Buýt đường sông: Còn chậm triển khai

ANTĐ - Phát triển giao thông đường thủy được xem là một trong những hướng giải quyết tình trạng quá tải, thường xuyên ùn tắc giao thông trên hệ thống giao thông đường bộ ở TP.HCM. UBND thành phố nhiều năm qua đã cho phép một số công ty tham gia nghiên cứu và đề xuất phương án thí điểm các tuyến vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đường sông, nhưng mọi việc đến thời điểm này, người thì bỏ, người kiên trì thì dự án vẫn trên… giấy.

Phát triển buýt đường sông là một lợi thế của TP.HCM

Với lợi thế có gần 1.000km sông rạch trong đó đường thủy nội địa dài 574,1km với 87 tuyến, TP.HCM có thể triển khai hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng đường sông (buýt đường sông) trên các chặng từ Phú Mỹ Hưng (quận 7) theo tuyến rạch Đỉa, rạch Ông Lớn, kênh Tẻ về sông Sài Gòn sau đó ngược kênh Thanh Đa, sông Vàm Thuật (quận Bình Thạnh) dừng lại ở điểm cuối tuyến là cầu An Lộc (quận 12). Với hệ thống liên tỉnh, có thể kết nối sông Sài Gòn qua sông Đồng Nai tới Biên Hòa, Trị An (Đồng Nai). Đây là bài toán giải quyết tốt tình trạng kẹt xe hàng ngày tại các tuyến cửa ngõ thành phố tuyến xa lộ Hà Nội, xa lộ Đại Hàn, Quốc lộ 52 và Quốc lộ 1A…

Sau nhiều năm hoạch định dự án, rất nhiều nhà đầu tư đã bỏ cuộc vì chi phí đầu vào quá lớn, đầu ra chẳng thấy đâu! Chỉ còn Công ty CP Tứ Hải và Công ty Thường Nhật trụ lại và UBND thành phố đã cho phép 2 đơn vị này thí điểm buýt trên sông. Tuy nhiên Công ty Tứ Hải thì vẫn nghiên cứu dự án và cuối năm 2011 mới quyết định đầu tư hay không… Công ty Thường Nhật kiên trì, quyết tâm hơn, đã trình đề xuất tuyến số 1 từ phường Linh Đông (Thủ Đức) với các trạm Bình Quới, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh, Thảo Điền, Tân Cảng, Nguyễn Hữu Cảnh; tuyến số 2 lộ trình Bến Nghé - Tàu Hũ dừng đón trả khách tại các vị trí có cầu đi bộ dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt. Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Thường Nhật cho biết, để có thể đưa 2 tuyến buýt đường sông hoạt động, công ty phải đầu tư hệ thống bến tàu, các trạm chờ đồng thời kết nối với đường bộ, chi phí lên đến trăm tỷ đồng, chưa kể… trượt giá, xăng dầu biến động, giá vé không thể thấp hơn 15.000đ/người.

Song với giá vé quá cao so với mặt bằng chung của VTHKCC, UBND TP.HCM đã đành gác lại dự án. Giám đốc Sở GTVT, ông Trần Quang Phượng cho biết: Thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân đường bộ của đa phần cư dân thành phố, để họ đi xe buýt với giá 3.500 đ/người đã là khó, với mức giá cao gần gấp 5 lần, lượng hành khách đến với buýt đường sông càng khó. Trong khi đó, thành phố lại đặt yêu cầu hàng đầu là buýt đường sông phải hướng đến góp phần giải tỏa, san sẻ gánh nặng cho VTHKCC đường bộ, tức là nhắm tới mục đích xã hội dân sinh. Vì thế lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích của thành phố, chưa đồng thuận. Vấn đề nan giải nhất hiện nay là các dự án khơi thông, nạo vét luồng lạch, kè bờ, nâng cầu cống thuộc hệ thống giao thông thủy nội địa của TP.HCM cũng đang giậm chân tại chỗ, chưa kể kinh phí đầu tư giải tỏa hàng nghìn hộ dân đã làm nhà lấn chiếm kênh rạch vẫn chưa biết lấy từ đâu...

Nếu đưa buýt đường sông vào hoạt động, TP.HCM sẽ tiết kiệm gần 1,5 triệu USD/ngày do tình trạng kẹt xe, tắc đường gây ra. Ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý đường thủy - Sở GTVT TP.HCM chia sẻ: Khai thác VTHKCC giúp tiết kiệm đến 40% thời gian so với đường bộ trong thành phố, nhiều khu dân cư, khu đô thị cao cấp ven sông Sài Gòn hay các chủ doanh nghiệp ở các KCN-KCX ngoại thành cũng đã mua tàu, thuyền đưa rước cư dân, công nhân trên các tuyến sông.

Vì thế, để buýt sông thí điểm thành công, UBND TP nên có chính sách trợ giá thời gian đầu, doanh nghiệp nếu được thí điểm cần “chẻ” nhỏ giá vé tùy theo cự ly hành trình để phù hợp với “sức mua” của khách, khoảng 4.000-5.000đ/người/lượt, qua đó khuyến khích người dân làm quen với phương tiện VTHKCC mới này. Thạc sỹ Nguyễn Tấn Hùng - chuyên gia tư vấn Công ty CP Tứ Hải cho rằng: Để phát triển được mô hình buýt sông, ngoài việc nạo vét bùn đất, xử lý ô nhiễm các tuyến để hành khách đi trên sông không phải ngửi mùi nước kênh hôi thối, ngành giao thông cũng phải làm sao giữ ổn định độ sâu luồng kênh rạch, mở đường giao thông ven sông, rạch nối thông với các tuyến đường nội thành, có vậy mới thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của người dân.