Cả nước trông vào Hà Nội

ANTD.VN - 62 năm sau ngày Giải phóng, Hà Nội, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, nơi hội tụ, kết tinh trí tuệ, văn hóa của cả nước, ngày càng “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”. Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận để có được một Thủ đô văn minh, thanh lịch, xanh - sạch - đẹp thì còn rất nhiều việc phải làm thường xuyên hàng ngày, hàng tháng, hàng năm.

Từ năm 2014, ý tưởng xây dựng một bộ quy tắc chuẩn về cách ứng xử của công dân Hà Nội đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Sau nhiều lần lấy ý kiến, chỉnh sửa, “Bộ quy tắc ứng xử của người Hà Nội” sẽ sớm được ban hành. Bộ khung quy tắc đưa ra các tiêu chí cụ thể với 6 nhóm đối tượng: cơ quan hành chính sự nghiệp, bệnh viện, doanh nghiệp, trường học, khu dân cư và nơi công cộng.

Không cần một cuộc khảo sát, điều tra, cũng có thể thấy rõ lối cư xử nhã nhặn, thanh lịch của người Hà Nội đang mai một dần, thay vào đó là cách ăn nói xô bồ, thô tục, ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng. Tình trạng nói tục, chửi bậy, dĩ nhiên không chỉ “của riêng” Hà Nội, song Hà Nội là nơi đầu tiên trên cả nước kiên quyết xóa bỏ cách ứng xử thiếu văn hóa này.

Trong cuộc họp giao ban mới đây với lãnh đạo chủ chốt các sở, ngành, quận, huyện, Bí thư Thành ủy Hà Nội thẳng thắn chỉ rõ, người Hà Nội phải thấy xấu hổ khi để Thủ đô hay một xã, phường bẩn, không văn minh. Ông đề nghị cần hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi hành vi văng tục, chửi bậy cùng với tình trạng vu cáo trên mạng, hách dịch, cửa quyền nơi công sở.

Bộ quy tắc ứng xử cần phải đề ra những quy định yêu cầu cán bộ, công chức phải có ngôn ngữ giao tiếp chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc. Cũng chính vì vậy mà Bí thư Thành ủy đề nghị Báo An ninh Thủ đô mở riêng một chuyên mục, từ đó “Sống ở Hà Nội” đã ra đời để nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về những thói hư tật xấu đang tồn tại trong người Hà Nội, đồng thời khơi gợi, ngợi ca những nét đẹp trong lối sống và văn hóa ứng xử vốn đang bị khuất lấp. Mỗi cái hay, cái đẹp được lan truyền sẽ góp phần làm cho Hà Nội văn minh hơn lên, đẹp hơn lên. 

Là người Hà Nội thật tự hào nhưng cũng khó lắm, bởi cả nước đều nhìn vào, soi vào. Soi vào những mặt hồ, dòng sông, những tuyến phố đi bộ, những hàng cây phượng vĩ mới trồng, những cầu vượt, những tuyến đường mới mở... Nhất là soi vào từng lời nói, hành vi ứng xử của từng người. Làm sao cho xứng danh ngàn năm văn hiến.