Bước leo thang nguy hiểm của Trung Quốc trên biển Đông

ANTĐ - Trung Quốc đang tìm cách mở rộng cơ sở lớn nhất của họ ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Bắc Kinh gọi là Nam Sa), thành một đảo nhân tạo có hình dáng đầy đủ và trọn vẹn, bao gồm cả đường băng và cảng biển, nhằm triển khai hiệu quả hơn sức mạnh quân sự của họ ở biển Đông.
Bản tin phát thanh ngày 8-6-2014 do Báo An ninh Thủ đô sản xuất


Cục Kiểm ngư Việt Nam, vào khoảng 14h ngày 7-6, tại hiện trường khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981, tàu kéo Trung Quốc mang số hiệu 281 đã đâm trực tiếp vào mặt trái tàu kiểm ngư KN-635 của Việt Nam.
Hành động ngang ngược của tàu Trung Quốc đã gây hư hỏng, nguy hiểm cho việc hoạt động của Kiểm ngư Việt Nam trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Cùng với hành động phi pháp này, phía Trung Quốc vẫn huy động các loại tàu cỡ lớn vây hãm, uy hiếp, đe dọa tàu Kiểm ngư Việt Nam. Số lượng tàu cá Trung Quốc huy động tại khu vực này lên đến con số 50 chiếc, và có sự hỗ trợ của 4 tàu hải cảnh chạy song hành và liên tiếp chủ động có hành động ngăn cản, đẩy ép tàu cá của ngư dân Việt Nam.

Ngoài ra, 1 máy bay trinh sát của Trung Quốc thường bay quanh giàn khoan ở độ cao 250-300 mét nhằm đe dọa ngư dân Việt Nam hoạt động đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa chủ quyền của Việt Nam.

Bước leo thang nguy hiểm của Trung Quốc trên biển Đông ảnh 1
Trung Quốc manh động, đâm ngang tàu kiểm ngư Việt Nam


Theo tờ South China Morning Post xuất bản ở Hong Kong, một học giả và một chuyên gia hải quân Trung Quốc vừa cho biết Trung Quốc đang tìm cách mở rộng cơ sở lớn nhất của họ ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Bắc Kinh gọi là Nam Sa), thành một đảo nhân tạo có hình dáng đầy đủ và trọn vẹn, bao gồm cả đường băng và cảng biển, nhằm triển khai hiệu quả hơn sức mạnh quân sự của họ ở biển Đông. 
Động thái này cho thấy sự thay đổi chính sách của Trung Quốc từ thế phòng thủ sang thế tấn công ở biển Hoa Đông và biển Đông. 
Các chuyên gia phân tích nhận định rằng hoạt động mở rộng đã được lên kế hoạch ở đảo đá ngầm Chữ Thập. 
Nếu được phê chuẩn, đây sẽ là một dấu hiệu rõ ràng hơn nữa về sự thay đổi chiến thuật của Trung Quốc trong việc giải quyết những tranh chấp chủ quyền kéo dài, từ thế phòng thủ chuyển sang thế tấn công.

Theo các chuyên gia, hành động đó được xem là một bước đi tiến tới việc tuyên bố thành lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ).
Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng việc lấn biển tại đảo san hô vòng Đá Chữ Thập sẽ càng làm căng thẳng hơn nữa các mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng. 
Trước đó, ngày 1-6, tàu mang số hiệu QN 0381 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ninh bị một tàu vỏ sắt đâm chìm trên biển.

Tàu bị đâm chìm được xác định là của ông Dương Văn Tuệ (47 tuổi) trú tại khu Cẩm Hồng, Phương Nam, TP Uông Bí, Quảng Ninh. 

Cú đâm khiến ba người trên thuyền đều bị thương, trong đó ông Tuệ bị thương nặng, gãy xương sườn trái và trầy xước toàn thân. 

May mắn, cả 3 được tàu cá vỏ gỗ QN 90262TS do anh Dương Văn Tuấn (38 tuổi) điều khiển đi qua và cứu nạn mọi người đưa vào bờ cấp cứu.