Cá nhân đóng dấu "mật" sai, gây thiệt hại sẽ phải bồi thường, xem xét trách nhiệm hình sự?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, TAND TP.HCM đã mở phiên xử sơ thẩm vụ án ông Nguyễn Thành Tài (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) và đồng phạm về Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. 

Tại phiên tòa, chủ tọa đã lưu ý hồ sơ vụ án có tài liệu mật nên đề nghị mọi người khi sử dụng phải đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, tại phiên tòa vụ Pharma buôn thuốc giả, chủ tọa cũng lưu ý trong hồ sơ vụ án có tài liệu đóng dấu mật, tuyệt mật.

Dưới góc dộ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định, bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Luật Tiếp cận thông tin cũng quy định công dân có quyền tiếp cận thông tin khi không thuộc các trường hợp: Thông tin thuộc bí mật nhà nước, gồm thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật; thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia; thông tin thuộc bí mật công tác...

Như vậy, việc xác định một thông tin, tài liệu là mật phải căn cứ theo pháp luật chứ không phải đưa ra một cách tùy tiện. Chỉ những thông tin thuộc các trường hợp quy định của Luật bảo vệ bí mật nhà nước mà nếu công khai có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc thì mới được xem là thông tin mật.

Tuy vậy, hiện vẫn có không ít trường hợp người đứng đầu cơ quan, nhà nước tùy tiện xác định một tài liệu nào đó là mật để cản trở việc tiếp cận thông tin cho cá nhân, tổ chức là trái với quy định của luật. Để giải quyết triệt để tình trạng này cần có biện pháp xử phạt, kỷ luật và buộc phải giải mật khi bị phát hiện việc công bố mật sai...Trường hợp đóng dấu mật sai gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường, thậm chí xử lý hình sự.

Bên cạnh đó, tại các phiên tòa xét xử công khai, cơ quan xét xử cần có hướng dẫn cụ thể để thống nhất trong việc sử dụng các tài liệu, văn bản mật (chưa được giải mật) đối với người bào chữa. Cụ thể, về hình thức, cách thức, phạm vi sử dụng văn bản ra sao cho đúng luật - Luật sư Lê Hồng Vân đề xuất.

Về giải mật bí mật nhà nước, theo Luật sư Hồng Vân, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 nêu rõ, bí mật nhà nước được giải mật toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp: Hết thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước quy định tại Điều 19 của Luật này (30 năm đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật; 20 năm đối với bí mật nhà nước độ Tối mật, 10 năm đối với bí mật nhà nước độ Mật) và thời gian gia hạn quy định tại Điều 20 của Luật này; Đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập, hợp tác quốc tế; Không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước thành lập Hội đồng giải mật. Hội đồng giải mật bao gồm đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng giải mật có trách nhiệm xem xét việc giải mật, báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước quyết định.

Bí mật nhà nước sau khi giải mật phải đóng dấu, có văn bản hoặc hình thức khác xác định việc giải mật; trường hợp giải mật một phần thì quyết định giải mật phải thể hiện đầy đủ nội dung thông tin giải mật...