Ca trực kinh hoàng của những người đứng ngoài tiêu cực ngành y

ANTĐ - Bước chân rời khỏi Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Viện bỏng) mà chúng tôi còn ám ảnh mãi. Ám ảnh không chỉ với tột cùng nỗi đau của những bệnh nhân đang hàng ngày, hàng giờ phải chịu đựng đau đớn cả về thể xác và tinh thần, của những hoàn cảnh éo le, đáng thương mà còn ám ảnh cả về công việc của những y bác sĩ nơi đây, đặc biệt là đội ngũ y tá điều dưỡng. Nếu nói chẳng có cơ sở y tế nào mà môi trường làm việc lại vất vả, nặng nhọc, độc hại và áp lực như ở Viện bỏng, không phải là quá. Và nếu có nói đội ngũ y bác sĩ ở Viện bỏng luôn đứng ngoài những tiêu cực mà dư luận quy chụp cho ngành y thì cũng không phải quá khen.

Một mình đưa bệnh nhân đến nhà xác

Trung tá Đặng Thị Bích Hòa về công tác tại Viện bỏng Quốc gia đến nay ngót nghét hai chục năm nhưng chị vẫn nhớ mãi những ngày đầu tiên về viện. Vẫn biết điều dưỡng thì phải tiêm, phải truyền, phải thay băng, thay gạc cho bệnh nhân, nhưng khi về đây chị vẫn “sốc” vì thực tế nó khác xa lý thuyết. Những năm đó Nhà nước còn cho sản xuất pháo, còn làng pháo Bình Đà, cứ ít hôm lại có một vụ tai nạn do nổ pháo. Đêm trực đầu tiên của chị đúng vào ngày có vụ nổ pháo làm 22 người dân Bình Đà thương vong, trong đó có 7 người chết. Sau khi sơ cấp cứu cho bệnh nhân, đêm đó chị được giao nhiệm vụ… đưa bệnh nhân xuống nhà xác. Một mình đẩy chiếc cáng mang xác nạn nhân trong ánh đèn lờ mờ của nhà xác, vừa đi vừa run. Đẩy được chiếc cáng vào đến nơi khi chuyển bệnh nhân ra khỏi cáng tay chị bỗng chạm vào một bàn tay lạnh ngắt khiến tim cô điều dưỡng trẻ tuổi như muốn rơi khỏi lồng ngực. Hóa ra đó là xác của bệnh nhân một khoa khác được chuyển xuống trước đó. Sợ hãi, những lượt sau chị phải nhờ đồng nghiệp sắp xếp 2 bệnh nhân một lớn, một nhỏ vào một cáng để “đỡ phải đi nhiều”. Sau ca trực “kinh hoàng” đó, chị bàng hoàng nhưng vẫn không dám kể với người nhà và những người xung quanh. “Tôi sợ có nhiều ý kiến tác động có thể mình sẽ không trụ lại với nghề được. Hồi đó nếu không có quyết tâm, chắc tôi đã chuyển đi nơi khác” - chị Hòa tâm sự.

Công việc của một điều dưỡng ở đây vẫn là tiêm truyền, thay băng, nhưng với bệnh nhân bỏng thì rất đặc thù, có thể nói là vất vả gấp nhiều lần tại những cơ sở y tế khác. Đa phần đội ngũ điều dưỡng tại viện đều là nữ, có những khoa tỷ lệ nữ lên đến 90% nhưng công việc thì lại vô cùng nặng nhọc mà như các chị đùa với nhau “chả khác nào làm khuân vác”. Áp lực nhất phải nói đến đội ngũ y bác sĩ ở khoa Hồi sức cấp cứu, đã vào ca trực là phải thức cả đêm không có một phút được chợp mắt. Hầu hết các trường hợp cấp cứu tại đây đều bị bỏng nặng, thập tử nhất sinh. Có những bệnh nhân bỏng đến trên 90%, toàn thân phải băng bó trắng toát, hay bỏng sâu đến 50% bệnh nhân đau đớn rên la khiến nhân viên y tế phục vụ vô cùng áp lực tâm lý. Với những ca bỏng nặng như thế chỉ việc thay băng cho bệnh nhân thôi cũng mất vài tiếng đồng hồ với 6-7 điều dưỡng, người thì nâng tay, người thì nâng chân, người thay băng, người lấy dụng cụ… Mỗi ngày phải thay băng cho bệnh nhân 2-3 lần, chưa kể việc tiêm truyền diễn ra liên tục hàng giờ, phải đảm bảo tuyệt đối độ chính xác, tiêm nhiều đến nỗi… chai cả tay. Có những ca do ở xa hoặc do sơ cứu không đúng cách, đến viện muộn vết bỏng bị hoại tử, bốc mùi khó chịu, thậm chí có những ca đã có ròi. Với người bình thường, kể cả người nhà nhiều khi cũng không dám nhìn hay trót nhìn thì về không dám ăn cơm, nhưng với các y tá thì đó là nhiệm vụ họ phải làm.

Đối với bệnh nhân bỏng đòi hỏi phải vô khuẩn tuyệt đối, nhưng ngược lại bệnh nhân bỏng lại rất tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Có những bệnh nhân bỏng trên 90% dịch tiết rất nhiều, bốc mùi khó chịu, nhân viên y tế rất dễ phơi nhiễm bệnh. Đặc biệt khi bệnh nhân trong cơn “thập tử nhất sinh” không thể đợi xét nghiệm HIV hay các bệnh lây truyền khác nhưng các y bác sĩ ở đây vẫn phải sơ cứu, tiêm truyền. Trong khi đó môi trường làm việc lại vô cùng vất vả, nóng bức. Bệnh nhân bỏng khi bị tổn thương về da sẽ mất điều hòa thân nhiệt, thường sốt rét liên tục vì vậy dù mùa đông hay mùa hè đều phải bật đèn sưởi ở nhiệt độ cao đến 35-40 độ. 

