Bức tranh thêu kỷ lục sắp ra mắt tại Hà Nội

(ANTĐ) - Mang chủ đề "Cội xưa", bức tranh thêu tay lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay sẽ được trưng bày tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội từ ngày 25/8 tới ngày 29/8. Một trong những tác giả của bức tranh này đã khẳng định với các phóng viên: "không có chuyện chúng tôi quỵt tiền công của nghệ nhân thêu như tin đồn".

Bức tranh thêu kỷ lục sắp ra mắt tại Hà Nội

(ANTĐ) - Mang chủ đề "Cội xưa", bức tranh thêu tay lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay sẽ được trưng bày tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội từ ngày 25/8 tới ngày 29/8. Một trong những tác giả của bức tranh này đã khẳng định với các phóng viên: "không có chuyện chúng tôi quỵt tiền công của nghệ nhân thêu như tin đồn".

Bức tranh thêu tay này được chia làm 3 phần nội dung: sự ra đời của nhà nước Đại Cồ Việt, phong cảnh của cố đô Hoa Lư với hai ngôi đền thờ vua Đinh, vua Lê, và cuối cùng là "Chiếu dời đô" của vua Lý Công Uẩn. "Cội xưa" có diện tích khoảng 170m2 được thực hiện bởi hơn 100 nghệ nhân của làng nghề thêu ren truyền thống Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình . Kích thước của bức tranh là 5,5 x 31 m, khi hoàn thành - riêng phần vải của bức tranh đã có trọng lượng khoảng 1 tấn.

Theo tiết lộ của một nghệ nhân ở làng nghề Văn Lâm: “Bức tranh được thêu theo kiểu đâm sổ. Chúng tôi vừa làm nông vừa thêu tranh. Đây là bức tranh có sông, có núi, có người, điều khó nhất là phối màu sao cho đẹp. Chỉ thêu làm bằng cotton nhuộm màu nên không phai và giữ được lâu bền”.

Các nghệ nhân vẽ phác thảo cho bức tranh thêu "Cội xưa"
Các nghệ nhân vẽ phác thảo cho bức tranh thêu "Cội xưa"

Trong cuộc họp báo tại Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội về sự kiện ra mắt bức tranh "Cội xưa" một số nhà báo đã đề cập tới thông tin cho rằng ban lãnh đạo tỉnh Ninh Bình rất phản đối việc thực hiện bức tranh “Cội xưa” và việc công ty thực hiện bức tranh này nợ tiền công của các nghệ nhân thêu tranh. Anh Đinh Trung Kiên, đại diện công ty Cội Xưa, cho biết: “Thông tin về sự phản đối của lãnh đạo tỉnh Ninh Bình là không chính xác”.

Còn về chuyện kinh phí, chị Phạm Thị Hoài - Giám đốc công ty Cội Xưa mạnh dan nói: “Tôi thừa nhận từng nợ tiền các nghệ nhân, nhưng hiện nay đã thanh toán hết. Bức tranh thêu này không phải chỉ mình tôi làm nên mà có cả những người bạn của tôi, những người dân làng nghề ở quê hương tôi, đều gửi gắm tình cảm vào trong đó. Việc thực hiện bức tranh này gặp rất nhiều khó khăn. Ngay từ khi manh nha thực hiện thì mọi thứ đều mơ hồ, bức tranh thì quá lớn. Nếu khi vẽ tranh, chỗ nào không ưng ý, chúng ta có thể sửa lại bằng bút, bằng tẩy, nhưng đây là thêu tranh, mỗi ngày một người thợ chỉ thêu được khoảng lớn bằng một bàn tay, nếu thêu sai thì phải cắt chỉ đi, rút ra rồi thêu lại. Mà việc sửa này thì còn khó hơn làm mới." 

Chị Hoài giãi bày: “Bức tranh hơn 170m2, chưa ai làm bao giờ, lúc bắt đầu tôi cũng băn khoăn liệu có làm được hay không. Đấy là chưa nói về khó khăn kinh phí. Hầu hết chúng tôi đều còn trẻ, mới hơn 20 tuổi, chưa từng làm một việc lớn như thế. Còn những người nông dân suốt ngày miệt mài với đồng lúa, bàn tay thô ráp, chính là những nghệ nhân dệt nên bức tranh. Đó là ý nghĩa tôi muốn truyền tải”.

Về nội dung mang tính lịch sử được tái hiện trong tranh, do một nhóm người trẻ tuổi thực hiện, cũng khiến không ít người lo lắng. Chị Hoài khẳng định mình và các bạn đã mất rất nhiều thời gian cho khâu nghiên cứu thực tiễn. "Đầu tiên, tôi đã nhờ bác Đặng Công Nga, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Ninh Bình, hướng dẫn tìm hiểu tư liệu. Hình ảnh núi sông, cầu Đông, cầu Dền, tôi không bịa đặt mà lấy từ tư liệu của thời Nguyễn khắc lại. Hơn 10 phác thảo đã được đưa ra. Cuối cùng, tôi chọn phác thảo này để thể hiện những bức tường thành vững chắc bảo vệ độc lập dân tộc, đồng thời cũng là hình ảnh phong cảnh sơn thủy hữu tình".

Được biết, trong quá trình thực hiện bức tranh thêu kỷ lúc này, công ty và làng nghề Văn Lâm không nhận được hỗ trợ tài chính từ ban tổ chức đại lễ hay lãnh đạo tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên họ vẫn cố gắng vượt qua khó khăn về kinh phí và nhân công, kịp hoàn thành bức tranh thêu lớn nhất Việt Nam mang tặng cho Hà Nội nhân dịp đại lễ. Chính bởi nỗ lực này, tấm lòng này mà ban giám khảo giải thưởng Bùi Xuân Phái đang cân nhắc để trao giải cho Cội Xưa vì giá trị nghệ thuật và ý nghĩa của bức tranh này dành cho Hà Nội.

Phú Duy