Các bệnh viện ở Naples, Italia lại trên bờ vực sụp đổ vì Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Khu vực phía Nam Campania của Italia đang chìm trong đợt đại dịch Covid-19 thứ hai. Dư âm của đợt dịch chưa hết, các bệnh viện công ở Naples, miền Nam nước này lại tiếp tục không thể tiếp nhận tất cả bệnh nhân.

Được xếp vào khu vực đỏ, vùng Campania của Italia hiện đã áp dụng lệnh giới nghiêm đối với cư dân

Được xếp vào khu vực đỏ, vùng Campania của Italia hiện đã áp dụng lệnh giới nghiêm đối với cư dân

“Cha tôi qua đời vì các cơ sở y tế quá khó khăn. Bệnh viện chỉ cách nhà ông 1 km nhưng phòng cấp cứu đã bị đóng cửa”, chị Ipazia Ruotolo cho biết. Người phụ nữ này nói, cha chị, ông Francesco, 74 tuổi đấu tranh để phòng cấp cứu mở cửa trở lại nhưng không thành. “Nếu bệnh viện mở cửa, có thể ông vẫn còn sống”.

Khi bắt đầu cảm thấy không khỏe vào giữa tháng 10-2020, ông Francesco đã không được xét nghiệm Covid-19 vì các nhân viên dịch vụ y tế quốc gia không coi tình trạng của ông là đáng lo ngại, mặc dù ông là đối tượng người cao tuổi. Bởi vậy, ông Francesco đã đến một bệnh viện tư nhân để xét nghiệm. Cuối tháng 10, rõ ràng là ông đã bị nhiễm Covid-19 và rơi vào tình trạng ngày càng nguy kịch. Ông và gia đình đã gọi điện đến nhiều bệnh viện khác nhau hàng ngày để ông có thể nhập viện. Vào đầu tháng 11, cuối cùng bệnh nhân đã được đưa vào một bệnh viện và cách ly. Ông Francesco qua đời vào ngày 15-11 tại bệnh viện Antonio Cardarelli, một trong những trung tâm y tế lớn nhất ở Naples.

Bệnh viện Antonio Cardarelli cũng đã trở thành biểu tượng cho tình hình bi đát của các bệnh viện trong khu vực sau khi một đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy thi thể không còn sự sống của một bệnh nhân Covid-19 gục xuống và chết trên bồn cầu trong phòng tắm bệnh viện.

Tại lễ tang của cha mình, Ipazia Ruotolo bắt gặp biểu ngữ tôn vinh đóng góp của ông với cộng đồng: “Ông sẽ sống mãi trong cuộc đấu tranh của chúng tôi”. Khi còn sống, ông Francesco đã giúp chỉnh trang đường phố trong khu phố của mình, vận động xây một bệnh viện mới, cải thiện dịch vụ chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện hiện có cũng như phản đối kịch liệt việc đóng cửa các phòng khám khác.

Trong đợt dịch thứ hai này, Italia ghi nhận khoảng 30.000 ca nhiễm mới Covid-19 mỗi ngày. Naples và vùng Campania, một trong những vùng nghèo nhất cả nước, phần lớn đã hồi phục sau đợt dịch đầu tiên. Theo Viện Y tế Quốc gia Italia (ISS), tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở vùng này hiện là hơn 600 trường hợp trên 100.000 dân, con số cao hơn nhiều so với mức trung bình quốc gia.

Bản thân bác sĩ, nhân viên y tế ở đây cũng bất lực, bức xúc. Các bệnh viện không còn có thể tiếp nhận mọi bệnh nhân. Ông Elio Manzillo, người đứng đầu Ospedale Cotugno, một bệnh viện chuyên về các bệnh truyền nhiễm, cho biết: “Hiện tại tất cả các giường của chúng tôi đều đã kín chỗ, cả ở phòng chăm sóc đặc biệt và các khoa khác. Chúng tôi chỉ điều trị cho bệnh nhân Covid-19” và nói thêm rằng nhiều bệnh nhân đang ở trong phòng chờ, hy vọng được nhận.

Nhiều bác sĩ nói rằng khu vực này đang phải trả giá đắt cho việc cắt giảm ngân sách của chính phủ. Một số bệnh viện đã được tư nhân hóa trong khi bệnh viện công đã cắt giảm nhân viên y tế và bác sĩ. Họ đã làm việc quá sức ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, trong khi tình hình trở nên tồi tệ hơn đáng kể. “Các biện pháp khắc khổ đã ngăn cản chúng tôi đáp ứng nhu cầu của người dân”, Simona, một bác sĩ ở Naples nói. Để bù đắp sự thiếu hụt, các bệnh viện tuyển dụng thực tập sinh và bác sĩ từ các lĩnh vực khác - những người đều không được đào tạo cho những tình huống khủng hoảng như vậy. Ví dụ, bác sĩ nhãn khoa, bác sĩ phụ khoa và sinh viên lão khoa cũng điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Những khó khăn mà hệ thống chăm sóc sức khỏe ở miền Nam Italia phải đối mặt không phải là mới. Đại dịch chỉ làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa các bệnh viện tư nhân và khu vực y tế công. Ông Mario Coppeto, một chính trị gia cánh tả, bác sĩ và thành viên của Hội đồng thành phố Naples cho biết, các chính trị gia phải gánh một phần trách nhiệm bởi họ có thể làm tốt hơn trong việc xử lý khủng hoảng. Với gia đình các nạn nhân như Ipazia Ruotolo, vấn đề là hệ thống y tế chứ không phải nhân sự làm việc trong ngành y tế.