Các nước Đông Nam Á "đón sóng" vaccine và thuốc điều trị Covid-19

ANTD.VN - Trong đại dịch Covid-19, các phòng thí nghiệm của các nước ASEAN đã cùng tham gia cuộc đua tìm vaccine để ngăn chặn sự lây lan của virus. Mục tiêu chung này đã tạo ra sự hợp tác giữa một số tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới, cũng như hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực. 

Các nước Đông Nam Á "đón sóng" vaccine và thuốc điều trị Covid-19 ảnh 1Các nước Đông Nam Á được đánh giá đầy tiềm năng trong vai trò đóng góp vào chuỗi toàn cầu trong cung ứng vaccine Covid-19

Singapore: Đón đầu sản xuất vaccine Covid-19

Singapore đang xây dựng năng lực sản xuất vaccine để ngay sau khi vaccine Covid-19 hoàn tất, họ có thể sản xuất hàng loạt một cách nhanh chóng và an toàn. “Chúng tôi sẽ cung cấp các dịch vụ sản xuất theo hợp đồng đóng gói và hoàn thiện cho các nhà phát triển vaccine”, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh về vaccine toàn cầu được tổ chức trực tuyến hôm 5-6.

Đóng gói và hoàn thiện là quy trình liên quan đến việc chia thuốc vào lọ hoặc ống tiêm với điều kiện phải đảm bảo vô trùng. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng quy mô sản xuất vaccine vì nhiều sản phẩm dược phẩm sinh học rất dễ vỡ và dễ bị nhiễm bẩn. “Điều này sẽ giúp họ đẩy mạnh sản xuất nhanh hơn và đảm bảo các tiêu chuẩn cao về an toàn và chất lượng trong quá trình sản xuất”, Thủ tướng Singapore lưu ý.

Hiện Singapore đang đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển về phương pháp chẩn đoán, điều trị và cả vaccine Covid-19. Các bộ xét nghiệm chẩn đoán do Singapore sáng chế đã được triển khai ở khoảng 20 quốc gia. Họ cũng đang thử nghiệm các phương pháp điều trị khác nhau trên bệnh nhân.

Bà Goh Wan Yee, quan chức Ủy ban Phát triển Kinh tế cho biết, Singapore có cơ sở hạ tầng mạnh về nghiên cứu và phát triển mạnh mẽ cũng như có những đề nghị hấp dẫn trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm và các sản phẩm công nghệ y tế.

Đơn cử, tập đoàn dược phẩm nổi tiếng GlaxoSmithKline (GSK) của Anh, vốn đã hợp tác với nhiều nhóm nghiên cứu và công ty quốc tế về phát triển    vaccine, bao gồm cả công ty Sanofi của Pháp, đang có 3 cơ sở sản xuất tại Singapore, bao gồm một nhà máy sản xuất vaccine ở Tuas - nhà máy duy nhất như vậy ở Singapore.

Theo một phát ngôn viên của GSK, thời đại ngày nay, nhất là trong đợt dịch Covid-19 này, một quốc gia không thể tự mình sản xuất vaccine mà thường theo một chuỗi cung ứng toàn cầu và chỉ có như vậy mới có thể đẩy nhanh quá trình sản xuất vaccine.

Thái Lan: Ưu đãi thuế để thúc đẩy đầu tư dược phẩm

Công ty Bionet-Asia có trụ sở ở Thái Lan đang chạy đua với các công ty và viện nghiên cứu khác trên toàn thế giới để sản xuất vaccine Covid-19. Họ đã chuyển hướng tất cả các nguồn lực của mình, bao gồm bố trí 200 nhân sự và đặt hàng triệu lọ thuốc mặc dù chưa biết liệu vaccine trên người có hiệu quả hay không.

Trên thực tế, Bionet đã chọn vận chuyển hàng bằng đường hàng không thay vì đường biển, mặc dù các đường bay rất hạn chế. “Không ai muốn rơi vào tình huống đã có vaccine nhưng lại thiếu hộp đựng. Vì vậy, chúng tôi chuẩn bị kỹ cho mọi tình huống”, Tổng giám đốc điều hành Bionet nói.

