Bùng phát nạn khai thác Diatomite, đất rừng bị phá tan hoang

ANTĐ - Nạn khai thác, vận chuyển Diatonite trái phép trên địa bàn xã An Xuân, huyện Tuy An (Phú Yên) diễn ra từ nhiều năm qua. Mặc dù chính quyền địa phương đã nỗ lực ngăn chặn, nhưng hiện vẫn chưa được chấm dứt, thậm chí còn có nguy cơ bùng phát khai thác tự do trên diện rộng.
Lật tung đất rừng, đất sản xuất tìm Diatonite
Con đường qua địa bàn các thôn Xuân Lộc, Xuân Bình (xã An Xuân) dài hơn 5km, khoáng sản Diatomite rơi vãi nham nhở mặt đường. Dọc hai bên đường, hàng chục ha đất sản xuất, rừng trồng bị cày xới, lật tung, tạo ra những hầm hố, ao tù loang lổ. Riêng địa bàn thôn Xuân Lộc, xã An Xuân có ít nhất 4 điểm khai thác Diatomite tự phát. Mỗi điểm có hàng chục người dân ngang nhiên đào bới đất rừng, băm nhỏ Diatonite bỏ vào bao tải rồi chất thành từng đống công khai như những kiện hàng lớn. Thậm chí có nơi người ta đem cả máy đào công suất lớn đến, ngang nhiên múc đất, khai thác Diatomite, tạo ra nhiều hầm hố, thung lũng sâu hàng chục mét, cày xới tan hoang cả một góc rừng trồng.

Bùng phát nạn khai thác Diatomite, đất rừng bị phá tan hoang ảnh 1
Đất sản xuất, đất rừng bị lật tung, cày xới nham nhở

Trên một khu đất thuộc cánh rừng trồng đã được người dân khai thác thuộc địa bàn thôn Xuân Lộc, chúng tôi bắt gặp hơn 10 người dân đang hì hục cuốc đất, khai thác Diatomite. Khi phát hiện phóng viên ghi hình, họ lặng lẽ lẩn tránh vào rừng keo. Trong khu vực này có một chiếc xe múc cỡ lớn mang ký hiệu KS09 nằm sừng sững công khai chờ khác thác. Tại hiện trường có hàng nghìn bao tải loại 20kg đựng Diatomite, xếp thành từng dãy cao hơn 1,5m và hàng chục đống Diatomite mới được đào lên vun cao ngất ngưởng; xung quanh người dân dựng hàng chục lán tại phục vụ khai thác. Toàn cảnh khu đất rộng khoảng 4ha bị băm nát, ngổn ngang như bãi chiến trường.

Bùng phát nạn khai thác Diatomite, đất rừng bị phá tan hoang ảnh 2
Hàng nghìn bao tải loại 20kg đựng Diatomite được xếp thành từng dãy


Bà Nguyễn Thị Trang, trú ở thôn Xuân lộc, xã An Xuân đang loay hoai băm, bốc Diatomite vào bao tải nói: “Bình quân mỗi ngày tôi đào được hơn 50 bao loại 20kg, bán tại chỗ với giá 4.000 đồng/bao cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng. Toàn bộ khu vực này được nhiều người dân thuê lại của một chủ đất ở cùng thôn từ hơn một tháng nay. Sản phẩm khai thác, chúng tôi phải chia cho chủ đất một nửa”. 
Cách khu vực bà Trang đang khai thác khoảng 100m, có hai bãi khai thác Diatomite khác rộng khoảng 3ha. Tiếp chuyện chúng tôi, một người dân tên Nguyễn Văn Phân cho hay: “Tôi làm thuê cho một chủ đất với giá 2.500 đồng/bao, mỗi ngày đào được từ 70-90 bao. Diatomite có 3 loại (trắng, đen và đỏ). Loại đỏ có giá 8.000/bao, hai loại còn lại giá từ 4.000-6.000 đồng/bao loại 20kg. Mỗi ngày có từ 2-3 xe tải đến đây bốc hàng chở về thị trấn Chí Thạnh (Tuy An) và TP Tuy Hòa tiêu thụ”. Theo ông Phân, trước đây khu đất này được người dân trồng mía nhưng sau đó phá bỏ để khai thác Diatomite vì cho thu nhập cao hơn”.

