Bút thông minh có thông minh?

ANTĐ - Hàng chục nhãn hiệu với những lời quảng cáo “trên mây” đã khiến các bậc phụ huynh như đứng trước mê hồn trận các loại bút thông minh. Chọn loại nào? Liệu bút có “thần kỳ” như quảng cáo? Chất lượng của bút ra sao?... là những câu hỏi mà nhiều phụ huynh băn khoăn, trong khi giá thành của bút thông minh không hề rẻ.

Được một nhãn hiệu bút thông minh (hay bút chấm đọc) tiếp thị đến tận trường tiểu học của con với những lời giới thiệu rất nhiều tác dụng như giúp bé học tiếng Anh, chơi trò chơi, học hát, học đàn, kể truyện… nên chị Minh An (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) sau một hồi phân vân đã quyết định mua bút với giá 1.900.000 đồng. Thời gian đầu bé rất thích nhưng càng dùng chị càng phát hiện một số hạn chế của bút, chẳng hạn một số từ bút phát âm không rõ ràng hoặc bị lỗi, dung lượng bút rất lớn nhưng chủ yếu là nhạc, kể truyện còn học tiếng Anh rất ít, chỉ học mấy tháng là hết, đầu từ của bút dùng lâu có vẻ không được “nhạy” nữa nên rất tậm tịt.

Trường hợp anh Nguyễn Tiến Trung (Láng Hạ, Đống Đa) lại khác. Sau khi tìm hiểu các loại bút khác nhau, anh quyết định đặt mua trên mạng một chiếc bút thông minh được quảng cáo khá nhiều, giá thành xấp xỉ 2.000.000 đồng. Nhưng trớ trêu thay, khi mang về sử dụng anh mới “ngã ngửa” vì bút toàn nói bằng giọng miền Nam. Chưa biết chất lượng thế nào nhưng chỉ vấn đề này thôi anh đành “vứt xó” chiếc bút, chỉ thỉnh thoảng đem ra cho con nghịch hay nghe nhạc.

Có thể thấy, sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại bút thông minh, trong khi thông tin có được mới chỉ dừng lại ở những lời quảng cáo của nhà phân phối đã khiến các bậc phụ huynh “hoa mắt”, không biết nên mua bút không và chọn bút như thế nào. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện trên thị trường có rất nhiều loại bút thông minh như Popodoo Kid, Open, Kid talk, Tot talk, Smart talk, Touch talk, Eseay Talk... Giá cả cho những chiếc bút này cũng rất phong phú, dao động từ trên 1 triệu đến xấp xỉ 4 triệu đồng.

Anh Trần Hòa, nhân viên một công ty phân phối bút thông minh cho biết: Nguyên lý của Bút chấm đọc đó là chấm và đọc theo. Tất cả các hình ảnh và câu chữ đều có các ký tự mã hóa của nó và khi mắt đọc thông minh của bút nhận diện ra mã đó thì sẽ phát ra âm thanh theo lập trình sẵn có.

Hiện nay, có hai loại công nghệ chấm đọc khác nhau. Loại thứ nhất là khi bạn muốn sử dụng một sách nào đó để chấm đọc thì bắt buộc bạn phải thông qua một mã nguồn tổng trên quyển sách đó, sau đó thì mới chấm đọc được. Khi chấm sang một quyển sách khác thì bút không đọc được. Loại này hiện phổ biến nhất trên thị trường Việt Nam nhưng khiến các bé khó sử dụng. Loại thứ hai có vẻ “thông minh” hơn, dễ sử dụng hơn khi nhận diện được tất cả các hình ảnh và câu chữ trong cuốn sách cần đọc. Dòng sản phẩm này được quảng cáo là sử dụng công nghệ mới nhất từ Nhật Bản, Hàn Quốc và giá thành cũng không hề rẻ (khoảng 3.500.000 đồng).

Cũng theo anh Hòa, hiện nay các loại bút thông minh chất lượng ra sao và cách dùng của người mua như thế nào vẫn chưa có một kiểm tra chính xác. Nhiều thiết bị tốt nhưng người dùng chưa biết cách sử dụng đôi khi gây tác dụng ngược lại. Chẳng hạn nếu cha mẹ sát sao, cùng chơi và hướng dẫn con cách học với bút thì bé sẽ thích thú và học có hiệu quả. Nhưng ngược lại, nếu cha mẹ nghĩ bút là “thần kỳ”, có thể thay phụ huynh, thay cô giáo thì rất có thể dẫn đến trẻ chóng chán, bị “học vẹt”. Vì vậy, khi cha mẹ mua sản phẩm gì thì phải tìm hiểu kỹ nhu cầu và khả năng đáp ứng của bút, cách sử dụng hiệu quả nhất…

Rõ ràng hiện nay, đánh vào tâm lý của các bậc phụ huynh, nhiều đồ chơi, thiết bị giáo dục đã gắn thêm chữ “thông minh” vào để hút khách. Tuy nhiên, sản phẩm dù thông minh đến mấy thì cũng chỉ là phương tiện học tập. Biết sử dụng phương tiện ấy đúng cách thì nó phát huy tác dụng, nhưng ngược lại thì nó cũng gây nên lãng phí, thậm chí phản tác dụng. Cũng không loại trừ những trường hợp “treo đầu dê, bán thịt chó” khiến khách hàng bị thiệt thòi.