Cả một thời thanh xuân nhiệt huyết và sôi nổi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày đầu đến với nghề báo, tôi hoàn toàn bỡ ngỡ và cũng không nghĩ sẽ gắn bó lâu dài. Nhưng ngờ đâu tôi đã dành cả một thời thanh xuân nhiệt huyết và sôi nổi ở Báo An ninh Thủ đô.
Nhà báo Khánh Huyền

Nhà báo Khánh Huyền

Bạn bè tôi sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ngành Văn học, 3/4 là làm giáo viên dạy Văn, chỉ có số rất nhỏ làm báo và truyền thông. Làm báo là một nghề vất vả, nhiều rủi ro và nguy hiểm. Đối với phóng viên nữ thì càng chịu nhiều áp lực hơn. 10 năm làm phóng viên tại Ban Cuối tuần, áp lực lớn nhất đối với chúng tôi lúc đó là hàng tuần làm gì? Viết gì? Chuyên mục mà chúng tôi “sợ” nhất là “Phóng sự”. Để hoàn thành bài viết, tôi đã phải đến nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc như Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Nam Định, Hà Nam… Lần đi bằng xe máy, lần đi bằng xe khách và hầu hết đều tác nghiệp… một mình. Tuy có vất vả nhưng niềm vui bù lại là thở phào nhẹ nhõm khi hoàn thành công việc, khi bài viết lên trang.

10 năm làm ở Ban Cuối tuần, chúng tôi không có ngày nghỉ thứ bảy. Vì đó là ngày làm việc “căng” nhất, từ 9h sáng đến 24, 1h sáng hôm sau là chuyện bình thường. Sang ngày chủ nhật được nghỉ thì chỉ muốn ngủ vì… quá mệt. Tuy nhiên, đến sáng thứ hai lại bắt đầu một tuần mới với áp lực làm gì? viết gì? Cứ như thế thời gian qua đi, tôi thấy yêu nghề, say nghề từ lúc nào không biết!

Nghề báo cũng có những niềm vui mà tôi nghĩ không phải nghề nào cũng có được - đó là sự mới mẻ, không lặp lại sau mỗi ngày, mỗi tuần - đó là sự thú vị khi được gặp gỡ, nói chuyện với những người có rất nhiều điều đáng để học hỏi - đó là niềm vui khi bài viết lên trang, “ngắm nghía” “đứa con tinh thần” của mình. Sau 16 năm gắn bó với nghề, tôi nghiệm ra rằng, bài viết càng được “đầu tư”, khó khăn vất vả khi thực hiện bao nhiêu thì càng dễ viết và viết hay bấy nhiêu.

Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là năm 2013, khi viết về anh Phạm Văn Nhuận, ở khu Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội. Năm 1980, khi còn là một chiến sĩ Công an mới 20 tuổi, vì cứu một người phụ nữ mang thai trên đường ray mà anh đã trở thành người tàn phế, mất đi cả hai chân với thương tật 81%. Cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả khi mọi lo toan kinh tế dồn lên đôi vai người vợ. Khi bài viết lên trang, trong một lần gặp lại, tôi rất mừng khi được biết nhờ có bài báo, một Mạnh Thường Quân đã mời anh đến làm việc với chế độ đãi ngộ tốt. Cuộc sống gia đình anh cũng vì thế đỡ khó khăn hơn. Niềm vui không ngờ nữa là trong lần trao giải báo chí viết về gương “Người tốt - Việc tốt” của thành phố năm 2014, bài viết đã đoạt giải Nhì.

Một lần khác nữa là khi mang thai được 3 tháng thì tôi đi Bắc Giang làm phóng sự với một đồng nghiệp. Chúng tôi đi bằng xe máy, không ngờ đường quá xấu, cứ xóc lên xóc xuống. Ngồi sau mà người tôi nhảy tưng tưng. Nói thật lúc đó tôi đã khá lo, không biết sau chuyến đi còn giữ được em bé hay không? Bây giờ, khi chuyển về làm phóng viên Ban Điện tử - Truyền hình tôi lại phải đối mặt với một áp lực khác là làm sao tin bài phải nhiều “view”. Muốn thế thì phải tìm hiểu bạn đọc quan tâm đến điều gì, thích đọc cái gì. Và quan trọng nhất là phải làm sao thông tin nhanh, chính xác, hấp dẫn…

Bạn bè tôi nhiều người đã hỏi: Sao có thể gắn bó làm ở một nơi lâu dài đến thế, không thấy chán sao? 16 năm đương nhiên cũng có những lúc mỏi mệt, chán nản nhưng tôi lại nghĩ nghề nào cũng vậy, cũng có lúc thuận lợi, lúc khó khăn. Chỉ cần cố gắng vượt qua, từng ngày, từng ngày thì mọi thứ sẽ trở nên đơn giản, dễ dàng hơn. Với nghề báo, điều cần nhất là đam mê, sự nhiệt huyết, nếu không có nó thì khó có thể trụ vững với nghề.