Các dòng họ di cư tới Thăng Long tụ hội vào văn hóa Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo thống kê, chỉ tính riêng người Kinh ở miền Bắc đã có trên 200 dòng họ. Thăng Long - Hà Nội là nơi 4 phương tụ hội hiện có bao nhiêu dòng họ sinh sống thì chưa có con số chính thức. Có rất nhiều dòng họ thoạt nghe đã thấy quen, nhưng cũng có dòng họ ít nghe nói đến, ví như Nghi Tàm có họ Luyện, Tây Hồ có họ Ngọ Xuân, Quảng Bá có họ Lu… Nhưng dù dòng họ lớn hay nhỏ, tất cả đều có công góp phần vào phát triển kinh tế văn hóa, xã hội của mảnh đất này.
Đình Vẽ nằm trên đất Kẻ Vẽ, nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Đình Vẽ nằm trên đất Kẻ Vẽ, nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Vài chuyện về di cư

Khi Lý Công Uẩn rời Hoa Lư ra lập đô trên nền thành Đại La thì có nhiều dòng họ theo ra mảnh đất này, trong số đó có các họ có công với nhà Lý. Các họ Tống, Lê, Trịnh từ Tống Sơn (Thanh Hóa) và Hoa Lư (Ninh Bình) di cư ra ở làng Hữu Tiệp (nay thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) từ thế kỷ thứ 9. Theo “Bùi Thị gia phả ký” soạn năm 1866 và bia đá gắn ở đình Phất Lộc (bị mất trộm) thì dòng họ này lên Thăng Long vào năm 1717, dẫn đầu là cụ Bùi Văn Mão. Vốn là dòng khoa bảng, họ Bùi Huy sau khi xem quẻ bói tốt bèn đưa nhau đi lên Thăng Long làm ăn và học hành. Theo gia phả dòng họ Nguyễn Đình, xã Hạ Thái, huyện Thanh Trì, thì dòng họ này lên Thăng Long lập nghiệp từ thế kỷ 18 với nghề buôn bán ở phố Hàng Ngang.

Cuối thế kỷ XVIII, dòng họ Nguyễn ở Tam Xá (huyện Thường Tín) rời làng lên Thăng Long sống bằng nghề sản xuất và bán mũ dùng trong lễ hội. Họ chọn mảnh đất gần hồ Gươm làm nơi sinh sống và hiện con cháu vẫn sống ở phố Hàng Bài. Không thuận như họ Nguyễn, con đường đến Thăng Long của họ Phó lại rất ngoắt ngoéo, theo cuốn “Lịch sử Hà Nội” của sử gia Philippe Papin (Pháp) thì người đầu tiên của gia đình này sinh ra ở Phúc Kiến, rời Trung Quốc năm 1591 cùng vợ và 5 trong số 7 người con trai.

Lúc đó Đại Việt có chiến tranh nên gia đình đã phân tán sống tại 3 làng cách Thăng Long 20km, duy chỉ người con út liều mình vào Thăng Long định cư ở phía Nam của hồ Tây. Một thời gian sau, người con khác cũng chuyển đến sống tại làng nhỏ phía Tây Bắc cách Thăng Long 12km. Tất cả 5 người con đều lấy vợ Việt Nam khiến họ nhanh chóng hòa nhập với đời sống xã hội Đại Việt. Chỉ trong vòng 10 năm, đại gia đình này đã được Việt hóa và 4 chi chia ra sống ở 4 nơi.

Không thể kể hết chuyện các dòng họ di cư ra Thăng Long - Hà Nội thế nào, nhưng có một công thức chung, một vài người ra trước thăm dò, mở xưởng sản xuất hàng thủ công hay mở hiệu buôn. Thấy có thể lập nghiệp và phát triển được họ mới kéo người thân ra sống quây quần trong một khu vực, vừa cùng nhau sản xuất vừa là để bảo vệ, hỗ trợ trong buôn bán làm ăn.

Thấy dòng họ đó lập nghiệp được ở kinh đô các dòng họ khác trong làng cũng đi theo. Ở khu “36 phố phường” không có sự cạnh tranh giữa các họ, tất cả cùng nhau làm ăn và “bán anh em xa mua láng giềng gần”, nhưng ở các làng phía Tây kinh thành đôi khi lại không như vậy. Các dòng họ lớn vẫn chèn ép họ nhỏ, những dòng họ giàu có thì coi thường dòng họ nghèo. Bởi thế gia đình nào cũng muốn đẻ nhiều con vì không chỉ “lắm phúc, nhiều lộc” mà đẻ nhiều con còn làm cho họ nhà mình to hơn họ nhà khác.

