Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam

Các nhà đầu tư nước ngoài mong giảm tham nhũng, phiền hà

ANTĐ - Dưới góc nhìn của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), môi trường kinh doanh của Việt Nam đang có dấu hiệu tụt hạng. Dù cho các địa phương đã tìm nhiều cách để ưu đãi nhưng các nhà đầu tư vẫn thấy chưa đủ. Họ đang cần giảm tham nhũng, phiền hà hơn nữa…

Cần tạo môi trường minh bạch, công bằng để cả doanh nghiệp FDI và trong nước được hưởng lợi

Vì sao môi trường kinh doanh kém hấp dẫn hơn?

Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh cho biết: “Một số địa phương đã “đục tường” để thu hút đầu tư nước ngoài. Nhà nước đã khuyến khích đầu tư nước ngoài bằng cách miễn thuế, giảm thuế trong khoảng thời gian nhất định rồi nhưng nhiều địa phương còn “hứa” miễn thuế sau khi hết quy định”. Cách ứng xử như vậy là không có lợi và bất bình đẳng trong nền kinh tế, bởi doanh nghiệp của quốc gia, dân tộc đầu tư, làm ăn kinh doanh sẽ để vốn lại xây dựng đất nước, nhưng doanh nghiệp FDI lại chuyển vốn lãi ra nước ngoài, chỉ tận dụng tài nguyên, nhân công và chính sách ưu đãi trong nước.

Khi nhắc đến thành tựu xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, điều khiến các chuyên gia kinh tế cũng như cả lãnh đạo Bộ Công Thương băn khoăn nhất chính là xuất siêu chủ yếu ở khu vực FDI, mà khu vực này ít mang lại nguồn lợi kinh tế cho đất nước. Một chuyên gia kinh tế đầu ngành viện dẫn, năm 2012, các doanh nghiệp FDI “chuyển giá” khoảng 7,6 tỷ USD, đến năm 2013, con số này tăng lên thành 8,3 tỷ USD và dự kiến năm 2014 còn cao hơn nữa. Phần lớn các hoạt động chuyển giá xuất phát từ việc doanh nghiệp muốn chuyển lợi nhuận về nước để được hưởng thuế suất thấp hơn!

Ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: “Chúng ta hoan nghênh đầu tư nước ngoài, nhưng không nên tuyệt đối hóa. Có doanh nghiệp trong nước xin mãi không được mảnh đất để kinh doanh, nhưng doanh nghiệp nước ngoài lại rất dễ dàng xin được vị trí đẹp”. 

Kết quả khảo sát 1.609 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam năm 2013 cho thấy, khả năng cạnh tranh của môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã bị sụt giảm. Ông David Shear- Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho hay: “Trong năm qua các nhà đầu tư nước ngoài có sự cẩn trọng đáng kể trong quyết định đầu tư tại Việt Nam. Để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa về nhiều mặt”.

Cần sự lựa chọn khôn ngoan 

Đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong thu hút FDI là Trung Quốc, Thái Lan… và thật đáng ngạc nhiên là cả Campuchia, Indonesia, Malaysia cũng đã nổi lên trong cuộc cạnh tranh này với nhiều ưu đãi được cho là hấp dẫn hơn Việt Nam. Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù có 69% nhà đầu tư đã chọn Việt Nam thay vì chọn các quốc gia khác nhưng họ đã cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định. Kết quả này đã thay đổi nhiều so với 6 năm trước đây, năm 2008, Việt Nam trong thời kỳ “hoàng kim” của thu hút đầu tư nước ngoài. 

Cuộc điều tra mới đây đã chỉ ra, môi trường kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn hơn vì chi phí không chính thức, gánh nặng thủ tục hành chính, quy định pháp luật và cơ sở hạ tầng so với đối thủ cạnh tranh. Nhà đầu tư nước ngoài xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam chỉ ngang bằng với các nước láng giềng là                 Campuchia và Lào. Thế nên khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp FDI luôn lựa chọn tỉnh, thành phố có cơ sở hạ tầng và dịch vụ hành chính công tốt hơn. Chính sách thuế là yếu tố ảnh hưởng ít nhất đến quyết định lựa chọn tỉnh đầu tư của doanh nghiệp. 

Từ đó có thể hiểu, việc nhiều địa phương “trải thảm đỏ” để mời gọi đầu tư nước ngoài, đặc biệt là ưu đãi về thuế không phải là lựa chọn khôn ngoan. Điều kiện cần của doanh nghiệp nằm ở việc giảm tham nhũng, phiền hà và có cơ sở hạ tầng tốt. Mà khi đảm bảo các điều này, doanh nghiệp trong nước cũng được hưởng lợi ích.