“Buồng văn” của Phong Thu

ANTĐ - 80 xuân, nhà văn  Phong Thu vẫn đều đặn viết. Sức khỏe và tuổi già không cho phép ông viết những tác phẩm dài hơi, mà chủ yếu là viết bài cho các báo. Đều đặn hàng tuần, ông vẫn ngồi cặm cụi viết trong căn phòng trên tầng 5 của khu tập thể cũ kỹ ở phố Trương Hán Siêu (Hà Nội).

“Buồng văn” của Phong Thu ảnh 1
Số báo in có bài đầu tiên vẫn được nhà văn Phong Thu giữ cẩn thận


Chiếc hòm gỗ trong “buồng văn”

Suốt hơn 30 năm nay, Phong Thu gắn bó với căn phòng trên tầng 5 này. Ngày trước khi ông còn trẻ, khỏe, leo lên tầng 5 không là vấn đề gì, thậm chí cũng là cách tập thể dục. Nhưng giờ tuổi già đến, tầng 5 nhiều khi lại thành “nhược điểm”. Căn nhà tập thể nhỏ, ông dành riêng cho mình một phòng… nhỏ nhất, chỉ chừng 4m2. Ở đó ngoài chiếc giường một, còn có chiếc giá sách với hàng nghìn tựa sách, đó là còn chưa kể số sách ông gửi dưới nhà con gái ở Trung Tự. Trong “buồng văn” của mình, Phong Thu thuộc lòng từng ô sách, chỗ nào là sách ông đang đọc, chỗ nào sách tham khảo, tra cứu, ô nào là những cuốn sách ông là tác giả, và góc nào là chỗ để lưu các tập bản thảo… 

Khác với nhiều văn nghệ sĩ khác, Phong Thu là người giữ nếp sống chỉn chu. Tính cách này ông rèn được một phần chính là bởi những năm tháng làm nghề giáo dạy trên Mai Châu - Hòa Bình. Sau này chuyển sang làm báo Thiếu niên Tiền phong, sự cẩn thận lại càng là một đặc tính cần thiết, để tránh xảy ra sơ sót. Nhưng có thể nói, đối với các nhà văn thì ít ai có được sự cẩn thận như Phong Thu. Đến nay, tờ báo Thiếu niên Tiền phong đăng bài báo đầu tay ký tên Phong Thu, ông vẫn giữ. Cuốn sách đầu tiên “Đi tìm việc tốt” NXB Kim Đồng in năm 1966, được trả 7 đồng nhuận bút ông vẫn để riêng trong túi nilon mà bất cứ ai muốn nhìn “vật chứng”, Phong Thu cũng có thể mang ra. Phong Thu có thói quen gìn giữ cẩn thận tất cả những gì mình viết ra. Ông có thể nhắm mắt là lấy chính xác vật dụng mình cần. 

Đặc biệt, trong “buồng văn” còn giữ chiếc hòm gỗ xoan. Chiếc hòm nhỏ gỗ này từng là vật bất ly thân của ông từ năm 1956, gắn bó với những ngày đi dạy học ở vùng sơn cước. Dù sau đó chuyển sang làm báo, rồi sơ tán, rồi chạy bom B52… nhưng Phong Thu vẫn giữ rất cẩn thận. Nhiều lần đến, tôi thấy ông còn kê chiếc hòm gỗ trên giường cá nhân để xếp bằng ngồi viết. Từ chiếc “bàn văn” độc đáo này, hàng nghìn bài báo, thơ và truyện ngắn của Phong Thu đã ra đời. “Tôi quý chiếc hòm này lắm”, Phong Thu nói và cười mủm mỉm. Tò mò với chiếc hòm gỗ có một không hai này, có lần tôi xin phép nhà văn Phong Thu “khám” bên trong. Ngoài mấy bộ quần áo, chiếc áo mưa ai đó tặng chưa dùng, chiếc quạt giấy, mấy cuốn sổ tay, Phong Thu còn viết trên mặt hòm (bên trong) hai câu thơ: “Một kiếp văn chương say đắm thế/ Mấy đời cơm áo… hết hồn tôi”. Nghe nói, Bảo tàng Hội Nhà văn Việt Nam đã “chấm chọn” để lưu giữ. 

