Cả nước đồng lòng, chung sức cùng TP.HCM chống dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm cao độ dập dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất có thể. Trong cuộc chiến không khoan nhượng chống “giặc Covid-19” này, thành phố là trung tâm kinh tế lớn đang nhận được sự đồng lòng, chung sức ủng hộ mạnh mẽ của cả nước.
Bộ Y tế điều động 10.000 nhân viên phối hợp với lực lượng y tế của TP.HCM chống dịch Covid-19

Bộ Y tế điều động 10.000 nhân viên phối hợp với lực lượng y tế của TP.HCM chống dịch Covid-19

Giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ cần thiết

Có thể nói việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với TP.HCM là một quyết định rất khó khăn nhưng cần thiết và phù hợp trong lúc này, nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh, rất phức tạp của dịch bệnh. Bởi TP.HCM là một trong hai thành phố lớn nhất của nước ta với số dân lên tới hơn 9 triệu người (tính tới cuối năm 2020) và cũng là trung tâm kinh tế-xã hội hàng đầu cả nước, nên việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế-xã hội cũng như cuộc sống hàng ngày của người dân.

Biện pháp mạnh, quyết liệt trên được đưa ra trong bối cảnh, dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp và khó lường khiến TP.HCM không chỉ trở thành điểm nóng dịch bệnh lớn nhất cả nước mà có nguy cơ lây lan ra các tỉnh và thành phố khác, trước hết là các tỉnh và thành phố ở phía Nam. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.HCM, tới chiều 9-7, số ca mắc tại thành phố theo công bố của Bộ Y tế đã vượt ngưỡng 10.000 trường hợp, lên tới 10.2014 bệnh nhân Covid-19, Trong đó, có 9.963 trường hợp nhiễm trong cộng đồng và 251 trường hợp nhập cảnh. Số ca mắc mới ở TP.HCM không chỉ tại các khu cách ly hoặc khu đã được phong toả, mà còn nhiều ca trong cộng đồng, phải tiến hành điều tra dịch tễ.

Việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ vì thế là giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ để truy vết các ca F0, khoanh vùng dập dịch, chặn đứng những chuỗi lây lan của dịch bệnh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nhấn mạnh TP.HCMphải tận dụng triệt để những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để khống chế các ổ dịch.

Trong khi người dân ở TP.HCM chỉ được ra khỏi nhà khi có lý do chính đáng, lực lượng chức năng đồng thời triển khai khẩn trương các biện pháp nhằm phát hiện các ca bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng để truy vết, khoanh vùng, cách ly nhằm làm sạch địa bàn. Việc này được tiến hành với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả để làm tới đâu, sạch tới đấy, không để lây lan ra các khu vực khác.

Thực hiện giãn cách xã hội, việc lấy mẫu, sàng lọc để phát hiện các trường hợp F0 là rất quan trọng để TP.HCM trong 15 ngày có thể đạt mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh. Về việc lấy mẫu, Bộ Y tế đề nghị đối với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa), tiến hành lấy mẫu toàn bộ người dân 3 ngày/lần tại hộ gia đình để phát hiện sớm các trường hợp mắc Covid-19, nhanh chóng đưa các trường hợp mắc bệnh (F0), nghi ngờ mắc bệnh ra khỏi cộng đồng. Thực hiện gộp mẫu theo hộ gia đình hoặc tất cả những người sống trong cùng một phòng để xét nghiệm RT-PCR (lấy mẫu gộp chung vào một ống), có thể gộp mẫu 3 hoặc 5 đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh.

Đối với khu vực nguy cơ cao, tiến hành lấy mẫu toàn bộ người dân 7 ngày/lần (có thể tăng tần suất nếu cần) tại hộ gia đình, xét nghiệm mẫu gộp cùng một ống. Đối với các khu vực khác, cần thực hiện giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu đại diện thành viên của hộ gia đình.