Họ Vũ ở Đan Loan (Hải Dương) lên Thăng Long với nghề nhuộm điều nổi tiếng cùng các họ khác đã lập ra phố Hàng Đào

Họ Vũ ở Đan Loan (Hải Dương) lên Thăng Long với nghề nhuộm điều nổi tiếng cùng các họ khác đã lập ra phố Hàng Đào

Cùng làm nên văn hóa Thủ đô

Hà Nội có rất nhiều làng văn hiến, các dòng họ có uy thế rực rỡ như: Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn, Hoàng… góp phần làm nên “đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ”. Kẻ Vẽ là tên nôm của làng Đông Ngạc. Không chỉ có nhiều người đỗ đạt cao làm quan trong các triều mà các họ ở Đông Ngạc đã đóng góp đáng kể vào văn hóa Thăng Long - Hà Nội, chẳng hạn như sử gia Phan Phù Tiên hay Tiến sỹ Lê Đức Mao. Họ Hoàng đến Đông Ngạc muộn hơn các họ khác nhưng cũng có nhiều đóng góp, ví dụ như cụ Phó bảng Hoàng Tăng Bí (từng tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục) là cha của Giáo sư Hoàng Minh Giám - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Người xưa có câu “Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương” để nói về danh tiếng của 4 vùng ven Thăng Long. Kẻ Cót là tên nôm của 2 làng Thượng Yên Quyết và Hạ Yên Quyết, năm 1956 các làng này hợp nhất lấy tên là Yên Hòa (nay là phường Yên Hòa quận Cầu Giấy). Họ Hoàng ở Yên Hòa có cụ cử Cúc Hương Hoàng Thúc Hội còn để lại nhiều thơ văn về Hà Nội trong đó có tấm bia, câu đối ở đền Hai Bà Trưng. Họ Nguyễn ở Vân Điềm (huyện Đông Anh), dòng tộc Bắc Hà thời Lê đã sản sinh ra nhiều nhà thơ, nhà văn.

Các dòng họ làm nghề kim hoàn ở Thái Bình, Hải Dương và làng Định Công ven kinh thành Thăng Long đã quần tụ lập nên phố Hàng Bạc

Các dòng họ làm nghề kim hoàn ở Thái Bình, Hải Dương và làng Định Công ven kinh thành Thăng Long đã quần tụ lập nên phố Hàng Bạc

Nói đến truyền thống đạo đức Nho học phải kể đến họ Đàm với tổ phụ Đàm Thận Huy, họ Nguyễn Kim ở làng Lủ với Nguyễn Siêu (mà vua Tự Đức phải gọi là Thần Siêu). Đền Ngọc Sơn thờ Văn Xương, Trần Hưng Đạo và ngoài cổng có đài nghiên, tháp bút như hôm nay mọi người đều thấy chính là nhờ công lớn của Nguyễn Siêu khi ông đã đứng ra hưng công tu bổ năm 1865.

Cùng với các họ vốn sống lâu đời trên đất Thăng Long, các họ mới cũng góp phần mở mang kinh tế, phát triển xã hội, làm giàu thêm văn hóa Thăng Long. Thế kỷ XVII, XVIII, dòng họ Phó tham gia vào xã hội thượng lưu nhưng không mấy thành công. Chỉ có người con trai thứ 7 của cụ Phó Đức Cơ (1624-1707) người từng giữ chức trợ lý cho quan huyện là lên được ngạch ba trên hoạn lộ và giữ chức vụ quan trong ở Bộ binh. Các gia đình họ Phó sống chủ yếu bằng thương mại.

Cuối thế kỷ XVIII, một người thuộc thế hệ thứ 9 trong gia đình mở cửa hàng bán thuốc Bắc tại Thăng Long, sau các thành viên khác trong gia đình đã tiếp nối nghề này. Nói chung các gia đình họ Phó sống ở Thăng Long buôn bán hay sản xuất khá thành công. Một người của dòng họ là Phó Đức Chính (1907-1930) từng là thành viên của Việt Nam Quốc dân đảng bị kết án tử hình sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 và tên ông được đặt cho con phố nằm phía Bắc hồ Tây ngày nay.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Họ Vũ ở Đan Loan (Hải Dương) lên Thăng Long với nghề nhuộm điều nổi tiếng cùng các họ khác đã lập ra phố Hàng Đào. Các họ ở Thái Bình, Hải Dương và làng Định Công ven kinh thành Thăng Long lập nên phố Hàng Bạc. Rồi các họ mang về nghề làm trống, thêu… cùng nhau xây dựng nên biểu trưng của “36 phố phường”. Không chỉ buôn bán, họ Bùi Huy từ Thái Bình lên cùng các dòng họ khác làm khu vực “36 phố phường” sôi động hơn. Sau đó họ này có công lao cho chấn hưng văn hóa Thăng Long. Các họ với nghề đúc từ Bắc Ninh kéo về Hà Nội cũng làm nên nghề đúc đồng ở làng Ngũ Xá hay ở phố Lò Đúc thời Nguyễn. Nhiều dòng họ từ Thái Bình, Nam Định lên đã tham gia làm cả nề cả mộc cho các công trình cho triều đình, xây dựng đình, đền, chùa… và rất nhiều công trình tôn giáo, văn hóa vẫn còn cho đến ngày nay, được ngành văn hóa hay thành phố xếp hạng di tích.

Có họ gốc, có họ mới đến, nhưng nhìn chung tất cả hòa vào nhau cùng chung sống trên đất Thăng Long. Không thể kể hết công tích của các dòng họ đối với đời sống xã hội. Và một điều chắc chắn, dù ít dù nhiều, dòng họ nào cũng đã góp phần làm nên diện mạo văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Tin đọc nhiều