Xung quanh việc yêu cầu tháo dỡ nhà xưởng tại xã Lại Dụ (Hoài Đức):

Các doanh nghiệp có thể thiệt hại 1.000 tỷ đồng

ANTĐ - Sau khi UBND xã An Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) ra thông báo yêu cầu các doanh nghiệp có hệ thống nhà xưởng tại khu vực bãi Vải thuộc thôn Lại Dụ phải tháo dỡ toàn bộ do vi phạm hành lang thoát lũ sông Đáy, ngay lập tức hơn 40 doanh nghiệp đã đồng loạt có đơn kêu cứu gửi tới UBND thành phố Hà Nội.

Việc cưỡng chế phá dỡ quá gấp tại xã An Thượng khiến các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng

Khóc dở mếu dở

Như Báo An ninh Thủ đô đã thông tin, ngày 5-7, UBND xã An Thượng thực hiện việc cưỡng chế đối với các doanh nghiệp nói trên. Tuy nhiên với diện tích nhà xưởng khổng lồ trải rộng trên diện tích hơn 4ha, cộng với số lượng trang thiết bị, máy móc, vật tư… quá lớn nên việc cưỡng chế buộc phải chia làm nhiều giai đoạn và tiến độ cũng hết sức chậm chạp. Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn 1 sẽ có 15 doanh nghiệp xây dựng trong giai đoạn 2015 buộc phải di dời trước, thời hạn tháo dỡ từ ngày 5 đến 7-7.

Trước thông tin này, hầu hết các doanh nghiệp đều phản ứng gay gắt bởi theo họ như vậy là quá gấp. Ông Phạm Đức Thịnh - Giám đốc Công ty CP cơ khí chính xác An Khánh nói: “Cuối tháng 6 chúng tôi nhận được thông báo, vậy mà sau đó 1 tuần xã đã yêu cầu phải tháo dỡ xong. Doanh nghiệp hiện có gần 130 cán bộ công nhân viên, chỉ tính riêng việc dừng sản xuất để giải quyết chế độ cho họ cũng còn chưa đủ thời gian, làm sao có thể tính tới nhà xưởng”.

Lý giải về việc làm nhà xưởng trên đất nông nghiệp, ông Thịnh cho biết, quá trình đi tìm hiểu đại diện công ty được cán bộ xã cho biết trong tương lai khu vực này sẽ chuyển đổi thành khu công nghiệp vừa và nhỏ. Tham khảo thực tế, công ty cũng nhận thấy tại đây tập trung nhiều doanh nghiệp đã hoạt động từ 20 năm nay, do đó đã mua lại đất nông nghiệp từ xã viên để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất. “Yêu cầu phá dỡ toàn bộ nhà xưởng đặt chúng tôi trước bờ vực phá sản. Tổng số vốn mà công ty đầu tư ở đây lên đến hơn 30 tỷ đồng và đều vay từ ngân hàng. Tới đây chúng tôi không biết sẽ lấy đâu ra tiền để trả”, ông Thịnh lo lắng.

Cũng chung tình cảnh là hộ sản xuất của ông Phạm Ngọc Khoa. Năm 2011 ông Khoa đầu tư hơn 2 tỷ đồng để mua lại xưởng sản xuất rộng gần 500m2 của 1 công ty tại đây, sau đó đầu tư hàng loạt máy móc để sản xuất lốp. Ông Khoa cho biết: “Trước đây tôi mạnh dạn đầu tư sản xuất là bởi xã An Thượng có chủ trương kêu gọi doanh nghiệp về đầu tư để phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng. Nếu biết có ngày thế này thì chẳng bao giờ tôi đi vay ngân hàng”.

Xin một lối thoát

Ông Nguyễn Chí Lương - Chủ tịch UBND xã An Thượng cho biết, việc để cho các doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng sản xuất trên đất nông nghiệp là do UBND xã đã buông lỏng quản lý trong một thời gian dài. An Thượng là một xã nghèo, từ năm 1994 do thấy việc khai thác, trồng cây nông nghiệp không hiệu quả nên nhiều hộ dân đã tự chuyển đổi hình thức sản xuất sang công nghiệp.

Qua nhiều năm, nơi đây đã hình thành khu vực sản xuất tập trung, các hộ cũng dần mở rộng và chuyển đổi từ sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ sang doanh nghiệp rồi sau đó vay vốn để đầu tư nhà xưởng, dây chuyền, thiết bị hiện đại.

“Tuy nhiên vi phạm vẫn là vi phạm và chúng tôi không còn cách nào khác là yêu cầu các doanh nghiệp tháo dỡ, di dời. Chính vì hiểu được những khó khăn của họ nên xã sẵn sàng hỗ trợ về phương tiện và nhân công nếu các doanh nghiệp cần. Vừa qua, một số doanh nghiệp có ý kiến về thời gian yêu cầu quá gấp gáp nên chúng tôi cũng sẽ lùi thời hạn hết tháng 7 để các doanh nghiệp có điều kiện di chuyển các loại tài sản, máy móc đắt tiền” - ông Lương nói.

Trong khi đó, ông Kiều Ngọc Hưng - Phó ban đại diện Hội doanh nghiệp Lại Dụ nói: “Khi đầu tư vào đây, chúng tôi đều tin tưởng khi được biết năm 2007 thôn Lại Dụ đã có đề nghị xã chuyển đổi nơi đây thành khu tiểu thủ công nghiệp. Ngay cả HĐND xã cũng đã có Nghị quyết năm 2013 thông qua quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011-2015 đưa khu vực này vào quy hoạch cụm công nghiệp. Bây giờ buộc chúng tôi phải phá dỡ thì ước tính con số thiệt hại trước mắt sẽ lên tới khoảng 1.000 tỷ đồng và ngót 2.000 lao động sẽ mất việc làm. Đó là chưa kể tới hàng loạt hệ lụy khác như chúng tôi không biết sẽ giải quyết chế độ, đền bù tổn thất cho công nhân thế nào? Nhiều doanh nghiệp sẽ bị phá sản, vỡ nợ do không có khả năng chi trả trong khi họ còn rất nhiều hợp đồng có giá trị lớn.Tiền vay ngân hàng cũng không thể xử lý được. Chúng tôi chỉ đề nghị nếu có cưỡng chế thì nên có đánh giá tác động, xây dựng lộ trình và tạo điều kiện để doanh nghiệp tìm địa điểm, bố trí việc làm cho người lao động, xây dựng lại nhà xưởng, hạn chế tối đa thiệt hại chứ không thể thiếu thẩm định như hiện nay”.