Ca sĩ opera Vành Khuyên: “Sẽ hát cho đến chết”

ANTĐ - Giữa thập niên 70 đến hết thập niên 80 thế kỷ  trước, danh ca người Hà Nội Lệ Quyên được tôn vinh là Nữ hoàng nhạc nhẹ đầu tiên của Việt Nam. Một ca sĩ cũng mang tên loài chim, sinh sau Lệ  Quyên 20 năm - Vành Khuyên đã làm được một đêm hát hiếm có.

Ca sĩ opera Vành Khuyên: “Sẽ hát cho đến chết” ảnh 1

Cuộc khẳng định kép trong lịch sử ngành opera Việt Nam do một ca sĩ thế hệ 7X làm nên: Thực hiện “Khát vọng âm nhạc” của riêng mình, Lê Thị Vành Khuyên là ca sĩ nhạc kịch đầu tiên của nước nhà làm live show khi còn trẻ.  Tôi không quên niềm náo nức đến Nhà hát Lớn Hà Nội tối 3-5-2012, xem opera Định mệnh bất chợt, lần đầu kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du đưa lên sân khấu nhạc kịch (Kịch bản: Lê Chức, âm nhạc và chỉ huy: Nguyễn Thiện Đạo). Người được chọn thể hiện vai Kiều, là Lê Thị Vành Khuyên. Vai diễn xuất sắc bởi ca sĩ diễn tả được mọi cung bậc, trạng thái của Kiều bằng âm nhạc. Tôi vẫn thường xem Vành Khuyên trong các chương trình của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam khi hát solo, khi đứng trong dàn hợp xướng. Gặp Vành Khuyên sau đêm diễn, lại càng hiểu thêm nghịch lý của nghệ sĩ opera giữa nền nghệ thuật thất tán, đảo lộn các giá trị mà showbiz và các chiêu trò háo danh, lại “chiếm lĩnh” quan tâm của đa số công chúng.- Chúc mừng chị, tôi bất ngờ khi biết chị có ý tưởng và thực hiện thành công đêm opera của mình. Một bữa tiệc âm nhạc đáng quý!
- Cảm ơn. Đến giờ, các công việc sau buổi diễn đã xong, tôi vẫn còn ngạc nhiên về mình. Đúng là liều. Tổ chức đêm diễn opera rất tốn tiền, công sức. May mắn là khi tôi đề đạt với TS Phạm Anh Phương (biên đạo múa, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam), anh ủng hộ. Các bạn đồng nghiệp cùng chung sức thì tôi mới làm nổi đấy. - Là ca sĩ duy nhất quê gốc miền Trung hiện nay theo đuổi opera chuyên nghiệp và được khẳng định, Vành Khuyên có thể kể về hành trình âm nhạc của mình?
- Ca sĩ quê Hà Tĩnh, có Thành Lê, Tố Nga đều đang làm việc tại Hà Nội, tôi chọn opera. Tốt nghiệp trung cấp thanh nhạc của tỉnh Hà Tĩnh, tôi về Hà Nội, quyết tâm lập nghiệp với bàn tay trắng, chỉ có tiếng hát và đam mê hát. Tôi thi đỗ vào lớp hợp xướng năm 1997, học 2 năm tại Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, theo tiếp Đại học Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.- Nhạc sĩ Nguyễn Thu Đông là thầy và là chồng cũ của chị. Đêm nhạc vừa qua, anh cùng nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi phối khí. Đấy chẳng phải định mệnh âm nhạc sao? 
- Đúng thế, tôi tin số mệnh. Lớp hợp xướng 40 người, nay chỉ còn 10 trụ lại. Chúng tôi gặp nhau ở Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, chính âm nhạc đưa chúng tôi đến với nhau. Sau 6 năm yêu, chúng tôi cưới. Tháng 12-2004, con trai đầu lòng ra đời, cháu rất có năng khiếu âm nhạc. Chúng tôi đã chia tay cuối 2009.- Tôi được biết nhạc sĩ Thu Đông thuộc số ít nhạc sĩ thế hệ 7X, 8X có khả năng chuyển soạn ca khúc cho dàn nhạc giao hưởng. Anh đã phối khí 3 ca khúc cho đêm diễn của chị.
- Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên (Lê Lôi), Bài ca hy vọng (Văn Ký), và nhất là Người con gái sông La (Doãn Nho) là bài tôi dành nhiều tình cảm nhất.- Đêm nhạc này, chị vui chứ?
- Đại gia đình tôi từ Hà Tĩnh ra 30 người, cổ vũ tôi. Tiếc là bố tôi mất sớm, không được chứng kiến tôi trưởng thành. Đêm diễn vừa qua cũng là mong ước của bố mẹ, anh chị cho sự nghiệp của tôi. Mẹ tôi 77 tuổi, đã đi tàu về quê sau đêm diễn. - Chị hãy cho chúng tôi “về nhà” chị đi, đấy là “ga” đầu tiên, quan trọng của cuộc đời mỗi người!
- (Rớm lệ). Nhà tôi trong làng Cẩm Trang, có nghề làm gốm, gạch lâu đời, thuộc xã Đức Giang, huyện Vũ Quang. Nhà mái ngói 40m2, trong khu vườn 300m2. Đông con, nhà nghèo, anh chị em chúng tôi tảo tần từ nhỏ, nuôi lợn, gà, đóng gạch, ngói, tự lợp nhà. Tôi mồ côi bố lúc niên thiếu, việc đồng áng, gánh nước đều thạo, dù là con út. Gần nhà có sông Ngàn Sâu, một nhánh của sông La. Thế hệ tôi lớn lên bằng nước sông này. Nay con sông bên lở bên bồi đã hẹp lại, không còn trong xanh như xưa. - Cuộc sống của nghệ sĩ opera xa nhà như thế nào?
- Cuộc sống của các nghệ sĩ opera thật khó khăn. Công chúng phổ thông chỉ quen nghe nhạc nhẹ, pop, dân ca. Chúng tôi ít “đất” diễn, không có “sô” mà chạy. Bước ra sân khấu, phải chuẩn bị hình ảnh, trút ưu phiền cơm áo sang một bên.- Chị nhắc “ưu phiền cơm áo” không ngại kể khổ sẽ làm mất “sĩ diện” nghệ sĩ ư?
- Tôi nói về thực trạng chế độ đãi ngộ bất hợp lý hiện nay, là nói hộ các đồng nghiệp. Bởi yêu nghề, muốn có điều kiện tương đối đủ để yên tâm sống, cống hiến, chứ không phải tố khổ, cầu thương. Trong khi các “sao nhạc nhẹ” đòi cátsê mấy chục, thậm chí cả trăm triệu cho vài bài hát, thì ca sĩ opera - thể loại hát khó nhất, lại được trả thù lao quá bọt bèo, đến mức... khó tin. Nhưng đấy là sự thật. Mọi thứ đã thay đổi, mà chế độ Nhà nước hơn 20 năm nay vẫn chỉ cho ca sĩ, nhạc công  20.000 đồng/ buổi tập, đổ đồng. Tập ròng rã 1 - 2 tháng cho một vở lớn, cũng chỉ trên 1 triệu. Vai chính cho vở diễn ở Nhà hát Lớn, nhận 500.000 đồng, đấy là Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đã cho thêm rồi.- Còn nhà ở của chị bây giờ thì sao?
