Bước đột phá của Hà Nội khi quy hoạch 4 quận trung tâm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội vừa công bố 6 quy hoạch phân khu thuộc 4 quận trung tâm thành phố sau một thời gian dài nghiên cứu và xây dựng. Trao đổi với An ninh Thủ đô về việc này, Kiến trúc sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, việc phê duyệt thể hiện quyết tâm cao độ của Thành ủy, UBND TP Hà Nội.
6 quy hoạch phân khu thuộc 4 quận trung tâm thành phố được coi là bước đột phá của Hà Nội

6 quy hoạch phân khu thuộc 4 quận trung tâm thành phố được coi là bước đột phá của Hà Nội

- Phóng viên: Thưa ông, Hà Nội vừa công bố quy hoạch 4 quận trung tâm sau nhiều năm “thai nghén”, đây có thể xem là bước tiến lớn trong quản lý đô thị?

- Kiến trúc sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm: Các quy hoạch phân khu vừa được phê duyệt và công bố nằm trong phần cơ bản của nội đô lịch sử. Đây là những quy hoạch có thời gian nghiên cứu dài, là những quy hoạch phức tạp, tác động đến nhiều vấn đề. Việc phê duyệt lần này thể hiện sự đột phá của Thành ủy, UBND TP trong việc kiên quyết giải quyết quy hoạch phân khu đã tồn tại từ nhiều năm nay vì chúng đã có thời gian nghiên cứu 8-10 năm, có rút ra bài học kinh nghiệm của truyền thống và có đưa ra yếu tố mới. Khi 6 quy hoạch phân khu này được phê duyệt sẽ là cơ sở, căn cứ để đưa vào quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch mới.

Cụ thể như, quy hoạch khu phố cổ Hà Nội lần này được phê duyệt thay thế cho quy hoạch từ năm 1996. Như vậy, trải qua hơn 20 năm, việc định hướng di dời khu phố cổ vẫn được TP Hà Nội duy trì.

Với quy hoạch khu vực hồ Gươm và phụ cận thì đã có chi tiết từ năm 1995, thành phố và quận Hoàn Kiếm cũng đã tổ chức nhiều dự án nhỏ lẻ. Ở đây có không gian trải qua nhiều thời kỳ phát triển, có những biến động nhất định nên nay cần phải có quy hoạch mới để đưa nó trở thành di sản quốc gia đặc biệt. Quy hoạch lần này được nghiên cứu và có sự tham gia của nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp như Hội Kiến trúc sư, Hội Quy hoạch… đặc biệt, tổ chức trưng bày triển lãm lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, thể hiện cách làm quy hoạch mới. Trong quá trình thực hiện không chỉ trong nước mà nước ngoài cũng phối hợp tham gia. Kết quả của Đồ án quy hoạch hồ Gươm là tổng hòa, kết tinh bài học kinh nghiệm của nước ngoài với bài học kinh nghiệm của 25 năm qua, đồng thời bám vào những định hướng mới để có một quy hoạch phát triển.

Trong quy hoạch lần này, bên cạnh việc xác định dân số từng quy hoạch phân khu phải giãn dân bao nhiêu thì có đặt ra xu hướng làm thế nào để hiệu quả. Trong đó có xác định rõ, khu vực di dời Bộ, ngành, di dời cơ sở sản xuất, khu vực ven sông sẽ gia tăng chỉ tiêu cây xanh để tạo không gian công cộng mới, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Kiến trúc sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm

Với quy hoạch quận Ba Đình, đây là quận có biến động lớn, dân số đông. Bài toán trụ sở của các Bộ, ngành, cơ sở sản xuất nếu di dời đi thì sẽ được sử dụng như thế nào để tạo dấu ấn là trung tâm hành chính chính trị trong suốt 13 thế kỷ qua của nước Việt Nam. Đáng nói, trong quy hoạch quận Ba Đình lần này, Hà Nội đã nhận diện được giá trị của di sản. Đột phá của quy hoạch là đã đề xuất khu vực chuyển tiếp để nâng tầm giá trị của Hoàng thành Thăng Long.

Với quy hoạch quận Đống Đa, đây là một trong những quận có mật độ dân cư lớn, là khu vực có nhiều cơ sở công nghiệp cần di dời, là khu vực hạ tầng kỹ thuật bị ách tắc nhiều. Quy hoạch định hướng khu vực này được làm gì, phải làm gì, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật ra làm sao.

Với quy hoạch quận Hai Bà Trưng, đây là quận có là không gian tổng hòa giữa xây dựng mới của thời kỳ sau năm 2000 và đồng thời tồn tại khu làng xóm, tập thể cũ rất cần cải tạo. Việc giải quyết như thế nào, ứng xử ra sao với các cơ sở di dời, các trụ sở Bộ, ngành sẽ là vấn đề cần giải quyết.

- Một điểm nhấn quan trọng của các đồ án quy hoạch vừa công bố là giảm quy mô dân số trong 4 quận lõi. Ông có nghĩ rằng, chủ trương này là không mới?