Bùng phát nạn khai thác Diatomite, đất rừng bị phá tan hoang ảnh 3
Bao tải đựng Diatomit được chủ đất mang đến cho người dân

Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là tại khu vực ông Phân và nhiều người dân đang khai thác, có hàng trăm bao tải cùng loại đựng Diatomit chất thành từng đống. Mặt phải bao ghi dòng chữ “Cargill – Thức ăn hỗn hợp cho heo thịt từ 40-70kg - Khối lượng tịnh 25kg - Số công bố TCCS 1202:2012/CAR”, mặt trái ghi “Cargill - Công ty Mỹ, chất lượng Mỹ…” (?). Theo ông Phân, những bao tải này do chủ đất mang đến nhưng không cho biết tên, bản thân ông chỉ biết bốc Diatomite vào bao, xếp thành đống, chờ xe ô tô đến vận chuyển đi. 
Cần ngăn chặn triệt để

Theo UBND xã An Xuân, tình trạng khai thác Diatomite tự phát trái phép diễn ra từ năm 2006. Hàng năm, chính quyền địa phương cũng đã thường xuyên phối hợp với Phòng TN-MT huyện Tuy An kiểm tra, vận động người dân cam kết không tham gia khai thác Diatomite gây ảnh hưởng đến đất sản xuất, hủy hoại môi trường và thất thoát tài nguyên; đồng thời đề nghị các ngành chức năng có hướng xử lý hiệu quả nhưng đến nay vẫn còn tiếp diễn. Hiện trên địa bàn các thôn Xuân Lộc và Xuân Bình còn tồn tại 6 điểm khai thác Diatomite, với 27 hộ dân thường xuyên tham gia đào bới đất có độ sâu từ 2-4m. Qua đợt kiểm tra mới đây, các ngành chức năng phát hiện gần 850m3 Diatomite dạng thô được chất thành đống chưa kịp đưa đi tiêu thụ.

Bùng phát nạn khai thác Diatomite, đất rừng bị phá tan hoang ảnh 4
Diatomite được chất thành từng đống bằng bao tải cao ngất ngưởng giữa thanh thiên bạch nhật

Ông Lê Văn Nhơn, Phó chủ tịch UBND xã An Xuân cho biết, Diatomite nằm rải rác ở các thôn Xuân Hòa, Xuân Lộc và Xuân Bình. Lượng Diatomite khai thác trái phép tuồn ra khỏi địa bàn, chính quyền địa phương không thể kiểm soát được, vì các đối tượng thường vận chuyển vào ban đêm, rất khó ngăn chặn. Người dân chỉ khai thác nhỏ lẻ, tuy nhiên lúc cao điểm, có ngày Diatomite tuồn ra khỏi địa bàn trái phép ước lên đến khoảng 10 tấn.
Hiện trên địa bàn xã An Xuân có Công ty cổ phần Khoáng sản Phú Yên được cấp phép khai thác khoáng sản từ năm 2011 với diện tích 11,8ha, thời gian khai thác 15 năm. Ngày 20-3-2013, Xí Nghiệp Diatomite Tuy An thuộc thuộc đơn vị này có báo cáo gửi UBND xã An Xuân và Phòng TN-MT huyện Tuy An, về việc đền bù 1.163m2 đất với giá hơn 99,8 triệu đồng cho hai hộ dân để phục vụ cho việc khai thác Diatomite năm 2013 của xí nghiệp. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, hiện Xưởng Diatomite An Xuân của Xí nghiệp Diatomite Tuy An đã ngưng hoạt động, nhà làm việc, nhà xưởng xuống cấp, hoang tàn. 
Bùng phát nạn khai thác Diatomite, đất rừng bị phá tan hoang ảnh 5
Phát hiện phóng viên ghi hình, người dân liền ngừng công việc, lặng lẽ lẩn tránh 

Ông Nguyễn Xuân Khiêm, Trưởng Phòng TN-MT huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, đã nhiều lần phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển Diatomite trên địa bàn xã An Xuân; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân không nên tự thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân thuê đất sản xuất khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, hiện tình trạng khai thác Diatomite trái phép vẫn tiếp tục diễn ra trên đất rừng và đất nông nghiệp. Theo ông Khiêm, để ngăn chặn triệt để, các ngành chức năng của tỉnh Phú Yên cần phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, truy quét; đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất có sử dụng nguyên liệu đầu vào là Diatomite không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Diatomite được dùng làm chất lọc, tẩy rửa trong công nghệ sản xuất bia, rượu, nước giải khát, dầu; nuôi trồng thuỷ sản; làm chất phụ gia cho ximăng và nguyên liệu cho sản xuất vật liệu cách nhiệt…