Bộ Y tế cũng đề nghị với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa), các trường hợp F1 thực hiện cách ly tại nhà, không thực hiện cách ly tập trung. Nhà cách ly F1 phải có biển báo bên ngoài, có hàng rào mềm ngăn cách, bảo đảm theo dõi, giám sát chặt chẽ; toàn bộ thành viên trong nhà, gia đình không được phép đi ra ngoài.

“Tất cả vì TP.HCM”

Nhằm chia sẻ, chi viện cho TP.HCM chống dịch, Chính phủ, các bộ, ngành cũng như các địa phương khác đều đã và đang có những sự ủng hộ, chia sẻ, chi viện kịp thời, thiết thực và hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tinh thần “tất cả vì TP.HCM” và yêu cầu dành tất cả những gì tốt nhất cho Thành phố phòng, chống dịch. Thủ tướng sẽ đích thân tiếp tục sát cánh hàng ngày, các Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo các nhiệm vụ trong lĩnh vực được giao để TP.HCM thực hiện bằng được ưu tiên cao nhất lúc này là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, chống dịch hiệu quả, dứt khoát không để ai thiếu ăn, thiếu mặc và các nhu cầu tối thiểu, thiết yếu.

Bộ trưởng Bộ Y tế đã điều động 10.000 nhân lực y tế của các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ và các đơn vị địa phương khu vực miền Bắc, miền Trung để hỗ trợ lực lượng y tế TP.HCM chống dịch Covid-19. Ngày 9-7, Bộ Y tế đã cử 25 lãnh đạo các vụ, cục, viện, trường trực thuộc Bộ tới TP.HCMtham gia công tác chống dịch. Từ thực tiễn hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại Thành phố, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM, đề xuất, một số “điểm nóng” của Thành phố cần có từ 2-3 lãnh đạo các vụ/cục được Bộ Y tế điều động để phối hợp chỉ đạo công tác chống dịch, bao gồm: TP Thủ Đức, quận 8, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh.

Hiện công suất lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại TP.HCM đạt 350.000-400.000 mẫu/ngày, phù hợp với năng lực xét nghiệm của 20 đơn vị trên địa bàn Thành phố với thời gian trả mẫu xét nghiệm đang là 24 giờ, song, nỗ lực rút ngắn xuống còn 12 giờ. Cùng với đó, đáp ứng đề xuất của TP.HCM về hỗ trợ 500 người phục vụ công tác truy vết, Bộ Y tế đã điều động nhân lực của 2 trường là Đại học Y Thái Bình và Đại học Y Hải Phòng vào Thành phố thực hiện công việc này.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngành công thương xác định nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là phối hợp cung ứng đầy đủ hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người dân TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Bộ Công Thương đã lập Ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này do một Thứ trưởng đứng đầu, đồng thời cam kết phối hợp chặt chẽ cùng các địa phương cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống.

Bộ Giao thông - Vận tải đã có các hướng dẫn cụ thể về phân luồng, phân tuyến bảo đảm lưu thông hàng hóa và phòng chống dịch tại TP.HCM như cấp phù hiệu ưu tiên cho các xe vận tải theo hình thức trực tuyến bất kể ngày đêm; tạo “luồng xanh” không dừng nhưng lái xe phải đáp ứng quy định phòng, chống dịch, tiền kiểm tại nơi xuất hàng, hậu kiểm tại nơi nhận hàng, chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về các lái xe; ứng dụng công nghệ để giám sát hành trình, truy vết khi có vấn đề xảy ra…

Bộ Tài chính đang tích cực phối hợp, chỉ đạo các cấp, các cơ quan triển khai nhanh nhất các khoản chi thực hiện chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn theo Nghị quyết 68 của Chính phủ; bổ sung hơn 7.650 tỷ đồng mua thêm 61 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Bộ Y tế cho biết, trong tháng 7 sẽ có 8,7 triệu liều vaccine phòng Covid-19 về Việt Nam và sẽ ưu tiên cho TP.HCM và các tỉnh lân cận có dịch.

Cả nước đang sát cánh, chia sẻ và ủng hộ mạnh mẽ TP.HCM chống dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Tất cả vì sức khỏe của nhân dân và vì sự phát triển của TP.HCM”.