Các bệnh viện đồng loạt tăng giá viện phí lên 30%

ANTĐ - Bắt đầu từ hôm nay (1-3), giá của 1.887 dịch vụ kỹ thuật y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh sẽ được điều chỉnh tăng khoảng 30% so với hiện hành. Chiều 29-2, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, hiện khâu chuẩn bị đã hoàn tất và việc điều chỉnh giá viện phí sẽ được thực hiện đồng loạt tại các bệnh viện trên cả nước.

Các bệnh viện đồng loạt tăng giá viện phí lên 30% ảnh 1Từ 1-3, giá viện phí sẽ chính thức tăng lên 30% 

Gần 1/6 số dịch vụ y tế được điều chỉnh giá

Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế - Tài chính nêu rõ, từ ngày 1-3-2016, mức giá của các dịch vụ y tế này sẽ gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Theo đó, so với mức giá hiện hành, giá các dịch vụ y tế sẽ tăng bình quân 30%. Riêng tại 9 bệnh viện tuyến Trung ương đã thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Phụ sản Trung ương, Răng hàm mặt Trung ương... viện phí sẽ tăng tối thiểu 50%.

Cụ thể, viện phí cho các ca phẫu thuật, thủ thuật sẽ tăng thêm so với hiện hành từ 300 nghìn - 1,5 triệu đồng/ca. Tiền khám thông thường sẽ tăng 3 - 4 lần; tiền ngày giường sẽ tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với hiện hành. Tiếp đến, từ ngày 1-7-2016, sẽ tính thêm tiền lương của nhân viên y tế vào kết cấu giá viện phí. Khi đó, giá viện phí sẽ tăng bình quân 50%. 

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế cho biết, các mức tăng nói trên sẽ áp dụng với đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), còn nhóm đối tượng chi trả viện phí trực tiếp sẽ được xem xét và quyết định sau. Như vậy, việc điều chỉnh giá viện phí theo Thông tư 37 chưa ảnh hưởng đối với người không có thẻ BHYT (khoảng 25% dân số). Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cũng khẳng định, nếu không tham gia BHYT trong thời gian tới, nhóm đối tượng này sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do giá dịch vụ y tế sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình tính đúng, tính đủ viện phí và chắc chắn tới đây người không có thẻ BHYT sẽ phải trả mức giá này.

Trả lời báo chí chiều 29-2, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, hiện trong ngành y tế có tổng cộng khoảng 12.000 dịch vụ kỹ thuật. Như vậy, việc điều chỉnh giá của 1.887 dịch vụ kỹ thuật y tế đợt này chiếm gần 1/6 tổng số dịch vụ y tế đang triển khai. 

“Vận dụng” để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh

Ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là mục tiêu mà tất cả các bệnh viện đều phải hướng tới dù có tăng giá viện phí hay không, việc cho phép điều chỉnh tăng viện phí sẽ giúp các bệnh viện thúc đẩy nhanh hơn lộ trình tiến tới mục tiêu này. Vướng mắc lớn nhất của các cơ sở y tế hiện nay là các thông tư quy định về danh mục kỹ thuật y tế chưa đồng nhất nên khó triển khai chính sách viện phí mới.

Ông Lương Ngọc Khuê nêu rõ, trong thời gian chờ đợi Bộ Y tế ban hành thống nhất danh mục kỹ thuật này thì các bệnh viện vẫn phải triển khai, vận dụng một cách linh động trên nguyên tắc danh mục tương đương, giá tương đương để thanh toán BHYT cho người bệnh, đảm bảo quyền lợi của người bệnh. 

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại bệnh viện hiện mỗi ngày tiếp nhận trên 4.000 lượt người bệnh đến khám, điều trị, trong đó 80% là bệnh nhân có thẻ BHYT và đi khám chữa bệnh đúng tuyến, do đó việc tăng giá viện phí lần này chưa ảnh hưởng nhiều tới người bệnh. Với những người bệnh chưa có thẻ BHYT tới đây sẽ bị ảnh hưởng đáng kể do viện phí tăng, song phải chấp nhận thực tế này vì chính sách BHYT, chính sách viện phí hướng đến quảng đại quần chúng, không thể có một chính sách nào thỏa mãn được tất cả mọi đối tượng trong xã hội.

Ông Trịnh Văn Mạnh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho rằng, đợt tăng giá viện phí lần này chủ yếu là tăng với các dịch vụ được BHYT thanh toán nên chưa ảnh hưởng nhiều tới người bệnh nói chung. Bà Trần Lan Anh - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái chỉ ra, với người bệnh có BHYT thì đợt tăng giá viện phí lần này không những ảnh hưởng không nhiều mà quyền lợi của họ còn được tăng cao hơn. Lý do vì cùng với điều chỉnh giá viện phí, Nhà nước cũng sẽ chuyển từ hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho bệnh viện sang hỗ trợ cho người bệnh thông qua BHYT. 

Niêm yết công khai giá viện phí 

Trước khi chính thức áp dụng giá viện phí mới từ ngày 1-3, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải niêm yết công khai các mức viện phí mới để người dân được biết.

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, Cục này cũng đã yêu cầu các Sở Y tế, các bệnh viện phải tiếp tục củng cố, kiện toàn đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Tính đến tháng 9-2015, cả nước đã có 2.095 trường hợp cán bộ, nhân viên y tế bị nhắc nhở, xử lý thông qua phản ánh của người dân về đường dây nóng.

Tin cùng chuyên mục