Các ngân hàng cấp tập lên sàn "điểm danh"

ANTD.VN - Sau những kế hoạch “nằm trên giấy”, các ngân hàng đang cấp tập đăng ký lên sàn nhằm đáp ứng yêu cầu về minh bạch cũng như tránh nguy cơ bị phạt do vi phạm quy định của Bộ Tài chính.

Theo chỉ đạo của Chính phủ qua Thông tư 180/2015/TT-BTC, hết năm nay tất cả các ngân hàng đều phải lên sàn chứng khoán, không phân biệt sàn chính thức hay UPCoM, nhằm nâng cao tính thanh khoản và minh bạch thông tin.

Thúc liên hồi nhưng vẫn ì ạch

Một trong những mục tiêu quan trọng tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 254) là phải lành mạnh hóa hệ thống các tổ chức tín dụng, tăng tính minh bạch thông qua việc áp dụng cơ chế mới về công bố thông tin, thực hiện niêm yết cổ phiếu các ngân hàng thương mại trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Chủ trương hối thúc các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lần đầu tiên vào cuối năm 2013. Đến tháng 7-2014, NHNN và UBCK tiếp tục nhắc lại chủ trương trên và đưa ra lộ trình trong năm 2015, yêu cầu tất cả NHTM phải niêm yết.

Tuy nhiên, số lượng các ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó đa số là các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB, Eximbank, Sacombank, MBbank, SHB… Hàng loạt các ngân hàng thương mại vẫn viện dẫn ra nhiều lý do để trì hoãn. Lúc thì là do thị trường chưa thuận lợi cho việc niêm yết, khi thì lại là ngân hàng cần thời gian chuẩn bị nội lực tốt, tăng năng lực tài chính…

Đến đầu năm 2015, Thống đốc NHNN tiếp tục có văn bản “nhắc nhở” chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố tiếp tục đôn đốc các ngân hàng thương mại cổ phần đặt trụ sở chính trên địa bàn hoàn thiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên TTCK. Theo NHNN, việc niêm yết nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Đồng thời, tăng cường kiểm soát và bóc tách dần tình trạng sở hữu chéo.

Mặc dù vậy, các kế hoạch lên sàn của ngân hàng dường như vẫn được để trong “ngăn kéo”, bất chấp sự sốt ruột của các cổ đông cũng như cơ quan quản lý. Câu chuyện lên sàn liên tục được các cổ đông tại nhiều ngân hàng thương mại đưa ra chất vấn trong các kỳ đại hội. Các cổ đông cho rằng, việc chậm trễ lên sàn ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của mình bởi khi muốn chuyển nhượng cổ phiếu gặp nhiều khó khăn…

Theo Thông tư số 180/2015/TT-BTC, trong vòng 1 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành (1-1-2016), các công ty đại chúng và công ty đại chúng đã hủy niêm yết trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM).

Như vậy, ngày 1-1-2017 là thời hạn cuối cùng các ngân hàng phải giao dịch trên UPCoM. Lý giải về việc các ngân hàng chần chừ quá lâu khi quyết định lên sàn, các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng chưa có nhu cầu cấp bách về việc lên sàn bởi họ vẫn đang có thể hoạt động tốt với nguồn vốn hiện tại, chưa có nhu cầu kêu gọi đầu tư hoặc bản thân các ngân hàng không muốn tuân thủ với yêu cầu niêm yết thông tin khi lên sàn chứng khoán. 

Thực tế, có ngân hàng ngại lên sàn do vướng mắc về nợ xấu, nhiều thông tin chưa thực sự minh bạch, tuy nhiên có ngân hàng tình hình tăng trưởng cũng như vấn đề minh bạch rất tốt vẫn chần chừ. Thị trường cũng từng ghi nhận có trường hợp đại hội cổ đông cũng đã thông qua kế hoạch lên sàn và thông báo rộng rãi, nhưng đến phút cuối, một số cổ đông cân nhắc lại, không muốn lên sàn nữa và cuối cùng kế hoạch bị hoãn vô thời hạn.