Tình yêu thương không bao giờ cũ

Điều dưỡng Đỗ Thị Kha đã gắn bó với Viện bỏng Quốc gia từ khi sơ khai. Mới đây, chị phát hiện đang mang trong mình căn bệnh ung thư máu những khi mệt thì thôi, khi khỏe chị lại đến viện. Mấy chục năm gắn bó với nghề, người ngoài thì nghĩ các chị đã “quen” quá với những cảnh đau đớn, với những bi kịch của bệnh nhân nhưng thực ra với các chị, được làm việc để bệnh nhân đỡ đau hơn phút nào, nhanh khỏi hơn phút nào mới là quan trọng. Chị chia sẻ, thương nhất, ám ảnh nhất là những bệnh nhân khoa Nhi. Ở cái tuổi được chơi, được cười đùa thì những bệnh nhi viện bỏng, nỗi đau thể xác đã là quá sức chịu đựng và trước mắt các cháu là cả quãng đường dài mà các cháu chưa thể cảm nhận được hết nỗi đau tinh thần. Đa phần bệnh nhi bỏng do bất cẩn của người lớn hoặc do những tội ác của người lớn gây ra mà các cháu không có lỗi gì. Có trường hợp người lớn để con ngã vào nồi canh, có trường hợp bố mẹ đi làm khóa cửa để con trong nhà, đến khi nhà cháy thì các cháu bị bỏng, lại có những ông bố bà mẹ vì cả giận lẫn nhau mà châm lửa đốt con, hoặc có trường hợp vì hận tình mà tạt axit cả vào đứa trẻ… Nhìn các cháu bé với những vết sẹo khắp cơ thể, không ai có thể cầm được nước mắt nhưng với y bác sĩ ngành bỏng, họ phải ghìm lòng lại để chăm sóc bệnh nhân. Người lớn bị bỏng một chút thôi đã thấy đau, thấy rát lắm rồi, thế mà các cháu bị bỏng tới 60-70% cơ thể có cháu bỏng toàn thân, cứ nghĩ như con mình thôi, thương lắm. Vì vậy các y bác sĩ ở đây chỉ muốn phục vụ bệnh nhân hết sức mình để các cháu nhanh qua cơn nguy kịch. 

“Chăm sóc bệnh nhân bỏng chẳng khác nào chăm con mọn ốm, phải khéo léo, tỉ mỉ, phải thực sự yêu thương, lo lắng cho bệnh nhân thì mới làm được. Còn những ai muốn làm việc vì thu nhập, vì thành tích hay bất cứ mục đích thực dụng nào khác thì sớm muộn cũng sẽ ra đi.” - Trung tá Đặng Thị Bích Hòa tâm sự về nghề của mình. Trong khi người ta nhắc đến ngành y với rất nhiều tiêu cực, sứ mạng cứu người bị đồng tiền chi phối thì cán bộ y bác sĩ Viện bỏng luôn tự hào đứng ngoài điều đó. Viện bỏng Quốc gia là cơ sở y tế điều trị bỏng tuyến cao nhất, bởi vậy bệnh nhân đến đây đa phần là bệnh nhân bỏng nặng và từ những nơi xa, có hoàn cảnh vô cùng khó khăn và đáng thương. Bệnh nhân bỏng thôi thì đủ kiểu, từ trẻ em không có người trông, cụ già neo đơn, người làm thuê bị tai nạn lao động, người rơi vào bi kịch tự thiêu, người bị trả thù bằng axit… Bởi vậy nếu trông chờ vào tiền bồi dưỡng từ bệnh nhân rồi mới làm thì chắc chắn không trụ lại được ở đây.

Từng 10 năm làm y tá trưởng tại khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tá Hòa luôn lấy bài học hàng đầu là y đức để giáo dục nhân viên. Tay nghề kém ở đâu thì có thể đào tạo được, nhưng cái tâm không có thì không thể làm ở đây được. Cũng ít có bệnh viện nào mà đội ngũ y bác sĩ phải “giữ bệnh nhân lại” nhiều đến vậy. Đa phần bệnh nhân cấp cứu ở Viện bỏng quốc gia đều ở những nơi xa, có khi cách bệnh viện cả ngày đường. Khi đến viện bệnh nhân đã nguy kịch, người nhà và bác sĩ đều nghĩ không thể qua khỏi nhưng đội ngũ bác sĩ, y tá đã làm được điều kỳ diệu là đưa bệnh nhân về giới hạn an toàn. Nhiều bệnh nhân bỏng nặng đến trên 90%, ngừng thở, ngừng tim, người nhà chỉ xác định đưa đến viện cho toại nguyện. Đến nơi thì người nhà xin về vì quá nghèo, nhưng các y bác sĩ phải động viên ở lại, chia suất cơm của mình cho người nhà ăn để nuôi bệnh nhân.

Ở Viện bỏng, không ít y bác sĩ đến đây rồi lại ra đi để chọn một lĩnh vực khác vì không chịu nổi áp lực. Thế nên chúng tôi tin những người ở lại chắc chắn phải yêu nghề lắm. Hằng ngày họ làm những công việc tưởng như rất cũ, rất quen với mình, nhưng nếu không có cái tâm, cái tình thương yêu với bệnh nhân thì chắc chắn không bao giờ cũ.