Bùng nổ tranh luận đề thi ĐH môn Văn

ANTĐ - Trong khi rất nhiều thí sinh vui mừng vì có “đất” và cảm hứng để làm bài thi môn Văn năm nay thì đề thi này lại gây sóng gió trên nhiều trang mạng với sự trả đũa tức thì của hội mới lập “Những thí sinh phản đối cách ra đề của Bộ Giáo dục”.

Thí sinh làm bài thi môn Văn tại Hội đồng thi Học viện Hành chính. Ảnh: PHÚ KHÁNH


Không làm bài thi vì thần tượng bị phê phán 

Không phải tất cả các thí sinh dự thi đại học năm nay đều có chung tâm lý là phải dốc toàn lực để hoàn thành các bài thi tốt nhất. Điều này có thể thấy rõ khi ngay sau buổi thi môn Văn, nhiều trang Facebook cá nhân đã “bùng nổ” thông tin bàn luận về đề thi này theo hướng phản đối. Đề thi khối D năm nay được Bộ đưa ra đề tài khá thời sự đề cập tới văn hóa thần tượng. Trong câu 2 về nghị luận xã hội, đề thi yêu cầu thí sinh trình bày ý kiến về vấn đề “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần tượng lại là thảm họa”. 

Với tâm lý lứa tuổi, hầu hết các thí sinh trong độ tuổi này đều gắn bó với một vài thần tượng nào đó trong các lĩnh vực thể thao, điện ảnh, âm nhạc... Điều này tạo sự hào hứng cho thí sinh khi được trình bày ý kiến của mình về thần tượng giới trẻ. Phan Hồng Mai, thí sinh dự thi vào khoa Báo chí, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội cho biết, em có cơ hội trình bày suy nghĩ một cách nghiêm túc về cách chọn lựa thần tượng của mình cũng như của nhiều bạn trẻ hiện nay. “Xinh đẹp, đa tài nhưng không ít tật xấu là hình ảnh của nhiều nhân vật trong giới showbiz trong nước cũng như quốc tế đang nổi như cồn hiện nay. Chúng em ngưỡng mộ tài năng của họ nhưng cũng hiểu rằng một người còn phải được đánh giá cả về tri thức, lối sống vì vậy không nên thần tượng hóa những nhân vật mà mình yêu thích như nhiều bạn trẻ hiện nay.” - Hồng Mai cho biết.

Hiện tượng “mê muội” có thể thấy ngay khi đọc các thông tin bàn luận về đề thi của hội “Những người phản đối cách ra đề của Bộ Giáo dục”. Những nhân vật này đưa ra phát ngôn khá hằn học khi cho rằng người ra đề  đã quá “teen” đến mức đưa cả một đề thi ra để “anti Kpop”. Một cá nhân phát biểu trên Facebook của mình rằng, đề thi Văn năm nay chẳng khác nào chửi thẳng vào mặt fan Kpop, là “đá đểu” các fan ruột Kpop. Nhân vật này cho biết thay vì làm bài thi thì chỉ ghi có một dòng “Kpop là nhạc số một rồi, các loại khác thì chả có cái gì bằng được nhé” rồi nộp bài đi về.

Đề thi khối C “già” hơn khối D

Bày tỏ sự thua thiệt so với các thí sinh dự thi khối D năm nay, Hoàng Bích Phương, thí sinh hội đồng thi ĐH Công Đoàn cho biết, câu nghị luận xã hội của khối này khá “già” chứ không “teen” như đề thi khối D. Tuy nhiên thí sinh này cũng nhận định, “Đề Văn khối C khá thú vị. Đề thi không quá khó, bám sát chương trình. Các tác phẩm đề cập trong câu hỏi đều khá quen thuộc và nằm trong những phần thầy cô ôn kỹ nên đạt 7 điểm sẽ không quá khó”. Đề thi khối C năm nay đề cập đến các tác phẩm Rừng Xà nu hay đoạn thơ trong Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử và Tương tư của Nguyễn Bính.

“Khó nhất với em là câu nghị luận xã hội trình bày suy nghĩ về “kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu” - Nguyễn Phương Hà, thí sinh Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, “Em cần khá nhiều thời gian để suy nghĩ và định nghĩa các thành phần trong câu hỏi này bởi ý nghĩa xã hội khá sâu sắc. Chỉ trong vòng 600 từ để phân tích, lập luận một vấn đề mang tính xã hội như bệnh thành tích, kẻ cơ hội hay thành tựu của những người chân chính không dễ như ở đề thi của các bạn khối D”.