- Tôi lấy làm lạ(?). Tôi sinh ra ở quê hương đại thi hào Nguyễn Du, thường nghe nói Việt Nam là đất nước thơ ca, yêu nghệ thuật, sao trong suy nghĩ của nhiều người nghệ sĩ không có quyền đòi hỏi, dù chính đáng, chỉ có nhiệm vụ tặng, cống hiến. Chúng tôi sống bằng gì để hát, cứ lay lắt cầm cự? Làm gì có nhà. Tôi đang thuê căn phòng 18m2 ở Bồ Đề, quận Long Biên. Với đồng lương, thu nhập như bây giờ, hát cả đời cũng không thể có nhà mà an cư, lạc nghiệp. Mọi người thấy tôi luôn ăn mặc lịch sự, tưởng tôi dư dả. Sự thực là tôi đi xe Wave cũ và chẳng có nguồn thu nào khác, không vốn kinh doanh, mẹ nghèo chẳng có tiền của để cho tôi. Mẹ vẫn hàng ngày dậy từ 3h sáng, đi bộ 3km bán hàng xén ở chợ Bộng. Mẹ tôi đi chợ 50 năm rồi, không chịu nghỉ, dù đã 77 tuổi (bật khóc).
Ca sĩ opera Vành Khuyên: “Sẽ hát cho đến chết” ảnh 2
- Chị có bao giờ so sánh các nghệ sĩ opera Việt Nam và các nước khác?
- So sánh chỉ thêm buồn. Ở châu Âu và các nước phát triển opera luôn được đề cao bởi độ khó, kỹ thuật, thể lực, không phải ca sĩ nào cũng hát được và không dễ đào tạo, khẳng định mình càng khó, nó kén người nghe. Đi diễn ở Côn Minh 2004, các nhà hát Thụy Điển 2006, tôi nhận cảm sự trân trọng của khán giả. Tiếc là điều ấy chưa có ở Việt Nam, dù nước ta được xếp vào quốc gia có nền âm nhạc giao hưởng mạnh ở khu vực ASEAN.- Chị nghèo mà vẫn dám ước mơ sang và to thế!
- Tôi ấp ủ ước mơ làm liveshow opera từ trẻ, nay 34 tuổi, nếu không quyết liệt làm thì không biết lúc nào làm được và sức trẻ thì mới dám dấn thân. Tôi tự lực đi xin tài trợ tại các doanh nghiệp mà họ yêu âm nhạc và muốn hỗ trợ tài năng.- Chị có thể hát 3 thứ tiếng Italya, Anh, Đức, opera còn đem lại cho chị kỹ năng gì?
- Tôi biết bơi lặn từ nhỏ, nên hát opera có thể “bơi” tốt trong âm thanh đồ sộ của nhiều nhạc cụ và dàn hợp xướng. Để hát opera phải luyện hơi thở, nén hơi đúng kỹ thuật mới bảo đảm hát được trọn vẹn tác phẩm, điều tiết hơi thở trong khi hát, khẩu hình mở đúng chữ. Tôi được học từ NGƯT Hô Mộ La, NSƯT Ngọc Lan, Mai Tuyết, anh Thu Đông rèn cặp, cùng nỗ lực khổ luyện, đã giành giải Ba Cuộc thi hát Thính phòng Nhạc kịch toàn quốc 2009. Tôi chú ý xem các chương trình opera quốc tế để trau dồi, học hỏi, nên khi các chuyên gia, nhạc sĩ nước ngoài đến Việt Nam làm việc hoặc sang châu Âu diễn, tôi có sự tự tin nhất định.- Nhạc sĩ Doãn Nho khen bản phối của Thu Đông. Ông xúc động khi lần đầu nghe ca khúc Người con gái Sông La hát cùng dàn nhạc giao hưởng. Chị vẫn không dùng micro cả khi hát ca khúc?
- Ngoài opera, giọng tôi hợp ca khúc cách mạng. Tôi hát ca khúc về anh hùng phá bom La Thị Tám mà như hát cho tôi, cho những người con quê hương Hà Tĩnh, nơi đã sinh ra nhiều thi sĩ, anh hùng. Tôi cũng yêu làn điệu Ví Giặm và phấn khởi khi biết vừa có hội thảo ở Nghệ An - Hà Tĩnh để làm hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản. - Dự định tiếp theo của chị? 
- Làm album opera. Dù thế nào, tôi vẫn hy vọng, vẫn hát như lẽ sống, hát đến lúc chết mới thôi.