Theo các chuyên gia, thông thường việc lên sàn là một chọn lựa đối với các công ty có yêu cầu tăng vốn, lựa chọn này cũng đồng nghĩa với việc tăng chi phí hoạt động để đáp ứng các yêu cầu báo cáo đối với công ty niêm yết và tăng mức độ công bố thông tin. Còn nếu xét trên khía cạnh đảm bảo công bố thông tin minh bạch, với việc NHNN đang yêu cầu các ngân hàng phải áp dụng theo tiêu chuẩn Basel II, thì việc lên sàn chứng khoán hay không, các ngân hàng vẫn phải đáp ứng yêu cầu công bố thông tin chi tiết, minh bạch và hoàn chỉnh. Do đó, việc lên sàn chỉ còn là vấn đề về nhu cầu tăng vốn.

Cấp tập lên sàn

Thông tư số 180/2015/TT-BTC quy định ngày 1-1-2017 là thời hạn cuối cùng các ngân hàng phải giao dịch trên UPCoM. Chính vì vậy, thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng rục rịch công bố kế hoạch lên sàn UPCoM cũng như niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM (HNX, HoSE).

Ngày 12-12-2016, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có thông báo về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán và cấp mã chứng khoán cho Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB). Đại diện VIB khẳng định: “Đây là bước khởi đầu trước khi cổ phiếu VIB chính giao dịch trên thị TTCK. Theo kế hoạch được đại hội cổ đông 2016 thông qua hồi tháng 4-2016, VIB dự kiến niêm yết trên TTCK năm 2018.

Song hiện tại, VIB đã sẵn sàng niêm yết trên sàn UPCoM vào đầu năm 2017”. Ngay sau đó, ngày 13-12, VSD cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán cho Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Trước đó tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 4-2016, các cổ đông của Techcombank đã bức xúc phản ánh về việc ngân hàng nhiều năm liền không chia cổ tức cho cổ đông trong khi tình hình kết quả kinh doanh rất tốt. Các cổ đông đã đề nghị ngân hàng sớm đưa cổ phiếu lên sàn vì chỉ lên sàn,Techcombank mới minh bạch tài chính, cổ phiếu có thanh khoản từ đó cổ đông mới có thể lấy lại tiền đầu tư của mình.

Ngay sau khi Techcombank và VIB công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, hàng loạt các ngân hàng cũng “rục rịch”. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã có văn bản xin ý kiến cổ đông về việc niêm yết cổ phiếu của tại VSD. Theo đại diện ngân hàng này, việc niêm yết cổ phiếu VPBank trên TTCK sẽ có nhiều ưu điểm hơn so với đăng ký giao dịch trên UPCoM, mặc dù việc này có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn. Do đó, VPBank muốn trình Đại hội đồng cổ đông cả việc đăng ký giao dịch UPCoM để có thể đăng ký giao dịch trước khi hoàn tất các thủ tục để niêm yết. Thực tế, cổ phiếu của VPBank đã được quản lý, lưu ký tại công ty chứng khoán từ năm 2008. “Nếu được cổ đông chấp thuận, VPBank sẽ thực hiện luôn các thủ tục để đăng ký chứng khoán và có thể đăng ký giao dịch luôn trong năm để đáp ứng các quy định hiện hành”, đại diện VPBank cho hay.

Ngoài VPBank, Techcombank, VIB, nhiều ngân hàng trước đó đã tiến hành các bước để chuẩn bị “điểm danh” trên TTCK. Ví dụ như, Kienlongbank đã chốt danh sách cổ đông để làm thủ tục đăng ký chứng khoán tại VSD. Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng nhất trí thông qua tờ trình của HĐQT về việc không đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM mà chuyển sang niêm yết trên HoSE…

Khi lên sàn, khoản đầu tư của các cổ đông sẽ minh bạch hơn, tính thanh khoản cao hơn. Nhưng thực tế, cổ đông có nhiều thành phần; nhiều cổ đông sẵn sàng ủng hộ và thấy hào hứng, nhưng cũng có không ít cổ đông còn băn khoăn đối với vấn đề này.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)