Bùng nổ livestream bán hàng thời đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trào lưu bán hàng bằng hình thức phát trực tiếp (livestream) đã bùng nổ tại Trung Quốc trong những năm gần đây, đặc biệt là thời điểm dịch Covid-19. Nhờ đó, nhiều người nhanh chóng trở nên nổi tiếng và giàu có, nhưng cũng có không ít người đã phải trả giá đắt vì hành vi trốn thuế.

Bán cả dịch vụ phóng tên lửa… qua livestream

Theo Bloomberg, không nơi nào có tiềm năng bán hàng bằng hình thức phát trực tiếp rõ ràng hơn Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn là mối lo thường trực của nhiều quốc gia, người dân hạn chế ra đường và ngại đi mua sắm trực tiếp, thì hoạt động livestream bán hàng càng có cơ hội phát triển.

Tại Trung Quốc, livestream bán hàng đã phát triển mạnh. Sự bùng nổ này cho thấy hình thức mua sắm trên có thể trở thành thói quen của người tiêu dùng và là công cụ quan trọng đối với các nhà bán lẻ. “2020 là năm bước ngoặt đối với ngành công nghiệp này. Đại dịch đã thúc đẩy các nhà bán lẻ và nhiều người nổi tiếng tham gia vì nhận được nhiều chú ý” - Alves Huang, Giám đốc điều hành Công ty Qianxun nhận định khi nói về tiềm năng của hoạt động livestream bán hàng.

Bán hàng online thời đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc
Bán hàng online thời đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc

Mua sắm trực tuyến là sự kết hợp của một số xu hướng công nghệ hiện tại và cung cấp cho các công ty một con đường mới đến trái tim, ví tiền của người tiêu dùng. Thông qua phát trực tiếp, những người có ảnh hưởng như Huang Wei (nghệ danh là Viya) và “Ông hoàng son môi” Li Jiaqi có thể thu hút hàng chục triệu người tiêu dùng tiềm năng mỗi ngày. “Tôi là người giúp khách hàng đưa ra quyết định, vì thế tôi cần phải suy nghĩ về nhu cầu của họ. Tham vọng của tôi là cung cấp mọi thứ mà người ta có thể cần, từ chuông cửa, thảm, bàn chải đánh răng cho đến đồ nội thất, nệm…

Tóm lại là mọi thứ” - Viya nói. Mỗi tối, Viya đều thực hiện buổi livestream bán hàng. Trong căn phòng ở thành phố Hàng Châu (thủ phủ tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc), hàng loạt sản phẩm như giày dép, quần áo, mỹ phẩm được xếp gọn gàng, chờ tới lúc được giới thiệu. Viya mỉm cười ngồi trước máy quay, đằng sau là đội ngũ trợ lý được đào tạo bài bản đợi cô ra hiệu lệnh. Bên cạnh những mặt hàng quen thuộc, cô còn bán cả bất động sản, dịch vụ mai mối qua livestream hay thậm chí cả dịch vụ phóng tên lửa (với giá 40 triệu Nhân dân tệ, tương đương 5,6 triệu USD vào năm ngoái). Cư dân mạng Trung Quốc thường đùa rằng, chỉ có những thứ người hâm mộ không muốn mua, chứ không có thứ nào mà Viya không thể bán. Có lần, cô đã đạt được lượng người xem cao kỷ lục hơn 37 triệu người, đông hơn cả đêm chung kết “Game of Thrones”, giải Oscar hay “Bóng đá đêm Chủ nhật”.

Kết hợp khôn khéo nhiều chiêu bán hàng

Mỗi buổi Viya bán hàng, người xem đặt các đơn hàng trị giá hàng triệu USD, thường là mỹ phẩm, đồ gia dụng, thực phẩm chế biến sẵn hoặc quần áo, ô tô. Vào Ngày Độc thân 11-11-2021 (sự kiện mua sắm lớn nhất trong năm của Trung Quốc), cô đã đạt doanh thu hơn 3 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 470 triệu USD).

Sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người Trung Quốc phải ở nhà do lệnh phong tỏa, do đó đã tăng gấp đôi lượng người xem livestream bán hàng của cô. “Tôi không thể bỏ lỡ các buổi livestream bán hàng của Viya” - Linda Qu, một nhân viên công nghệ 30 tuổi ở Hàng Châu cho biết. Sau khi cho cậu con trai 4 tuổi đi ngủ, Linda chăm chú theo dõi Viya livestream bán hàng trên điện thoại thông minh. Gần như chương trình nào cô cũng bấm mua.

Nhiều người đã tận dụng sự phát triển chóng mặt của thương mại điện tử ở Trung Quốc để kinh doanh bán hàng online. Họ kết hợp khôn khéo các hình thức mua vui khi livestream với việc trao phần thưởng, tung mã giảm giá, cùng các chiêu bán hàng khác. Andy Yap - nhà tâm lý học xã hội tại Trường Kinh doanh INSEAD (Singapore) cho biết, buổi livestream bán hàng của Viya là một lớp học bậc thầy về kỹ năng bán hàng. Đường link mua sản phẩm chỉ được đưa ra cho đến khi Viya hoàn thành việc quảng cáo sản phẩm và đếm ngược: “5, 4, 3, 2, 1”.

