Cả người bệnh lẫn bác sĩ ở Pakistan đều tuyệt vọng vì dịch Covid-19

ANTD.VN - Khi sự hỗn loạn vì đại dịch Covid-19 bao trùm lên Pakistan, với các bệnh viện, bác sĩ cũng tử vong và các ca nhiễm leo thang với tốc độ không thể kiểm soát, “chợ đen” về huyết tương xuất hiện. Không chỉ bệnh nhân, các bác sĩ ở đây cũng sắp tuyệt vọng khi hệ thống y tế trên bờ vực sụp đổ.

Cả người bệnh lẫn bác sĩ ở Pakistan đều tuyệt vọng vì dịch Covid-19 ảnh 1Bác sĩ ở khu vực cách ly đặc biệt tại Học viện Y khoa Pakistan ở Islamabad

Huyết tương của bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục hiện được bán với giá từ 200.000 đến 800.000 rupee (từ 1.200 đến 4.800 USD) cho những người đang tuyệt vọng tìm cách chữa trị. Nó chứa các kháng thể được hệ thống miễn dịch của những người đã nhiễm virus tạo ra. Đây là phương pháp điều trị virus mới được thử nghiệm trên khắp thế giới. 

Các bác sĩ tại các bệnh viện công ở Islamabad cho biết, họ đã chứng kiến  giao dịch giữa bệnh nhân và người môi giới bán huyết tương. “Các bệnh viện không liên quan nhưng tôi đã thấy các giao dịch ngay trước mắt”, một bác sĩ đề nghị không nêu danh tính nói. “Thông thường người nhà bệnh nhân sẽ tiếp cận một người đã hồi phục, đề nghị họ hiến máu. Khi thanh toán xong một số tiền thỏa thuận nhất định, họ đến một phòng thí nghiệm tư nhân và trích xuất huyết tương, sau đó tặng cho bệnh nhân. Vị bác sĩ ở bệnh viện tại Islamabad cho biết thêm, có trường hợp cả gia đình 5 người đều dương tính với virus SARS-CoV-2 và họ đã chi 3,5 triệu rupee cho huyết tương từ “chợ đen”. Họ tin rằng đó là một phương thuốc thần kỳ. 

Hiện các bệnh viện ở Islamabad cũng đã hết những loại thuốc quan trọng, chẳng hạn như dexamethasone, gần đây đã được chứng minh là giúp phục hồi Covid-19, cũng như bình oxy, vì chúng đã bị đánh cắp và hiện được bán với giá gấp 25 lần giá thị trường.

Hôm 18-5, Tòa án Tối cao Pakistan ra phán quyết dỡ bỏ lệnh phong tỏa vì virus Corona mới này không phải là đại dịch ở Pakistan. Tuy nhiên, tình hình ở Pakistan trở nên tồi tệ đến mức Tổ chức Y tế Thế giới đã phải thực hiện bước đi bất thường là gửi cho Chính phủ nước này hướng dẫn về việc tái lập lệnh phong tỏa do quốc gia này không đáp ứng bất kỳ điều kiện nào để nâng mức an toàn. Nhưng lệnh phong tỏa tạm thời ở Thủ đô Islamabad cũng như Lahore và Peshawar cũng chỉ được vài ngày rồi dỡ bỏ do lo ngại nó có thể gây tác động khiến nền kinh tế sụp đổ.

Một bác sĩ tại Học viện Y khoa Pakistan (PIMS), bệnh viện công lớn nhất ở Islamabad cho biết, ông không chỉ không được trả lương trong 4 tháng, mà còn là nạn nhân của thông tin sai lệch rằng, các bác sĩ làm cho bệnh nhân chết để Chính phủ nhận được tiền tài trợ từ các tổ chức quốc tế như WHO.

“Chúng tôi đã hết giường, tài nguyên, nhân lực, năng lượng. Một phụ nữ còn nhổ nước bọt vào tôi trong phòng cấp cứu vì không thể cứu sống con trai 16 tuổi của bà ấy vì suy hô hấp do Covid-19. Bà ấy hét lên “Các ông đã bán linh hồn của mình và giết chết con tôi”. Tôi không thể quên được nỗi đau đó”. Đến nay, hơn 7.000 bác sĩ và nhân viên y tế khắp Pakistan được chẩn đoán mắc Covid-19. Tất cả các bác sĩ lo ngại rằng nếu họ nhiễm virus, thậm chí chính họ cũng không có giường hay máy thở tại bệnh viện mà họ phục vụ. Thực tế, một bác sĩ ở Lahore đã chết vì không có giường bệnh cho mình.

Bác sĩ Faisal Zeeshan Ranjha, người điều hành Bệnh viện Razia Shafi ở thành phố Gujranwala của bang Punjab, cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã bị chính quyền ở Pakistan xử lý sai lầm và đánh giá thấp. Có 185.000 trường hợp dương tính nhưng con số thực tế phải là hàng triệu. Cứ 3 bệnh nhân thì 1 người có triệu chứng. Không có chương trình xét nghiệm, dữ liệu thống kê hay kế hoạch ứng phó. Chúng tôi thậm chí không biết khi nào sẽ tới đỉnh dịch”.