án “thắt lưng buộc bụng”. Việc bán bớt các đội bóng, thậm chí bán hết để chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh khác đang được cân nhắc.  

Lo âu, thấp thỏm

Bầu không khí hoang mang đang bao phủ nhiều đội bóng. Cầu thủ thấp thỏm chờ được ký hợp đồng mới, CLB thì ngóng đợi quyết định rót vốn từ ông “bầu”. Trong khi bản thân nhiều ông “bầu” đang phân vân và tham khảo các “đồng nghiệp” xem liệu nên tiếp tục “chơi hay nghỉ”. Hiện tại, “bầu” Hiển tuyên bố rút vốn khỏi V-League, Ngân hàng Bắc Á cân nhắc việc tiếp tục tài trợ cho SLNA và có lẽ, sẽ không quá bất ngờ nếu sắp tới tiếp tục có thêm các doanh nghiệp “tháo chạy” khỏi bóng đá.  

Lâu nay, bóng đá Việt Nam mà điển hình là V-League vẫn quen với việc sống nhờ vào “bầu sữa” doanh nghiệp. Vậy nên, một cuộc khủng hoảng (nếu có) khi doanh nghiệp đồng loạt rút vốn cũng là điều tất yếu. Cũng cần phải nói thêm, nhiều ông “bầu” nhảy vào bóng đá ngoài niềm đam mê thì còn nhiều mục đích khác liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình. Và sau thời gian nhất định, khi những mục đích ngoài bóng đá đã đạt được thì việc “chạy làng” cũng... rất bình thường. Bóng đá Việt Nam không còn cách nào khác là phải đối mặt và tìm cách khắc phục. 

VPF “tiếp máu” cho các CLB

VPF cho biết sẽ hỗ trợ các CLB một phần tài chính trong giai đoạn khó khăn. Cụ thể, mùa giải 2013, VPF sẽ hỗ trợ 30 tỷ cho 28 CLB. Với V-League, CLB vô địch được 5 tỷ đồng, Á quân 4 tỷ, hạng ba 3 tỷ, hạng tư 2,5 tỷ, hạng năm 2 tỷ, từ hạng sáu đến hạng mười là 1,5 tỉ đồng/đội, hạng 11 và 12 được 1,2 tỉ đồng/đội, hai đội rớt hạng được  1 tỷ đồng/đội. Với giải hạng nhất, mức hỗ trợ bằng 50% so với hạng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đây mới chỉ là mức dự kiến, bởi còn tùy theo số lượng tham dự mùa giải 2013 có đúng 14 đội hay không, cùng việc các đội có đáp ứng được các tiêu chí VPF đề ra như sân bãi, công tác an ninh, thẻ phạt… hay không.

(Còn nữa)