Một buổi livestream bán hàng của Viya

Một buổi livestream bán hàng của Viya

Hiệu ứng FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội) đã níu kéo nhiều người dán mắt vào màn hình và nhanh chóng bấm mua. “Nhận thức về sự khan hiếm là một công cụ tâm lý mạnh mẽ để khiến mọi người hành động nhanh chóng, dẫn đến việc mua sắm bốc đồng. Trong một buổi phát trực tiếp, điều đó thậm chí còn căng thẳng hơn vì thời gian ngắn hơn và có rất nhiều người xem khác có thể là người mua tiềm năng. Mọi người cảm thấy cấp bách hơn” - nhà tâm lý Andy Yap cho biết.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hồng Kông (Trung Quốc), với hơn 18 triệu người theo dõi trên trang Weibo và 80 triệu người theo dõi trên Taobao, nhiều người do phải ở nhà trong đợt phong tỏa vì dịch Covid-19, đã mua bất cứ thứ gì Viya cung cấp. Cô được nhiều người mệnh danh là “Nữ hoàng livestream”, “Đệ nhất bán hàng”. Nhờ công việc này, Viya và chồng đã lọt vào danh sách 500 người giàu nhất Trung Quốc năm 2021 với giá trị tài sản ròng ước đạt 1,4 tỷ USD. Không chỉ vậy, cô còn được tạp chí Time bình chọn là 1 trong 100 người có sức ảnh hưởng nhất năm 2021. “Tôi chưa từng nghĩ mình là người nổi tiếng trên mạng. Tôi coi khách hàng như gia đình và bạn bè của mình” - Viya cho biết.

Viya mất 12 năm kể từ khi mở cửa hàng quần áo nhỏ 6m2 tới khi đạt mức doanh thu 30 triệu Nhân dân tệ trên Taobao. Cô mất thêm 5 năm nữa kể từ lần đầu bán hàng online cho đến khi trở thành “Nữ hoàng livestream” thành công nhất Trung Quốc. Nhưng đằng sau ánh hào quang đó, Viya đã phải trải qua những lần thất bại, thua lỗ. “Hồi ấy, tôi không biết làm gì ngoài khóc và cãi nhau với chồng. Tóc tôi rụng thành từng mảng do áp lực” - Viya nhớ lại.

Phạt nặng hành vi trốn thuế

Có thể nói, “Nữ hoàng livestream” 36 tuổi này nằm trong số những người nhanh chóng nổi lên nhờ sự phát triển như vũ bão của hình thức livestream trên các nền tảng thương mại điện tử ở Trung Quốc. Theo Công ty tư vấn Deloitte, quy mô của thị trường livestream tại Trung Quốc đạt 4,4 tỷ USD vào năm 2018, tăng 37% so với năm trước đó và thu hút tổng cộng 456 triệu người xem. Đến năm 2020, quy mô thị trường đã đạt 29,8 tỷ USD bất chấp đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nhiều nhóm ngành. Hiện có khoảng hơn 600 triệu người xem livestream tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Những con số khổng lồ trên tạo ra lưu lượng truy cập internet cực lớn và là “mỏ vàng” có lợi nhuận cao.

Theo nền tảng rao vặt trực tuyến 58.com, livestream đã trở thành công việc được trả lương cao nhất đối với những sinh viên mới tốt nghiệp ở Trung Quốc. Đây cũng là kênh tiếp thị quan trọng của nhiều thương hiệu trong nước cũng như nước ngoài. Để thị trường phát triển lành mạnh, cuối tháng 9 vừa qua, cơ quan thuế Trung Quốc đã công bố hàng loạt biện pháp tăng cường quản lý thuế trong lĩnh vực giải trí, bao gồm cả những người hành nghề trên nền tảng phát trực tiếp.

Đầu tháng 12-2021, cơ quan thuế ở thành phố Hàng Châu đã phạt 2 người nổi tiếng trong ngành công nghiệp livestream là Zhu Chenhui và Lin Shanshan với số tiền tổng cộng hơn 90 triệu Nhân dân tệ do không tuân thủ các quy định về thuế của Trung Quốc. Gần đây nhất, hôm 20-12-2021, Viya cũng phải nộp phạt 1,34 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 210,16 triệu USD) vì trốn thuế. Theo một tuyên bố từ cơ quan thuế Hàng Châu, Viya đã trốn tổng cộng 643 triệu Nhân dân tệ tiền thuế và 60 triệu Nhân dân tệ các khoản khác từ năm 2019 đến 2020 bằng cách che giấu thu nhập cá nhân và kê khai thuế sai. Cô sau đó đã nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi trên Weibo: “Tôi xin lỗi về hành vi vi phạm luật và quy định thuế. Tôi hoàn toàn chấp nhận hình phạt do cơ quan thuế đưa ra”.

Sau thông tin án phạt nêu trên, tài khoản Sina Weibo và Douyin của Viya đã bị cấm. Động thái này được đánh giá là bước ngoặt trong việc chấn chỉnh lĩnh vực phát trực tiếp của Trung Quốc, sau việc xử lý mạnh tay hành vi trốn thuế của các ngôi sao giải trí.