Các địa phương lúng túng trước thay đổi trong cấp phép biểu diễn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2021, tức là nghị định này đã đi vào thực tế được gần 2 tháng. Tuy nhiên, tại hội nghị phổ biến về nghị định do Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức sáng nay (25-3), nhiều địa phương còn tỏ ra lúng túng.

Nghị định 144 có một số điểm mới về nội dung như: bãi bỏ hoàn toàn thuật ngữ “cấp phép” vốn gây "dị ứng" về sự kiểm duyệt của cơ quan quản lý nhà nước với hoạt động văn hóa văn nghệ, thay vào đó là khái niệm “văn bản chấp thuận”.

Một số thủ tục cấp phép theo Nghị định cũ cũng đã được loại bỏ như: Cấp giấy phép cho người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; Cấp giấy phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn tại Việt Nam; Cấp phép cho cá nhân, tổ chức Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn; Cấp phép thi người đẹp, người mẫu và cấp giấy phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu, cấp phép các ca khúc sáng tác trước năm 1975.

Bộ VHTTDL sẽ chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ hợp tác quốc tế của các hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật thuộc Trung ương. Còn UBND cấp tỉnh chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật được tổ chức trên địa bàn quản lý, không thuộc trường hợp do Bộ VHTTDL chấp thuận.
Đồng thời, trước khi tổ chức biểu diễn, đơn vị tổ chức có trách nhiệm thông báo tới UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện nơi tổ chức biểu diễn theo quy định.

Một trong những điểm thay đổi lớn trong Nghị định 144 là các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có quyền thu hồi danh hiệu, giải thưởng của các cuộc thi nhan sắc.

Tại Nghị định 144, các điều kiện, thủ tục tổ chức đưa người mẫu, người đẹp dự thi ở nước ngoài cũng thông thoáng hơn. Các cá nhân muốn ra nước ngoài dự thi, người đẹp, người mẫu không phải đoạt danh hiệu nào ở một cuộc thi người đẹp trong nước, chỉ cần có giấy mời của tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi.

Dù đã có những điều khoản quy định cụ thể, nhưng với gần 2 tháng thực hiện, Sở VHTT các tỉnh vẫn còn khá lúng túng. Đại diện của Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Giang cho biết, các đoàn nghệ thuật trung ương và công lập thường biểu diến rất đúng trong giấy phép nhưng với các gánh xiếc, các đoàn nghệ thuật tư nhân thì có sự lộn xộn không hề nhỏ. Đó là "treo đầu dê bán thịt chó", trong giấy phép ghi một đằng, thực tế diễn ra một kiểu. Địa phương rất lúng túng với những trường hợp xin cấp phép như thế và rất mong Bộ VH-TT&DL sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể, trường hợp nào thì sẽ phân cấp chấp thuận tổ chức biểu diễn cho UBND cấp tỉnh, trường hợp nào sẽ phân cấp chấp thuận tổ chức biểu diễn cho UBND cấp huyện.

Nằm trong những vướng mắc ở hoạt động thực tế, đại diễn của Sở VHTTDL Ninh Bình cho biết, UBND cấp huyện sẽ chấp thuận biểu diễn cho những trường hợp nào? Ví dụ như nhà hát Chèo Ninh Bình đưa nghệ sĩ đi biểu diễn chương trình phục vụ chính trị ở tỉnh khác thì có cần phải xin chấp thuận biểu diễn nữa không? Và nếu là đưa các nghệ sĩ đi biểu diễn bán vé kinh doanh ở tỉnh khác thì cần làm những thủ tục như thế nào?

Trả lời cho những thắc mắc này của các nhà quản lý địa phương, ông Hoàng Minh Thái, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) chia sẻ, Nghị định 144 không có những hướng dẫn cụ thể trong từng trường hợp. Nhưng với những điều khoản đã quy định có thể hiểu, đơn vị nghệ thuật đi biểu diễn ở địa phương thì phải xin chấp thuận biểu diễn ở địa phương đó. Cứ lưu diễn ở mỗi tỉnh lại xin chấp thuận bằng văn bản một lần. Việc phân cấp quản lý địa phương đối với hoạt động biểu diễn sẽ do UBND tỉnh đó quy định.

Với các chương trình phục vụ mục đích chính trị đã được Bộ VH-TT&DL chấp thuận, thì khi đi lưu diễn ở địa phương khác, chỉ cần có thông báo với địa phương là đủ.

NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam phát biểu tại hội nghị và băn khoăn, với chương trình "Người khốn khổ" đã được Cục NTBD cấp phép và có thời hạn là 1 năm. Đến nay, thực hiện theo nghị định mới, nếu đưa tác phẩm đi biểu diễn ở các địa bàn khác thì có cần làm văn bản chấp thuận một lần nữa.

Thắc mắc này của NSƯT Trần Ly Ly đã được giải đáp bằng việc nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam sẽ thực hiện theo nghị định mới, cần có văn bản thông báo đối với chính quyền địa phương, nơi đoàn tới biểu diễn.

Đại diện Sở VH-TT Hà Nội cho biết, ở nghị định mới đã bỏ chấp thuận các hoạt động biểu diễn thời trang. Đồng thời việc bãi bõ nhiều hình thức cấp phép trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, phân cấp quản lý cho các cơ quan địa phương khiến những người làm hoạt động thẩm định và chấp thuận biểu diễn lúng túng. Đặc biệt với những ca khúc mới, nội dung và ca từ có phù hợp với thuần phong mỹ tục? Còn với ca khúc nước ngoài thì có quy định về việc phải dịch lời bài hát.

Trả lời câu hỏi của đại diện Sở VH-TT Hà Nội, NSND Nguyễn Quang Vinh, nguyên Cục trưởng Cục NTBD cho biết, việc loại bỏ hoạt động biểu diễn thời trang ra khỏi hoạt động biểu diễn là có lý do. Bởi hoạt động này nhằm mục đích thương mại, kinh doanh sản phẩm thời trang. Còn các ca khúc mới thì đã có những quy định về kịch bản, nội dung của chương trình.

Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục NTBD cho biết, Nghị định 144 được ra đời trên cơ sở kế thừa, hoàn thiện các quy định còn chưa phù hợp tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, Nghị định số 15/2016/NĐ-CP, đồng thời tiếp thu các ý kiến của các cơ quan, cá nhân để thể chế các chính sách được Chính phủ thông qua cho phù hợp với tình hình thực tế, thống nhất với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

"Việc cấp phép được giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện không có chuyện giảm quyền lực quản lý của Bộ VHTTDL. Điều quan trọng là hoạt động nghệ thuật biểu diễn được tổ chức tốt nhất, quản lý tốt nhất", ông Lê Minh Tuấn nói.