Cá cũng bị gây mê ở Trung Quốc: Người dân không biết ăn gì

ANTĐ - Sau thịt bò được làm giả từ thịt lợn, thịt lợn chứa chất tạo nạc độc hại, trứng gà cao su, người tiêu dùng Trung Quốc giờ đây đang phải đối mặt với nguy cơ “không biết ăn gì” khi những bí mật mang tính “nội bộ” trong ngành kinh doanh thủy hải sản - những con cá bị “gây mê” cuối cùng cũng được công khai.

Những lọ thuốc gây mê được đổ vào thùng cá trước khi 

bốc dỡ xuống chợ hải sản Bắc Kinh

Những lọ thuốc màu đen

Cá song (còn gọi là cá mú) có ở hầu hết các sạp buôn cá ở chợ hải sản lớn nhất Bắc Kinh với giá 120NDT/kg (gần 400.000 VND). Mỗi ngày, có chừng 2,5 tấn cá song được đưa từ tỉnh Sơn Đông đến, quá nửa trong số đó được chuyển tiếp đến các tỉnh phía bắc, còn lại tỏa đi tất cả các chợ bán lẻ trong thành phố. 

Đặng Ngọc Hàn, nhân viên cung ứng thực phẩm tại một nhà hàng lớn ở Bắc Kinh, hàng ngày đều đến chợ hải sản này mua cá sống cho biết, từng nhiều lần nhìn thấy những người bốc dỡ hàng trên các xe cá xuống chợ này cho một thứ dịch thể trong suốt vào các thùng cá, tuy nhiên không biết đó là chất gì. Hành vi này sau đó đã được phóng viên báo “Pháp luật buổi tối” chứng kiến tận mắt: Khi xe cá được đưa đến chợ, nhân công không vội bốc dỡ xuống ngay mà lấy một lọ nhỏ màu đen đổ vào trong các thùng cá, sau đó chờ khoảng 10 phút mới dỡ hàng.

Qua quan sát bằng mắt thường có thể thấy cá khi còn trên xe quẫy rất mạnh, song đến khi được đưa xuống đều bơi rất nhẹ và “hiền lành”, thậm chí trông như đã chết. Một nhân công bốc xếp hàng cho biết, đó là do cá trên thùng chưa ngấm “thuốc mê”, còn khi đưa xuống thì “thuốc đã phát huy tác dụng”.

Tại một xe cá, phóng viên cũng tìm được thuốc mê dùng cho cá. Đây là loại thuốc dạng lỏng đóng lọ, mỗi hộp 10 lọ 20ml, in nhãn “Xi măng nha khoa Eugenol”, do Công ty Thiết bị y tế Thượng Hải sản xuất, ghi thành phần gồm kẽm oxit, eugenol (tinh dầu đinh hương) và colophan (nhựa thông). Mùi nhựa thông trong các lọ đã dùng hết vẫn rất đậm đặc, tay cầm vào phải rửa vài lần bằng xà phòng mới hết mùi. Theo Giáo sư Đổng Văn thuộc Đại học Y Trung Quốc, eugenol được sử dụng với một lượng rất nhỏ nhằm gây mê, giảm đau trong quá trình điều trị các bệnh về răng miệng. Nếu dùng quá lượng cho phép, sẽ gây ra các triệu chứng như choáng váng, buồn nôn, chóng mặt. Trong khi đó, lượng eugenol được những người bốc vác cho vào thùng cá hoàn toàn dựa trên cảm tính chứ không hề có sự đo lường cẩn thận. 

Dù những tác hại lâu dài của thuốc gây mê được dùng cho cá lên cơ thể con người vẫn hiện chưa được làm rõ, song thông tin này đã khiến người tiêu dùng không chỉ ở Bắc Kinh cảm thấy hoang mang. Trần Thanh Viễn, một người dân ở thành phố này đã lắc đầu khi được hỏi có biết gì về cá bị gây mê không. “Nếu biết thì chắc chắn tôi không dám mua về ăn nữa”, chị Viễn tỏ ra lo lắng.  

“Bí mật” kinh doanh

Một chủ bán cá cho biết, cá song là loài cá biển rất hiếu động, khi bốc dỡ hàng dễ quẫy mạnh gây ra các thương tích cho chính nó và đồng loại trong thùng. Cá bị thương sẽ khó giữ được lâu, thậm chí chết, gây thiệt hại cho người kinh doanh, vì vậy việc đánh thuốc mê sẽ giúp tránh những rủi ro khi bốc xếp. Không chỉ vậy, trong quá trình vận chuyển đường dài, cá cũng đã được gây mê, thay cho phương pháp sục oxy vốn đòi hỏi chi phí cao hơn. “Cá được gây mê khi vận chuyển sẽ tỉnh lại hoàn toàn khỏe mạnh khi đến nơi, giảm được 10% tỷ lệ chết hoặc bị thương trên đường đi”, Trương Bảo, một người buôn cá đến từ Hà Bắc cho hay.

Nhắc đến việc “gây mê” cá, ông Diệp, Hội trưởng Hiệp hội Bán buôn thủy sản Bắc Kinh tỏ ra không mấy xa lạ. Ông cho biết, quãng đường vận chuyển cộng với yếu tố địa hình, thời tiết có thể khiến cá chết quá nửa. Chính vì vậy, người kinh doanh đã nghĩ ra việc dùng chất eugenol để gây mê cho cá, không ngờ hiệu quả ngoài tưởng tượng, do đó phương pháp gây mê hóa học được sử dụng phổ biến như hiện nay. “Việc dùng chất gây mê hóa học trong ngành thủy hải sản đã có từ 4-5 năm nay, vì người tiêu dùng không biết nên mới lo lắng chứ chúng tôi chưa thấy có vấn đề gì”, ông Diệp nói, đồng thời so sánh chất gây mê cho cá cũng giống như thuốc phòng sâu bệnh trên trái cây, khi rửa đi là “không nguy hại”. Cũng theo ông này, hiện nhiều chất bảo quản bị cấm sử dụng bừa bãi trong ngành thực phẩm, tuy nhiên đối với ngành thủy sản thì chưa có quy định cụ thể “cấm dùng chất gây mê khi vận chuyển”. 

Theo một đại diện Công ty Thiết bị y tế Thượng Hải, việc kinh doanh eugenol phải có giấy phép của các cơ quan liên quan đến y tế, nên công ty không biết về nguồn eugenol được dùng trong kinh doanh thủy hải sản. Tuy nhiên khi tra trên mạng internet, thấy eugenol được bán rất thoải mái, trong đó bao gồm cả loại có mẫu mã như lọ thuốc gây mê tìm thấy ở chợ hải sản Bắc Kinh, có giá 10NDT/ hộp 10 lọ. 

Khi được hỏi về điều này, một nhân viên thuộc Trung tâm tư vấn Cục Giám sát thực phẩm, dược phẩm Nhà nước Trung Quốc khẳng định, về nguyên tắc thì “xi măng nha khoa eugenol” chỉ được dùng trong điều trị nha khoa, không được phép dùng cho thực phẩm. Phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Bắc Kinh cũng cam kết sẽ cho “điều tra cụ thể và xử lý nghiêm túc nếu có hiện tượng trên”.