Viết tay và… lót giấy than

Có lẽ trong giới cầm bút nước mình, ít ai còn giữ thói quen viết tay và lót tờ giấy than bên dưới như nhà văn Phong Thu. Cách viết này từng rất phổ biến hồi trước, khi máy photo copy chưa xuất hiện, và các nhà văn cũng chưa biết máy vi tính là gì. 

Hàng nghìn bài báo, và mấy chục đầu sách của Phong Thu đã được viết tay, lót giấy than bên dưới như thế. Thậm chí, có khi ông lót hai lượt giấy than, để có được 2 bản lưu, nhỡ gửi đi mà ai đó làm thất lạc. Gần đây, Phong Thu thỉnh thoảng vẫn duy trì cách làm này, “không triệt để vì con cái có thể hỗ trợ mình đánh máy vi tính rồi”, Phong Thu nói. Nhưng trong “buồng văn” của mình, ông vẫn giữ nhiều thếp giấy than đã qua sử dụng.

80 tuổi, hàng ngày nhà văn Phong Thu vẫn miệt mài viết báo. Viết với ông cũng là sự “tập thể dục” cho đầu óc thư thái, trẻ trung. Ngoài viết và cộng tác với các báo thiếu nhi như Nhi đồng, Chăm học,… nhà văn Phong Thu vẫn đều đặn cộng tác với nhiều tờ báo khác, trong đó có An ninh Thủ đô và chuyên đề Hạnh phúc Gia đình của báo Phụ nữ Việt Nam. 

Nhà văn Phong Thu có 3 người con, nhưng không ai… theo nghề văn cả. Tôi hỏi điều ấy có khiến ông buồn không? Phong Thu mủm mỉm cười, không chút đắn đo: “Nói chung mình không suy nghĩ gì. Cũng không buồn, không vui”. Mới rồi ông đã nộp bản thảo tập sách “Những truyện ngắn hay viết cho thiếu nhi” cho NXB Kim Đồng để in vào bộ sách cùng tên của nhiều nhà văn nổi tiếng.

Thực tế từ… quán bia

Hôm rồi bất ngờ gặp Phong Thu đang lững thững đi bộ trên phố Quang Trung, tôi thấy mừng. Là bởi có một lần, leo bộ cầu thang 5 tầng lên tìm ông, mới hay suốt mấy tháng liền ông ốm, nằm viện thuốc men. Mấy tháng đó, Phong Thu, không nhìn thấy phố cũng không bước chân xuống phố. Cũng vì ốm, các con ông cương quyết không cho ông động gì đến viết. Bệnh tật, không đi xuống phố được, không viết được, vì thế bữa ấy nom ông càng ốm hơn.

Nhớ hồi còn khỏe, tôi thường hay gặp Phong Thu ngồi một mình uống bia hơi ở cái quán nhỏ trên phố Trần Quốc Toản. Mỗi khi đi ngang, kiểu gì Phong Thu cũng kéo vào uống với ông một cốc. Ông bảo, với ông uống chỉ là phụ, vì ông đâu có thích “trăm phầm trăm hết cốc này tới cốc khác”. Một cữ ngồi của ông, uống đến cốc thứ 3 là cùng. Với Phong Thu, xuống quán bia cũng là một cách đi thực tế. Vì mỗi lần ngồi góc quán đó, ông quan sát, chiêm nghiệm cuộc sống. Để sau đó, những câu chuyện, cung cách con người ứng xử với nhau sẽ xuất hiện trong những bài báo của ông, cũng có khi đi vào những trang truyện viết cho thiếu nhi…

Tin cùng chuyên mục