Các ngân hàng đang dư thừa tiền đến mức nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dư thừa tiền giúp các ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất thấp, thậm chí nhiều ngân hàng không “mặn mà” với việc huy động vốn.

Ngân hàng chủ động giảm huy động

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý II do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, các tổ chức tín dụng (TCTD) đang rất kỳ vọng vào tăng trưởng tín dụng trong năm 2021, trong khi huy động vốn tăng chậm hơn.

Cụ thể, dư nợ tín dụng được kỳ vọng tăng 5,09% trong quý II/2021 và tăng 14,7% trong năm 2021; trong khi huy động vốn dự báo tăng 4,6% trong quý II/2021 và 12% trong cả năm.

Các TCTD cũng cho biết, hiện thanh khoản hệ thống vẫn đang rất dồi dào, dù quý I/2021 đã thu hẹp đáng kể so với thời điểm cuối quý IV/2020. Dự báo cả năm 2021, thanh khoản được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt nhưng có thể không dồi dào bằng năm 2020 do tín dụng sẽ phục hồi mạnh sau đại dịch Covid-19.

Điều này được thể hiện trên thị trường liên ngân hàng, khi lãi suất dù nhích nhẹ so với cuối năm 2020 nhưng vẫn ở mức rất thấp. Trong tuần trước (5/4 đến 9/4), thị trường mở tiếp tục không phát sinh giao dịch, lãi suất trên liên ngân hàng nhích nhẹ 0,04 điểm %, chốt tuần ở mức 0,39%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,5%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Dù thanh khoản đã bớt dư thừa nhưng các ngân hàng vẫn không có dự định tăng lãi suất để đẩy mạnh huy động vốn.

Như tại Vietcombank – ngân hàng đang dẫn đầu hệ thống về quy mô tín dụng (năm 2020 tăng xấp xỉ 14%), nhưng thanh khoản vẫn đang rất dồi dào. Vietcombank cũng đang là nhà cho vay lớn nhất trên thị trường liên ngân hàng.

Nhiều ngân hàng chủ động không tăng trưởng huy động vốn

Nhiều ngân hàng chủ động không tăng trưởng huy động vốn

Do dư thừa nguồn vốn, để tăng hiệu quả kinh doanh, lãnh đạo ngân hàng này đang đề ra kế hoạch không tăng trưởng nguồn vốn huy động, do đó duy trì mặt bằng lãi suất huy động thấp hơn các ngân hàng khác khoảng 0,2%.

Mặc dù lãi suất huy động của thấp nhất thị trường nhưng theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, huy động tiền gửi cá nhân của Vietcombank vẫn tăng cao. Riêng tiền gửi doanh nghiệp có giảm do ngân hàng chủ động giảm song xét về tổng nguồn vốn huy động, Vietcombank vẫn dẫn đầu thị trường về quy mô tiền gửi không kỳ hạn (CASA).

Biên lãi ròng tăng cao

Do lãi suất huy động giảm xuống mức thấp trong suốt năm 2020 nên đã giúp biên lãi ròng (NIM) các ngân hàng tăng mạnh.

Thống kê từ Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, trong năm 2020 lãi suất cho vay đã giảm từ 1 - 1,5%, chậm hơn mức giảm của lãi suất tiền gửi (2 - 2,5%), Nhờ đó NIM của hầu hết các ngân hàng thương mại đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm 2020, lên mức cao lịch sử, khoảng 4%. Điều này đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận của các ngân hàng.

Dù vậy, theo TS Cấn Văn Lực và các chuyên gia của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, việc NIM các ngân hàng cao chưa phải đã mừng.

Vị chuyên gia dẫn số liệu từ World Bank, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay 2019 của Việt Nam ở mức 2,7% thấp hơn trung bình khu vực Đông Nam Á (3,1%) và các quốc gia có thu nhập tương đồng Việt Nam (6,7%).

Bước sang 2020, theo tổng hợp từ IMF, chênh lệch lãi suất của Việt Nam có cải thiện hơn và tăng lên mức 3,5% nhưng vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực như Indonesia (4%) và Singapore (5,1%).

Nhóm nghiêm cứu cũng lưu ý rằng số liệu về chênh lệch lãi suất này chưa xem xét đến yếu tố chi phí, theo đó chênh lệch lãi suất của Việt Nam có thể giảm khá mạnh nếu xem xét đầy đủ yếu tố về trích lập dự phòng rủi ro và các chi phí hoạt động khác.

Ngoài ra, chênh lệch lãi suất của các ngân hàng Việt Nam còn được hỗ trợ đáng kể bởi tỷ lệ cho vay trung dài hạn luôn duy trì ở mức cao (49-50% tổng dư nợ), trong khi các khoản vay này có độ rủi ro cũng cao hơn.

Điều này cũng cho thấy nguồn vốn trung dài hạn của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào vốn vay ngân hàng.