Bước leo thang nguy hiểm tạo nguy cơ xung đột ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Trung Quốc thông qua luật cho phép lực lượng Hải cảnh nước này nổ súng vào các tàu nước ngoài được xem là bước leo thang nguy hiểm, tạo nguy cơ xung đột lớn hơn ở Biển Đông vốn đang căng thẳng do các hành vi quân sự hóa của Bắc Kinh.
Với sự hung hăng, tàu Hải cảnh Trung Quốc được xem là hung thần ở Biển Đông

Với sự hung hăng, tàu Hải cảnh Trung Quốc được xem là hung thần ở Biển Đông

Trung Quốc lại đe dọa an ninh ở Biển Đông

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc ngày 22-1 vừa qua đã thông qua Luật Hải cảnh, “bật đèn xanh” cho lực lượng hải cảnh Trung Quốc được phép sử dụng “tất cả biện pháp cần thiết để ngăn chặn mối đe dọa từ các tàu nước ngoài”. Theo đó, chính thức cho phép lực lượng hải cảnh quy mô lớn của Trung Quốc sử dụng vũ khí trong trường hợp mà Bắc Kinh cho là tàu nước ngoài “có hoạt động bất hợp pháp” trong vùng biển mà nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Luật Hải cảnh vừa thông qua của Trung Quốc liệt kê hàng loạt trường hợp lực lượng này có thể sử dụng các loại vũ khí đối với tàu thuyền nước ngoài, từ vũ khí cầm tay cho tới vũ khí hạng nặng được bắn, phóng từ tàu hoặc từ trên không. Luật mới cũng cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc phá hủy công trình mà Bắc Kinh gọi là “nước khác xây dựng trên các bãi đá ngầm” và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc đơn phương đưa yêu sách chủ quyền phi lý và phi pháp.

Luật Hải cảnh còn cho phép hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ khí để “chống lại các tàu không tuân thủ những quy định về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Luật này cũng cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc thiết lập tạm thời các vùng cấm di chuyển với lý do để “ngăn tàu thuyền và người xâm nhập”…

Luật Hải cảnh được thông qua trong bối cảnh tàu hải cảnh Trung Quốc đang gia tăng hiện diện ở nhiều vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền, đặc biệt là ở Biển Đông. Không chỉ có vậy, các tàu hải cảnh to lớn của Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng, liên tục có những hành động phi pháp, quấy rối tàu thuyền của một số nước trong khu vực, trong đó có tàu của ngư dân Việt Nam, thậm chí đâm chìm tàu cá Việt Nam đang hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.

Ngay từ khi Luật Hải cảnh mới là dự luật vừa được công bố, Bộ Ngoại giao Việt Nam vào đầu tháng 11-2020 đã một lần nữa nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam luôn ủng hộ giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Chính vì thế, việc Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh đã gây lo ngại sâu sắc, nhiều chuyên gia quốc tế và các cơ quan truyền thông uy tín lập tức lên tiếng về vấn đề này. Trong đó cho rằng, Luật sẽ “bật đèn xanh” cho lực lượng hải cảnh Trung Quốc, bằng những hành động hung hăng và manh động của mình đã bị xem như là “hung thần trên biển”, càng trở lên hung hăng và có những hành vi nguy hiểm hơn cho tàu thuyền các quốc gia khác, nhất là những tàu thuyền hoạt động trên Biển Đông đang căng thẳng bởi hành vi quân sự hóa của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách đòi chủ quyền phi lý và phi pháp theo “đường lưỡi bò” và thuyết “Tứ sa”.

Hợp tác đối phó mối đe dọa chung

Bởi trên thực tế, cùng với việc ngày càng ráo riết hơn hòng đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng ngày càng hung hăng hơn nhằm hiện thực hóa những yêu sách này. Những hành động dùng sức mạnh để đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc càng đáng lo ngại và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn sau khi yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc bị Tòa trọng tài thường trực (PCA) căn cứ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), bác bỏ hồi tháng 7-2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines.

Trung Quốc kể từ đó không chỉ phớt lờ phán quyết của PCA mà còn thường xuyên điều động tàu hải cảnh cùng nhiều loại tàu vũ trang trá hình khác tiến hành các hành vi xâm phạm chủ quyền hợp pháp của các quốc gia ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Đội tàu hải cảnh đông đảo với gần 200 tàu các loại cùng biên chế khoảng 20 nghìn người cùng các tàu vũ trang khác của Trung Quốc đã hộ tống hay trực tiếp tiến hành các hoạt động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của các quốc gia khác ở Biển Đông.

Do vậy, theo giới phân tích, việc thông qua Luật để trao cho lực lượng hải cảnh Trung Quốc quyền được sử dụng vũ lực trong nhiều trường hợp hơn đi kèm với mức độ bạo lực cao hơn chắc chắn sẽ tiềm ẩn rủi ro gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, thậm chí có thể dẫn tới xung đột vũ trang. Trong đó, có việc làm gia tăng rủi ro đụng độ quân sự giữa các tàu các quốc gia khác hoạt động ở Biển Đông với tàu hải cảnh cũng như tàu vũ trang khác của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc trang bị thêm “móng vuốt” cho lực lượng Hải cảnh nước này có thể buộc những quốc gia khác, trước hết là các quốc gia trong khu vực cũng như các cường quốc có lợi ích gắn bó mật thiết với Biển Đông, nhất là Mỹ, phải đẩy mạnh hiện diện quân sự trong vùng biển chiến lược này. Song, việc các quốc gia khác tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông để bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình lại gia tăng va chạm, đụng độ với những “hung thần trên biển”.

Rất đáng chú ý, chỉ một ngày sau khi Luật Hải cảnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ (USINDOPACOM) vào ngày 23-1-2021 thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt (TRCSG) đã tiến vào Biển Đông để thực hiện “các chiến dịch bảo đảm tự do và an ninh hàng hải”. Chỉ huy tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, ông Eric Anduza nhấn mạnh, những chiến dịch này tái khẳng định cam kết của Washington đối với đồng minh và đối tác về sứ mệnh duy trì, bảo vệ “một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trên biển, trong đó có Biển Đông và Biển Hoa Đông, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi ngày 24-1-2021 cho biết ông và tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhất trí củng cố quan hệ đồng minh, “phản đối mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng” của hai vùng biển này. Gọi Trung Quốc là thách thức hàng đầu của quân đội Mỹ, tân Bộ trưởng Quốc phòng dưới chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết, phát triển năng lực, đề ra kế hoạch để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Rõ ràng, Luật Hải cảnh của Trung Quốc là một bước leo thang nguy hiểm, tạo nguy cơ xung đột lớn hơn ở Biển Đông vốn đang căng thẳng.