Ca sĩ Tấn Minh: Thích những thứ “vừa vặn” với mình

ANTĐ - Trên con đường đông đúc, ồn ào và nhiều thị phi của làng giải trí Việt, có một người ca sĩ cứ lặng lẽ đứng ở bên lề. Bên lề nhưng khán giả luôn nhớ đến anh và điều quan trọng hơn cả, trên những sân khấu thực sự chuyên nghiệp, anh chưa bao giờ vắng bóng.

Tấn Minh trong đêm nhạc Phú Quang

Từng mơ thành thầy giáo làng

Tấn Minh bắt đầu câu chuyện về đời ca sĩ của mình bằng ước mơ của ba mẹ anh- cậu con út trong nhà nhất định phải nối nghiệp ba trở thành thầy giáo. Vốn tính nhỏ nhẹ từ bé, Tấn Minh không cự cãi mà cứ âm thầm học, mơ một ngày đứng trên bục giảng. Bề ngoài là thế, nhưng bên trong Tấn Minh lại trót si mê nghệ thuật. Ngày đó, mỗi khi có đoàn nghệ thuật về biểu diễn ở tỉnh là cậu bé Tấn Minh phải đi xem cho bằng được, rồi đắm đuối mơ ước, một ngày mình được đứng trên sân khấu đầy hào quang kia. Ngẫm lại chuyện trở thành ca sĩ, Tấn Minh vẫn bảo, đó hoàn toàn là do vô tình mà nên duyên. Tấn Minh hát hay nổi tiếng ở trường, và đương nhiên được xếp vào diện “hạt giống văn nghệ”, rồi anh được nhà trường cử đi thi Giọng hát hay toàn quốc, rồi đoạt giải và được gặp những nghệ sĩ có uy tín  như nhạc sĩ Nguyễn Cường, ca sĩ Thái Bảo… Mấy năm sau, Tấn Minh thi đỗ Nhạc viện Hà Nội. Từ đó, chàng trai gốc Nam Định bắt đầu những chuỗi ngày gian khó, vừa học vừa kiếm tiền mưu sinh. 

“Sướng thì hưởng, khổ thì chịu”

Từ giã dự định trở thành thầy giáo, hành trang của Tấn Minh mang đến ký túc xá Nhạc viện Hà Nội chẳng có gì ngoài mấy bộ quần áo cùng tiếng thở dài đầy lo lắng cho cậu con trai út lần đầu xa nhà của mẹ anh: “Thôi sướng thì hưởng, khổ thì chịu”. Tấn Minh kể, 16 tuổi không hiểu hết thế nào là chông gai khi phải xa rời sự chăm bẵm của mẹ. Ba mất sớm, một mình mẹ không đủ khả năng chu cấp cho anh ăn học. Ngày đó, Hà Nội không có phòng trà như bây giờ, mỗi tháng các trường đại học đều đặn tổ chức chương trình giao lưu, Tấn Minh được mời đến hát, mỗi suất diễn được trả 8 đến 10 nghìn đồng. Mỗi tháng Tấn Minh cũng kiếm được 30-40 nghìn đồng từ đi hát, cộng thêm 40 nghìn đồng tiền học bổng cũng đủ cho anh tự nuôi sống bản thân, mà không phải xin tiền từ gia đình.  Cho đến giờ, dù đã thành danh nhưng Tấn Minh chưa bao giờ quên những ngày tháng sinh viên căng tràn hy vọng.

Chưa bao giờ hết đam mê

Có nhiều người bảo tiếc cho Tấn Minh, ở thời điểm những năm cuối của thập kỷ 90, khi tên tuổi anh lúc đó bắt đầu “nổi như cồn” thì anh lại chọn cho mình dòng nhạc khá kén người nghe. Lại cũng có người nhận xét rằng, cái tên Tấn Minh chưa bao giờ quá hút khán giả, nhưng cũng chưa bao giờ thiếu vắng trên các sân khấu chuyên nghiệp của Thủ đô. Khi nghe những lời nhận xét về mình, Tấn Minh chỉ cười, rất hiền lành, rằng anh thì lại lấy đó làm mừng, mừng vì bản thân được làm những thứ mình thích, không phụ thuộc và không bị bất kỳ ai chi phối. Rằng anh đủ thông minh, đủ nhạy cảm, để hiểu biết quanh mình đang xảy ra chuyện gì. Cho đến giờ anh đã thành công, bằng chứng là anh sống đoàng hoàng với nghề, không nghèo cũng chẳng giàu, tiền kiếm được một cách chính đáng, mọi thứ anh có đều vừa vặn với bản thân. Mỗi người chọn cho mình một con đường để đi, có người chọn đường cao tốc, thênh thang, còn với Tấn Minh lại chỉ muốn chọn đường nhỏ, hẹp. Nhỏ hẹp để luôn thận trọng tiến về phía trước. Và đương nhiên, sự thận trọng khiến anh kiểm soát được tốc độ, tránh va vào đá, tránh luôn cả tính tự phụ. 

16 tuổi rời Nam Định lên Hà Nội học, rồi thành danh, chẳng biết tự bao giờ, Tấn Minh coi Hà Nội như quê hương thứ hai của mình. Duyên may hay trời thương, anh gặp gỡ với nhạc sĩ Phú Quang, sau này là nhạc sĩ Đỗ Bảo, hợp người hợp giọng, hợp đến mức hiểu thấu tâm can nhau. Và mối duyên giữa nhạc sĩ Phú Quang và ca sĩ Tấn Minh một lần nữa lại được thể hiện trong đêm nhạc “Hà Nội ơi… còn mãi một tình yêu” sẽ diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu Nghị vào ngày 10 và 11-8 tới đây. Hỏi Tấn Minh, rằng có bảo thủ quá không, khi cứ chọn Phú Quang là tri kỷ, Tấn Minh phân bua, đó là duyên may, bởi có ca sĩ, hát cả đời vẫn chưa tìm được nhạc sĩ hợp với mình. Anh cũng vẫn sẽ thử hát những dòng nhạc khác, nhưng đó chỉ là những cuộc dạo chơi nghệ thuật, và không coi đó là “duyên tiền định”.