“Bức tường lửa” gần 2.000 tỷ USD

ANTĐ - Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G-20 nhóm họp trong 2 ngày 25 và 26-2 tại thành phố biển Los Cabos của Mexico đã đạt được thỏa thuận quan trọng, mở đường cho việc tăng gói cứu trợ kinh tế thế giới lên gần 2 nghìn tỷ USD.

Hội nghị cấp Bộ trưởng tại Los Cabos đã đi tới thỏa thuận về gói cứu trợ gần 2 nghìn tỷ USD

Thực ra mục tiêu lớn nhất của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G-20) tại Los Cabos không phải chỉ là vấn đề tăng vốn cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Chương trình nghị sự chính của hội nghị này là tìm kiếm giải pháp thúc đẩy sự ổn định và phát triển kinh tế toàn cầu để trình lên các nhà lãnh đạo “quyết” tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tháng 6 tới.

Thế nhưng, sự ổn định cũng như phục hồi của nền kinh tế toàn cầu lại phụ thuộc rất nhiều vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực các nền kinh tế sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone). Hoành hành cả năm trời nay song Liên minh châu Âu (EU) cũng như IMF và các cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản… vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để chấm dứt cuộc khủng hoảng tồi tệ này.

Những nền kinh tế lâm vào cảnh nợ công nặng nhất như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha hay ngấp nghé bờ vực khủng hoảng như Italia, Hungaria… đều đã phải thực thi các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” song vẫn chưa đủ để ứng phó với khủng hoảng. Vì thế, những “con bệnh” nặng như Hy Lạp vẫn cần tới “thang thuốc” cứu trợ từ EU và IMF.

Tuy nhiên, với Hy Lạp mà IMF và EU đã phải ứng cứu số tiền cứu trợ đầu tiên trị giá 110 tỷ euro vào đầu tháng 5-2010, nay lại vừa “bơm” tiếp khoản cứu trợ mới trị giá 130 tỷ euro. Chỉ một Hy Lạp đã làm IMF và EU tiêu tốn số tiền “thuốc thang” tới 240 tỷ USD thì liệu Hungaria hay Bồ Đào Nha… tiếp tục “ngã bệnh” thì lấy đâu ra tiền để chạy chữa.

Do vậy, với lợi ích sát sườn là không muốn một thành viên phải vỡ nợ, EU rất muốn tăng nguồn ứng cứu khủng hoảng nợ công của IMF. Sau khi bơm thêm 150 tỷ euro (195 tỷ USD) vào quỹ chống khủng hoảng của IMF, các quốc gia châu Âu cũng muốn Mỹ, Nhật Bản, Canada… cũng mở “hầu bao” rót thêm tiền để quỹ này để có đủ nguồn lực giải cứu các nền kinh tế rơi vào thảm cảnh nợ công.

Cho đến sát thềm Hội nghị G-20 tại Los Cabos, giữa các thành viên châu Âu với Mỹ, Nhật Bản hay Canada… vẫn còn bất đồng khá sâu sắc. Cả Mỹ, Nhật Bản và Canada cùng thống nhất quan điểm cho rằng các nước châu Âu cần nỗ lực hơn nữa trong giải quyết vấn đề nợ công ở Eurozone trước khi thảo luận việc tăng vốn cho IMF.

Trong bối cảnh đó, việc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G-20 đạt được thỏa thuận về việc tăng cường đóng góp để nâng nguồn vốn của quỹ cứu trợ khủng hoảng lên tới 1.950 tỷ USD khiến không ít người bất ngờ. Tất nhiên, đây mới chỉ là thỏa thuận ban đầu, phải đến tháng 4 tới, G-20 mới chính thức “gút” lại vấn đề này.