Ca sỹ Việt Hoàn: Nỗ lực & đam mê

ANTĐ - Khi được hỏi về chuyện sao nhạc đỏ và cát sê khủng chả kém gì các sao dòng nhạc thị trường, ca sĩ Việt Hoàn chỉ cười và phủ nhận “Làm gì có chuyện đó”…

- PV: Chào ca sĩ Việt Hoàn, gần đây dư luận đồn rằng cát sê của “sao” nhạc đỏ rất “khủng khiếp”, là người trong cuộc, anh xác nhận thông tin này có bao nhiêu phần trăm sự thật?

- Ca sĩ Việt Hoàn: Thật đúng là tin đồn. Ca sĩ nổi tiếng dòng nhạc đỏ, hát một bài được thù lao mấy chục triệu đồng cơ à? Chúng tôi không được hưởng diễm phúc đó đâu. Bản thân tôi cùng Đăng Dương, Trọng Tấn hay như Anh Thơ, Lan Anh… cũng chỉ được có 4 - 5 triệu đồng một buổi diễn mà thôi. Thực tế, có những người bạn của tôi khi đi biểu diễn cũng chỉ nhận được 80.000 - 100.000 đồng một buổi biểu diễn và hưởng lương mỗi tháng hơn 2 triệu đồng.  

- Anh có thể chia sẻ một chút về cuộc hôn nhân của mình?

- Tôi luôn tin rằng vợ chồng đến được với nhau là do duyên số. Khi gặp vợ tôi bây giờ, tôi cảm thấy dường như là có duyên nợ với cô ấy. Chỉ sau một thời gian ngắn yêu nhau, chúng tôi kết hôn. Cho đến giờ, những tiêu chuẩn của người vợ mà tôi đưa ra trước đó như sự hiếu thảo và chung thủy, cô ấy đều đáp ứng được hết. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua 5 năm, giai đoạn khó khăn nhất của một cuộc hôn nhân và kết quả là 2 cô con gái xinh đẹp ra đời. 

- Làm thế nào để anh khắc phục khoảng cách về tuổi tác giữa anh và vợ?

 

- Trong cuộc sống hôn nhân, chênh lệch tuổi tác cũng là khó khăn. Tôi là nghệ sỹ, mà người nghệ sỹ lúc nào cũng trẻ về tâm hồn, và nắm bắt tâm lý rất nhanh. Vợ tôi là con một, lại được chiều chuộng từ nhỏ nên đôi lúc tôi vừa là một người chồng lại vừa là một người anh cả. Sau những chỉ bảo, góp ý của mình, cô ấy luôn hiểu đó là vì vun đắp cho hạnh phúc gia đình. Chúng tôi cũng học cách sống chung với khiếm khuyết của nhau. Và một điều nữa là, chúng ta nên học chữ “Nhẫn”, không phải nhẫn nhục, chịu đựng mà là nhường nhịn nhau. 

- PV: Nói về tính cách, tam ca nhạc đỏ Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn có điểm gì chung?

- Đó là sự điềm đạm. Có thể, dòng nhạc mà chúng tôi theo đuổi, tạo nên cho chúng tôi cái phong thái đó. Tôi sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ tôi đều là nghệ sỹ cải lương nghèo của tỉnh Thái Bình. Khi lên 6 tuổi, bố tôi mất vì bạo bệnh. Nhưng may mắn, tôi có người mẹ vô cùng tuyệt vời. Ở tuổi 40, là một nghệ sỹ đẹp, có rất nhiều người đàn ông theo đuổi, nhưng bà nhất quyết không đi bước nữa. Hàng tháng, với đồng lương eo hẹp, bà nuôi 6 người con ăn học. Mẹ tôi sống rất tình cảm, không bao giờ mắng chửi mà dạy anh em tôi bằng cả nước mắt của mẹ. Tính tôi hơi mềm yếu có lẽ cũng vì lớn lên từ nước mắt của mẹ. 


- Từng trải qua thời gian rất vất vả để lập nghiệp ở Hà Nội, có khi nào anh có ý định bỏ nghề?

- Chưa bao giờ. Nếu có ý định đó thì tôi đã bỏ ngay từ đầu rồi. Bởi thời bao cấp cho tôi nỗi kinh hãi với nghề nghệ sỹ khi phải chứng kiến cảnh cả nhà ăn cơm độn khoai, bố mẹ nhịn bữa để dành cơm cho anh em chúng tôi. Thời gian đầu lên Hà Nội, tôi phải thuê nhà, phải vật vã với mọi chi phí đắt đỏ… cho tới khi được nghệ sỹ Lê Dung phát hiện ra giọng hát của mình, rồi được chị Thanh Hoa mời hát ở phòng trà Aladin, mọi thứ khá dần lên. Phải nói rằng, đó là thời kỳ khó khăn nhưng tôi tự hào là người yêu nghề và luôn hết lòng với nghề, suốt 4 năm đại học tôi không chạy sô mà chỉ chăm chăm học. Vì thế, tôi muốn nói với các bạn trẻ khi chọn dòng nhạc này, rằng các bạn cứ học đi, cứ âm thầm, cóp nhặt từng ngày, đến ngày nào đó, bạn sẽ được ghi nhận. Nỗ lực và đam mê là yếu tố rất cần thiết của người ca sỹ theo dòng nhạc chính thống.

- Nghe nói, anh chuẩn bị ra album, khi mà đĩa lậu tràn lan như thế, anh có sợ lỗ vốn?

- Tôi đang chuẩn bị ra mắt CD có tên “Bài ca người lính” và tôi tin rằng mình sẽ được khán giả đón nhận. Bởi qua những lần ra CD trước và liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát vừa rồi, tôi biết được vị trí của mình trong lòng khán giả. Mặt khác, tôi cũng tin tưởng rằng, doanh thu sẽ rất tốt, bởi lẽ, đối với các ca sĩ thị trường, khi ra CD, album, thường bị lỗ bởi nạn đĩa lậu hoành hành nhưng riêng đối với dòng nhạc mà tôi đang theo đuổi thì khán giả thuộc tầng lớp khác, họ có xu hướng mua về để thưởng thức nên có những yêu cầu khắt khe hơn. Lớp khán giả này thường mua đĩa “xịn” nên tiền bán đĩa cũng khiến tôi có lãi.

- Đến bây giờ, sự chuẩn bị của anh cho CD “Bài ca người lính” như thế nào?

- Hiện tại, công việc triển khai làm phần nhạc, phối khí gần xong. Tôi cũng đang tiến hành thu thanh những ca khúc đầu tiên. Tôi cũng muốn nói đến sự khác biệt của CD này với những CD trước đó là toàn bộ những ca khúc trong CD đều là tình yêu, không có đạn bom, khói lửa, mà là những gì rất tươi trẻ, những nụ phong lan đang nở, chồi non đang mọc… CD sẽ xoa dịu những nỗi đau mà người lính từng trải qua. 


- Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!