Bức xúc vì biển báo phân làn

ANTĐ - “Sau khi được CSGT giải thích, tôi đã ký vào biên bản vi phạm nhưng vẫn băn khoăn không biết bản thân có vi phạm Luật Giao thông hay không; tôi có được ghi ý kiến cá nhân vào biên bản xử lý vi phạm không?”.

Hiện tượng vi phạm quy định về phân làn vẫn khá phổ biến

Theo đơn phản ánh của anh Trần Tuấn Linh (SN 1975), ở Thanh Xuân, Hà Nội đến tòa soạn điện tử Báo ANTĐ, chiều 19-3, anh Linh điều khiển xe ô tô 5 chỗ từ khu đô thị Việt Hưng rẽ trái ra đường Nguyễn Văn Linh. Chiếc xe của anh Linh đi ở làn đường thứ 2 tính từ dải phân cách cứng giữa đường xuôi về hướng cầu Vĩnh Tuy. Đi được khoảng 300 mét, anh Linh bị tổ công tác của Đội CSGT số 5 ra hiệu lệnh dừng xe, kiểm tra và xử phạt tạm giữ giấy phép lái xe về lỗi đi sai làn đường. Anh Linh cho rằng bản thân không phạm lỗi vì xe đi từ ngã ba Việt Hưng-Nguyễn Văn Linh và tại đây không có biển báo phân làn. Cũng trong đơn, anh Linh viết: “Sau khi được CSGT giải thích, tôi đã ký vào biên bản vi phạm nhưng vẫn băn khoăn không biết bản thân có vi phạm Luật Giao thông hay không; tôi có được ghi ý kiến cá nhân vào biên bản xử lý vi phạm không?”.

Bạn đọc Nguyễn Anh Tuấn khẳng định “như đinh đóng cột” rằng: “Cảnh sát giao thông trả lời chưa đúng”. “Theo Luật Giao thông đường bộ, biển cấm sẽ hết hiệu lực khi đi qua ngã ba, ngã tư với mục đích để những người rẽ từ ngã ba, ngã tư nhận được tín hiệu chỉ dẫn. Tại ngã ba, nếu không có biển cấm thì anh Linh không vi phạm Luật Giao thông đường bộ, cụ thể là đi sai làn. Anh Linh chỉ vi phạm nếu anh ta được chỉ dẫn theo đúng quy định. Luật chỉ phạt những người nào không tuân thủ biển báo hiệu là vi phạm” - đó là phân tích của bạn đọc Nguyễn Anh Tuấn. 

“Hiện nay tôi thấy trên thực tế thì CSGT đang lấy mũi tên kẻ dưới đường để thay biển báo ở một số ngã ba, ngã tư. Điều này không chấp nhận được. Chỉ được dựa vào biển báo giao thông để xử lý lỗi vi phạm chứ tuyệt đối không được dựa vào các mũi tên vẽ ở trước những ngã ba, ngã tư để xử phạt được! Mà ở nội đô TP Hà Nội thì các ngã ba, ngã tư hầu như không có biển báo phân làn. Nếu không có biển báo thì phải bổ sung vào luật mới có thể xử phạt được!” - lái xe Quốc Toàn nêu quan điểm.

Một bạn đọc lấy tên Otofun có “đôi điều góp ý”: “Về Luật Giao thông, tôi nghĩ anh Linh không sai mà cơ quan quản lý nhà nước sai. Trả lời như phía CSGT thì lái xe có 3 đầu, 6 tay cũng bị bắt, lỗi này là phi lý và là một cái bẫy. Nếu vụ việc này ra tòa, tôi tin anh Linh thắng.

“Nếu như các anh Cảnh sát giao thông thấy đủ chứng cứ để xử phạt trong trường hợp này thì cần gì phải giải thích thêm là "tại ngã ba này chúng tôi đã nhiều lần đề nghị Sở Giao thông Vận tải cắm biển báo hướng dẫn để thuận tiện cho người dân và cả Cảnh sát giao thông khi xử lý nhưng chưa được Sở Giao thông Vận tải triển khai". Các anh thấy có gì e ngại chăng!” - bạn đọc Than Nguyen phân tích, đặt nghi vấn.

 “Nếu như anh Linh đi từ Việt Hưng ra thì anh không sai. Nhưng CSGT Đội 5 xử cũng không sai (vì không biết anh Linh đi từ đâu ra). Chỉ có điều không thể lỗi do cơ quan chức năng (Sở Giao thông Vận tải) mà đè đầu bắt người dân chịu. Chỉ tội anh Linh không có gì làm bằng chứng là mình đi từ Việt Hưng ra. Thế nên có muốn kiện cũng chả được” - bạn đọc Seaman phân tích chi tiết.

Ở các điểm quay đầu đèn đỏ xe con chỉ được phép rẽ trái mà không được đi thẳng. Nếu đậu ở làn trái mà đi thẳng là bị phạt. Khi chuyển sang làn bên phải để nhường đường cho xe đi làn bên trái rẽ thì bị bắt và quy sai làn đường. Vậy thì làn của xe con phải đi như thế nào mới đúng. Tôi vô cùng bức xúc với kiểu làm khó người đi đường như vậy” - bạn đọc Bùi Cao Cửu viết.

“Tôi sống ở châu Âu chỉ khi có biển thì công an mới được xử phạt, còn không có có nghĩa là không cấm” - bạn đọc Tran Anh Quan. 

Cần phải khẳng định rằng, chủ trương phân làn giao thông là đúng đắn, tất cả các đô thị văn minh trên thế giới đều tổ chức phân làn giao thông một cách khoa học, hiện đại. Tại Hà Nội, việc phân làn, biển báo phân làn còn khá nhiều bất cập. Điều này là đương nhiên khi các tuyến đường thay đổi khá nhanh. Tuy nhiên, dù vì lý do gì để việc phân làn đi vào nền nếp, văn minh, nhất định việc phân làn, cắm biển báo phải được thực hiện nghiêm túc. Trung tá Nguyễn Văn Tòng - Đội trưởng Đội CSGT số 5 trả lời: “Tại ngã ba này chúng tôi đã nhiều lần đề nghị Sở GTVT cắm biển báo hướng dẫn để thuận tiện cho người dân và cả CSGT khi xử lý nhưng chưa được Sở GTVT triển khai”. Theo trả lời này thì việc xử lý vi phạm sai làn của CSGT không sai, nhưng cũng có phần oan cho người tham gia giao thông, chỉ vì thiếu biển báo của ngành giao thông công chính!