- 6 quy hoạch phân khu lần này đặt ra vấn đề giãn 21,5 vạn dân. Đây đúng là vấn đề không mới vì trong các quy hoạch được duyệt từ năm 1998 (lúc đó nội đô lịch sử mới có 96 vạn dân) đã đặt ra phải giảm còn 80 vạn. Nhưng từ đó đến năm 2019 chúng ta không giảm mà lại tăng lên 1,2 triệu dân. Giãn dân trong 4 quận nội đô là chủ trương đã có, nhưng gặp rất nhiều khó khăn và bất cập từ các văn bản quy phạm pháp luật.

Lần này, 6 quy hoạch phân khu tiếp tục đưa ra việc giãn dân, nhưng rất cụ thể. Hà Nội khẳng định dân số là yếu tố chính tác động rất nhiều đến phát triển kinh tế, bảo tồn di sản và đặc biệt là áp lực giao thông, hạ tầng và môi trường. Trong quy hoạch lần này, bên cạnh việc xác định dân số từng quy hoạch phân khu phải giãn dân bao nhiêu thì có đặt ra xu hướng làm thế nào để hiệu quả. Trong đó có xác định rõ, khu vực di dời Bộ, ngành, di dời cơ sở sản xuất, khu vực ven sông sẽ gia tăng chỉ tiêu cây xanh để tạo không gian công cộng mới, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

- Theo ông, giải pháp nào để xu hướng giảm dân số 4 quận lõi theo quy hoạch có thể diễn biến thuận lợi?

- Giãn dân là vấn đề dư luận rất quan tâm. Trong các quy hoạch phân khu và quy chế quản lý đã đưa ra những cơ chế chính sách thuận tiện và hợp lý hơn để giãn dân, đã nhận diện được tồn tại và thay đổi. Nếu như trước kia chúng ta giãn dân chỉ giải quyết vấn đề nhà ở thì lần này đã có cải tiến. Nhưng để có thể thực hiện được việc giãn 21,5 vạn dân thì cần cụ thể hóa hơn. Ví dụ như phân loại đối tượng giãn dân, có chính sách đối với từng đối tượng... Hay để nơi ở mới hấp dẫn người dân thì phải chú trọng cơ chế đảm bảo đồng bộ nhà, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Vừa qua, việc giãn dân phố cổ không thành công vì chúng ta mới chú trọng đến vấn đề nhà ở mà chưa chú trọng đến hạ tầng xã hội, không gian để người dân tiếp tục có thu nhập.

Nếu trước đây Hà Nội chỉ là đô thị có một cực trung tâm thì hiện nay Hà Nội là chùm đô thị, có các đô thị vệ tinh. Hiện mới chỉ tập trung vào phát triển đô thị Hòa Lạc, nếu phát triển tiếp đô thị Phú Xuyên, Xuân Mai, Sơn Tây… thì sẽ giải quyết được tiềm năng về đất đai. Vì theo quy hoạch chung, 5 đô thị vệ tinh mới có 6 vạn dân, nếu GPMB xong thì sẽ là nơi đến cho khoảng 1,4 triệu dân. Chúng ta cần học tập bài học kinh nghiệm từ các nước như Nhật Bản. Nhật Bản trước đây cũng bị dân số nén, già hóa dân số, họ đã phải tạo ra thị trường sinh thái, tạo thuận lợi cho người dân đến ở với giá hợp lý hơn, rẻ hơn. Hay bài học từ Kuala Lumpur (Malaysia) khi di dời một số trụ sở Bộ, ngành, họ đã gắn luôn với nơi ở thích hợp để cho cán bộ thuê hoặc mua với giá ưu đãi.

TTXVN

TTXVN

- Bản vẽ quy hoạch nêu nhiều ý tưởng tốt, nhưng thực tế triển khai thực hiện và quản lý vẫn là khâu yếu xưa nay. Theo ông, Hà Nội cần giải pháp nào để nâng cao hiệu quả của các quy hoạch rất quan trọng vừa công bố?

- Phải có một năng lực nhất định để quản lý chặt chẽ hơn. Định hướng thì nói như vậy, trong quy định về công trình kiến trúc nội đô cũng có định hình một số tuyến này tuyến kia và chiều cao công trình, nhưng lại có những khoảng mở làm thuận lợi cho việc “xin - cho” như “xác định một số điểm nhấn và một số điểm nhạy cảm”. Vậy thế nào là điểm nhấn, thế nào là nhạy cảm?

Vừa qua mới có hiện tượng nhiều công trình xây xen trong khu nội đô và xin cao tầng. Trong điều chỉnh quy hoạch thì việc này được phép, nhưng quy trình điều chỉnh như thế nào, vai trò của người dân như thế nào thì lại không xác định. Lần này, bên cạnh các quy hoạch thì chúng ta phải siết chặt hơn năng lực chính quyền đô thị và đặc biệt là xử lý vi phạm. Chính phủ mới ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý đầu tư xây dựng, Hà Nội cũng đang áp dụng mô hình chính quyền đô thị sẽ nâng cao năng lực quản lý. Trong Luật xây dựng năm 2020 có nói rõ, quy trình điều chỉnh quy hoạch, trong đó xác định rõ vai trò trách nhiệm của người dân. Như vậy, việc điều chỉnh hiện không phải chỉ có vai trò của chính quyền nữa mà có vai trò của người dân. Hy vọng từ đó sẽ giảm được việc xấu, không phù hợp với quy hoạch.