Các bạn trẻ chuyển từ rock sang... chèo

ANTD.VN - Một nhóm các bạn trẻ thế hệ 9X đến từ nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội đã tụ hội và thành lập dự án “Chèo 48h-Tôi chèo về quê hương”. Sau 3 mùa tổ chức, điều bất ngờ nhất đối với những người tổ chức trẻ tuổi này là sức lan tỏa của dự án trong cộng đồng và hướng mọi người trở về vốn cổ cha ông. 

Các bạn trẻ chuyển từ rock sang... chèo ảnh 1Lớp học có nhiều độ tuổi khác nhau nhưng chung niềm đam mê với nghệ thuật dân tộc

Các đại sứ văn hóa 

Cũng giống như bao bạn bè cùng trang lứa, điều quan tâm của nhóm 5 thành viên thành lập dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” ngay từ ban đầu không hẳn đã hướng về nghệ thuật truyền thống. Họ cũng thích các thể loại âm nhạc có tính sôi động và trẻ trung như Rock, Rap, Pop… và dành nhiều thời gian cho học tập tại các trường đại học.

Thế nhưng, những lần tiếp xúc với người nước ngoài và được nghe các bạn quốc tế hỏi những câu đơn giản như “hãy cho chúng tôi biết về văn hóa nước bạn” hay “âm nhạc Việt Nam có gì đặc sắc”, các thành viên đã lúng túng không biết phải trả lời ra sao. Từ đó, những người trẻ bắt đầu để tâm tới văn hóa cổ truyền và tập trung tìm hiểu.

Và có lẽ, cách dễ nhất để người nước ngoài hiểu về Việt Nam, không gì dễ bằng cho họ nghe một làn điệu chèo, một câu hát xẩm hay một trích đoạn chầu văn. Cái hồn hậu, đậm đà tình người của người Việt đều thể hiện trong những câu hát ngọt ngào và đầy chất trữ tình ấy. 

Dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” đã ra đời như thế nhằm tạo ra một sân chơi dành cho người trẻ tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống. Ở mùa đầu tiên, do lớp học về chèo diễn ra vào mùa hè, thời điểm học sinh, sinh viên nghỉ hè nên thu hút khá đông các bạn trẻ đến học vì… tò mò.

Buổi tổng kết, các diễn viên cũng xúng xính trong váy áo, để hóa thân thành nàng Thị Mầu, Xúy Vân… trong các trích đoạn chèo và nhận được sự tán dương, hưởng ứng của đông đảo bạn bè và khán giả. Nhưng nếu chỉ có thế thì dự án phi lợi nhuận, giàu ý nghĩa như “Chèo 48h-Tôi chèo về quê hương” không có gì đáng để nhắc tới. Chính những người tham gia học cũng không ngờ rằng, mỗi thành viên lại đang thực hiện một sứ mệnh thật cao cả: là đại sứ văn hóa, truyền cảm hứng về những giá trị tốt đẹp đến với cộng đồng, là sợi dây kết nối mọi người đến gần hơn với những giá trị truyền thống.

Các bạn trẻ chuyển từ rock sang... chèo ảnh 2Phương pháp tiếp cận trẻ trung đã khiến không khí các buổi học rất sôi nổi 

Phương pháp tiếp cận trẻ trung 

Dưới sự bảo trợ của Nhà hát Chèo Việt Nam, ở các mùa tiếp theo, dự án không chỉ có học sinh, sinh viên theo học, mà còn có những người đang đi làm, dù bận rộn nhưng cũng thu xếp công việc để đến trường. Thậm chí, một số học viên còn đến từ các tỉnh lân cận nhưng đã không quản ngại đường sá tới Hà Nội đều đặn hàng tuần. Dù khác nhau về độ tuổi nhưng các thành viên đều có chung niềm yêu thích là được tìm hiểu và học về các loại hình truyền thống như chèo, chầu văn, xẩm. Không khí các lớp học rất sôi nổi, thường học liền một mạch mà không có giờ giải lao. Cả học viên và giảng viên đều say sưa trong tiếng phách, tiếng đàn.

NSƯT Thúy Ngần, Giám đốc Nhà hát Thể nghiệm - Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, người trực tiếp tham gia giảng dạy cho biết: “Tôi cứ tưởng người trẻ đang quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống nhưng khi tham gia giảng dạy tại dự án, tôi thấy mình đã nhầm. Các diễn viên không chuyên còn say với nghề hơn cả các em học sinh chính quy tôi đang dạy tại trường. Tôi vẫn nói đùa với học sinh của mình rằng, nếu các em không chuyên cần, các em sẽ bị các bạn nghiệp dư qua mặt chỉ vì một chữ “yêu”. Làm gì cũng thế thôi, nếu không yêu, không tận tâm với nghề thì rất khó để thành công”. 

Đến nay, dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” đã là một trong các dự án ấn tượng nhất về quảng bá nghệ thuật truyền thống tới giới trẻ. Dự án phát triển chứng tỏ giới trẻ không thờ ơ với tinh hoa dân tộc. Để có được thành công này, 5 thành viên lập nên “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” đã biết cách tìm ra phương pháp tiếp cận trẻ trung bằng cách lồng ghép các hoạt động thử thách như tạo nên các chương trình biểu diễn trực tiếp, thị phạm trực tiếp để người học tiếp thu nhanh và dễ dàng hơn. Trong các năm tiếp theo, dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” sẽ được đưa tới các trường đại học, tới các CLB sinh viên để giới trẻ có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu về nghệ thuật cổ truyền của cha ông.