Đánh giá đề Văn năm nay, thầy Lê Quang Hưng, trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, cấu trúc đề thi lần này không mới và thuộc loại câu hỏi cơ bản với kiến thức hoàn toàn nằm trong chương trình phổ thông. Tuy nhiên, đề thi vẫn đáp ứng được yêu cầu phân loại trình độ học sinh trung bình và học sinh khá giỏi. “Với đề thi này, học sinh nghĩ kỹ, phân tích mở rộng đào sâu thì mới đạt điểm cao”  - thầy Lê Quang Hưng cho biết.

Nguyễn Thu Hà, Giáo viên trường THCS Bế Văn Đàn: Nắm bắt “cơn sốt” để điều chỉnh lối sống cho các em

Không chỉ các anh chị THPT mà ngay cả học sinh tiểu học lẫn THCS hiện nay đều chịu ảnh hưởng không nhỏ của trào lưu điện ảnh, âm nhạc Hàn quốc. Trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tiết mục của học sinh được hưởng ứng nhiều nhất là các điệu nhảy và bài hát từ xứ Hàn. Rời đồng phục ra, các em sẽ bắt chước hệt như thần tượng của mình. Điều này không xấu nhưng nếu gia đình, thầy cô không nắm bắt được tâm lý, thói quen của con em mình để điều chỉnh phù hợp thì nhẹ sẽ ảnh hưởng đến học tập, nặng hơn là ảnh hưởng đến lối sống, suy nghĩ của các em.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng: Thần tượng thời xưa giờ không còn hợp gu giới trẻ

Thần tượng hóa những ngôi sao trong điện ảnh, âm nhạc là những biểu hiện tâm lý thông thường ở tuổi học sinh. Đặc biệt là các bộ môn này có sức lan tỏa và ảnh hưởng lớn. Điều đáng nói là ngày nay không có nhiều những nhân vật như GS. Ngô Bảo Châu hay các ngôi sao thể thao được giới trẻ thần tượng. Điều này xuất phát từ nguyên nhân khách quan nhưng từ góc độ nhà giáo tôi cũng thấy có phần thiếu tính định hướng. Đây là phần còn khuyết trong nhà trường cũng như gia đình. Trong các sự kiện lịch sử, văn hóa, nhà trường đều khuyến khích học sinh tìm hiểu về các nhân vật liên quan để thuyết trình nhưng đây cũng chỉ như một cách trả bài chứ không thực sự gây ấn tượng lâu dài với các em như những ngôi sao âm nhạc, điện ảnh hiện nay. Một phần nữa là nếu ngày xưa các tác phẩm văn học được các thầy cô thổi hồn cho học sinh thì nay những người như vậy không còn nhiều. Các em chỉ sao chép một cách thụ động nên khó có thể so sánh với những “thần tượng” hàng ngày xuất hiện trên truyền hình hay trang mạng. Đây là một phần lý do những thần tượng trước đây đã không còn vị trí trong đa số học sinh phổ thông hiện nay.

Vẫn nhiều thí sinh mang điện thoại vào phòng thi

Ngày 9-7, 603.000 thí sinh dự thi buổi đầu tiên của đợt thi tuyển sinh ĐH thứ 2, đạt tỉ lệ 80,76% số đăng ký dự thi. Sau 2 buổi thi có 140 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách 7, cảnh cáo 2, đình chỉ thi 123,  không được dự thi do đến muộn 7...); có 3 cán bộ bị xử lý kỷ luật (đình chỉ làm công tác thi 1, khiển trách 2) và 2.800 thí sinh bỏ thi. Theo phản ánh của các trường, vẫn còn nhiều thí sinh mắc lỗi mang điện thoại vào phòng thi.

Tại Hội đồng thi Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Lương Khắc Hiếu cho biết, so với ngày làm thủ tục thi, buổi thi đầu tiên giảm 154 thí sinh, còn 4.925 thí sinh. Có 1 thí sinh tới muộn 10 phút sau khi phát đề thi môn Văn nên không được dự thi. Đáng chú ý là để thực hiện yêu cầu của Bộ GD-ĐT trong việc tăng cường giám sát các thiết bị mà thí sinh được phép mang vào phòng thi, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã bố trí mỗi cụm thi 5 cán bộ công nghệ thông tin có trình độ cử nhân, kỹ sư để hỗ trợ giám thị xác định thiết bị có chức năng thu phát hay không.