Các bên vụ Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đổ vấy trách nhiệm cho nhau

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 24-11, phiên tòa xét xử 36 bị cáo trong vụ án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bước sang ngày làm việc thứ hai, với việc các bị cáo trong vụ án đổ vấy trách nhiệm cho nhau.

Trả lời thẩm vấn, phần lớn các bị cáo thuộc Công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC - chủ đầu tư), Ban quản lý dự án và các nhà thầu đều thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố, song cho rằng hành vi của mình chịu các yếu tố khách quan, đồng thời bị chi phối bởi trách nhiệm của bên còn lại.

Là một trong những người trả lời đầu tiên trong ngày thứ hai xét xử vụ án, bị cáo Phan Ngọc Thơm (cựu Phó GĐ Ban điều hành Liên danh gói thầu số 3B) cho rằng "chỉ làm đúng theo yêu cầu của chủ đầu tư".

Về cáo buộc sử dụng đất và đá dăm kém chất lượng, theo bị cáo này: "Mọi vật liệu xây dựng đều phải được chủ đầu tư phê duyệt, chúng tôi mới được phép đưa vào làm. Và thực tế, tất cả các sản phẩm chúng tôi thi công được chủ đầu tư và tư vấn ký chấp thuận".

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Lần thứ hai trong phần trình bày dài 14 phút, bị cáo Thơm cho rằng trách nhiệm là của chủ đầu tư VEC trong việc thi công thử ngay trên nền đường chính. Bị cáo nói khi cơ quan điều tra triệu tập và cho xem văn bản của Bộ Giao thông Vận tải, bị cáo này mới biết việc thi công thử ngay trên nền đường chính bị cấm.

"Nhưng lúc đó, chúng tôi không biết cái quy định này. Mà khi chúng tôi đệ trình thì chủ đầu tư vẫn chấp thuận nên nghĩ là được phép" - cựu Phó GĐ Ban điều hành Liên danh gói thầu số 3 khai.

Hầu hết các bị cáo đại diện cho các đơn vị thầu đều thừa nhận bỏ qua việc đo hệ số thấm nước của lớp rải mỏng tạo nhám cho đường (VTO) và cho rằng "đây chỉ là chỉ tiêu phụ". Bị cáo Nguyễn Thành An (cựu Phó giám đốc Ban điều hành Liên danh gói thầu số 7) khai, trong đề cương thi công và quy chế giám sát được xem đều không thấy đề cập chỉ tiêu này.

Bị cáo An thừa nhận, trong bản thiết kế dự án có yêu cầu đo hệ số này nhưng thực tế nhà thầu và bên tư vấn cũng đã thống nhất không cần đo, các quy chuẩn xây dựng hiện hành của Việt Nam cũng không yêu cầu nên liên danh nhà thầu của bị cáo không thực hiện.

"Hơn nữa, lớp VTO được làm sát ngày thông xe, bị cáo tham khảo ý kiến của bên kỹ thuật và tư vấn thì được trả lời là đã đạt chất lượng" - bị cáo An phân trần.

Trong khi ấy, theo cáo buộc, phần đường thuộc gói thầu số 7 do bị cáo An chịu trách nhiệm không đảm bảo chất lượng, gây hư hỏng khi vận hành khai thác vì các lớp vật liệu kết cấu không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, lớp mặt đường bê tông nhựa tạo nhám có độ rỗng lớn, lớp VTO hư hỏng vỡ vụn, rời rạc khi bị nước và tải trọng tác động.

Các bị cáo đại diện cho nhà thầu đều nói "rất sửng sốt", khi kết luận giám định cao tốc do họ thi công có tới 380 điểm hư hỏng nặng. Các bị cáo cho rằng quy kết như vậy "quá nặng" vì "dự án sử dụng đã lâu, quá trình biến đổi khí hậu, thời tiết miền Trung khắc nghiệt và lưu lượng xe quá nhiều, tải trọng lớn thì việc hỏng hóc và khách quan không tránh khỏi".

Trong quá trình khai báo, các bị cáo thuộc nhóm nhà thầu thi công đều xin HĐXX sơ thẩm xem xét lại phần thiệt hại mà họ phải chịu trách nhiệm, đồng thời cho rằng hiện đang "bị quy trách nhiệm quá lớn".

Phản bác lại các lời khai của các nhà thầu, cựu Phó tổng giám đốc nhà thầu VEC - bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng trả lời trước đó lại cho rằng, trách nhiệm chính trong sai phạm phải thuộc về Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công.

Bị cáo Hùng nhiều lần khẳng định, với vai trò phụ trách dự án, bị cáo thường xuyên có văn bản nhắc nhở chung về việc đảm bảo chất lượng công trình. Bị cáo Hùng viện dẫn hợp đồng, quy định việc đảm bảo nguồn vật liệu đủ và đúng chất lượng là trách nhiệm của nhà thầu.

"Còn việc nghiệm thu và chấp thuận thi công thử cũng không phải chức năng của bị cáo mà thuộc Ban quản lý dự án" - cựu Phó tổng GĐ VEC phản đối phần lớn cáo buộc của VKS và cho rằng 5 trong 7 nội dung bị quy kết đều là "trách nhiệm gián tiếp". "Lỗi của bị cáo là dù đã cố gắng nhưng rất tiếc sai phạm vẫn xảy ra" - bị cáo Hùng trình bày.

Theo tài liệu truy tố, Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 139 km, từ TP Đà Nẵng đến TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), khởi công ngày 19-5-2013. Giai đoạn I dài 65 km, từ TP Đà Nẵng đến TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) gồm 8 gói thầu xây lắp chính, trong đó có 7 gói thầu thi công đường và một gói thầu chủ yếu thi công cầu.

Nhưng chỉ sau 2 năm 1 tháng 5 ngày đưa vào sử dụng, đoạn đường 65 km nêu trên đã xảy ra 380 điểm hỏng biểu hiện trên mặt đường bê tông nhựa. Kết luận giám định cho thấy, cả 7 gói thầu (phần đường) thuộc giai đoạn I không đảm bảo chất lượng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế...

Thiệt hại được xác định là giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng tại các gói thầu nhưng đã được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiệm thu, thanh toán hơn 811 tỷ đồng cho các nhà thầu.

Tại phiên tòa, đại diện VEC (nguyên đơn dân sự) thừa nhận dự án có một số điểm không đảm bảo theo hợp đồng và quy định pháp luật, gây thiệt hại nhưng mang tính chất cục bộ. Lý do, các vị trí hư hỏng chỉ xuất hiện tại một số điểm của tuyến cao tốc chứ không phải toàn bộ tuyến.

Hơn thế, dự án đã đưa vào khai thác tạm, giảm ách tắc cho tuyến quốc lộ 1A cũ và góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của khu vực miền Trung và đã thu phí được 1.400 tỉ đồng...

Nói về thiệt hại của vụ án, đại diện VEC đề nghị nhà thầu các gói thầu 1, 3B, 4, 5, 7 bồi thường, tùy theo trách nhiệm của từng đơn vị. Đối với các bị cáo thuộc VEC, đại diện VEC mong tòa xem xét khi lượng hình vì họ đều là người làm công ăn lương và có nhiều đóng góp cho ngành xây dựng.