Cùng với đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Chulalongkorn, đã đạt được tiến bộ nhanh nhất trong việc phát triển    vaccine Covid-19 khi bắt đầu thử nghiệm trên khỉ vào tháng trước và có thể thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay. 

Mặt khác, Thái Lan là thị trường dược phẩm lớn thứ hai ở Đông Nam Á (sau Indonesia), năng lực sản xuất hàng đầu khu vực nhưng họ nhập khẩu khoảng 90% nguyên liệu cho thành phẩm, Ngân hàng Ayudhya cho biết trong báo cáo nghiên cứu hồi tháng trước. Năm ngoái, thị trường dược phẩm nội địa của Thái Lan trị giá 184,1 tỷ baht trong khi xuất khẩu dược phẩm tạo ra 13 tỷ baht. 

Bangkok cũng đang nhắm mục tiêu đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm giúp giảm sự phụ thuộc vào đầu vào chi phí cao và thuốc được cấp bằng sáng chế trong tương lai. Ủy ban Đầu tư của Thái Lan vào tháng 4-2020 đã phê duyệt các biện pháp để tăng tốc độ phát triển trong lĩnh vực này.

Ngoài việc đưa ra kế hoạch ưu đãi thuế từ 3-8 năm, chính phủ cũng sẽ giảm một nửa thuế thu nhập doanh nghiệp thêm 3 năm cho các khoản đầu tư đủ điều kiện, bao gồm sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm chẩn đoán và các thành phần dược phẩm hoạt động bắt đầu vào cuối năm nay.

Indonesia: Đối tác lớn trong cuộc đua vaccine Covid-19

Các công ty dược phẩm lớn của Indonesia và các đối tác nước ngoài của họ đã tham gia vào cuộc đua sản xuất vaccine chống lại virus lây nhiễm cho hơn 37.000 người, trong đó hơn 2.000 ca tử vong tại quốc gia đông dân thứ 4 thế giới.

Bio Farma, công ty nhà nước được thành lập năm 1890 và là nhà sản xuất vaccine duy nhất ở Indonesia, đang hợp tác với Công ty dược phẩm sinh học Trung Quốc Sinovac Biotech để sản xuất một loại vaccine Covid-19 dự kiến tung ra thị trường vào đầu năm tới. Bio Farma sẽ cung cấp thành phần hoạt dược từ Sinovac, sau đó đảm nhận khâu đóng gói hoàn thiện với công suất 100 triệu liều mỗi năm.

Đáng chú ý, Bio Farma có năng lực sản xuất tới 2 tỷ liều vaccine mỗi năm, xuất khẩu vaccine tới 147 quốc gia trên thế giới. Ngoài việc hợp tác với Sinovac, Bio Farma còn kết nối với các trường đại học và cơ quan nghiên cứu của Indonesia phát triển vaccine Covid-19 bản địa. Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ Bambang Brodjonegoro đầu tháng 6-2020 cho biết, Bộ đã dành 5 tỷ rupiah để hỗ trợ giai đoạn đầu phát triển vaccine và sẽ tăng kinh phí khi cần thiết. Ông hy vọng rằng, nước này sẽ có vaccine thử nghiệm trên động vật vào tháng 3 tới.

Trong khi đó, công ty Kalbe Farma Tbk của Indonesia đầu tháng 6 này cũng mới ký thỏa thuận với Công ty công nghệ sinh học Hàn Quốc Genexine về thử nghiệm vaccine Covid-19 có tên GX-19. Vaccine này có thể sản xuất hàng loạt vào đầu năm 2022 và phân phối cho thị trường 270 triệu dân của Indonesia. Chủ tịch Kalbe Farma cho biết, về lâu dài, Kalbe sẽ dần dần sản xuất vaccine Covid-19 ở Indonesia, để mắt đến không chỉ thị trường trong nước mà còn hướng đến thị trường ASEAN tiềm năng.