Bữa ăn học đường cải thiện tầm vóc sức khỏe, trí lực trẻ em Việt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Tình trạng thừa cân, béo phì và mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa từ lứa tuổi học sinh tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh khiến các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo cần sớm có biện pháp can thiệp kịp thời trước khi để vuột mất giai đoạn vàng.

Chất lượng dinh dưỡng bữa ăn bán trú được cải thiện rõ rệt sau khi áp dụng dự án Bữa ăn học đường (Ảnh: LAM THANH)

Chất lượng dinh dưỡng bữa ăn bán trú được cải thiện rõ rệt sau khi áp dụng dự án Bữa ăn học đường (Ảnh: LAM THANH)

Dự án được đánh giá cao về tính nhân văn

Với hàng trăm bếp ăn bán trú tại các trường tiểu học, Hà Nội là một trong những tỉnh, thành đầu tiên được Ban dự án Bữa ăn học đường chọn triển khai thí điểm từ tháng 4-2017 cho các trường tiểu học bán trú trên toàn thành phố. Đây là dự án do Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế, Công ty Ajinomoto Việt Nam thực hiện và triển khai từ năm 2012, bao gồm các nội dung: Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, áp phích ba phút thay đổi nhận thức và xây dựng bếp ăn mẫu bán trú theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Với ưu điểm đưa ra bữa ăn đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, phù hợp với thói quen ăn uống của từng vùng miền, nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương theo thời điểm, dự án được đánh giá cao về tính nhân văn với mục tiêu cải thiện tầm vóc sức khỏe, trí lực trẻ em Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế triển khai tại các trường học lại không hề đơn giản khi khó khăn lớn nhất lại đến từ quan điểm chăm sóc con cái và thói quen ăn uống vốn không có căn cứ khoa học về dinh dưỡng.

Bà Nguyễn Bích Thủy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Thanh Xuân cho biết, để áp dụng thành công dự án bữa ăn học đường phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức cho cha mẹ học sinh. “Nhiều bậc phụ huynh mong muốn bữa ăn cho con phải có nhiều thịt, cá, bắt mắt nhưng không quan tâm đến chế độ cân bằng dinh dưỡng. Chính vì vậy, việc đưa ra thực đơn đa dạng với 10 loại thực phẩm, trong đó rau xanh được đề xuất đưa vào khá nhiều khiến thầy cô trong trường phải tích cực tuyên truyền, phân tích về sự cần thiết trong thay đổi nhận thức bữa ăn. Nhà trường cũng không áp dụng ngay một lúc 5 buổi/tuần bữa ăn học đường mà dần dần đưa thực đơn dự án từ một ngày mỗi tuần và gần đây mới hoàn thiện cả tuần” - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Trãi cho biết.

Với hơn 2.000 học sinh đang ăn bán trú với bếp ăn trong trường, bà Lê Thị Thêu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Chu Văn An, Hoàng Mai cho biết, để có thể đưa thực đơn cân bằng dinh dưỡng vào tất cả các bữa ăn trong tuần với học sinh trong trường, nhà trường cũng cần trải qua một giai đoạn dài áp dụng từng phần. “Các trường cần xây dựng lộ trình triển khai phù hợp, tùy theo điều kiện của từng trường, mỗi trường nên có kế hoạch riêng, bắt đầu áp dụng dần dần thực đơn dự án từ một ngày/tuần và hoàn thiện với năm ngày/tuần. Cách làm này không chỉ giúp học sinh làm quen với các món ăn mới, lộ trình áp dụng cũng giúp cho bộ phận phụ trách công tác bán trú sắp xếp và điều chỉnh công việc. Bà Lê Thị Thêu đặc biệt nhấn mạnh, trong quá trình triển khai, Ban Giám hiệu nhà trường cần theo sát việc thực hiện, tiếp thu ý kiến của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh để tối ưu hóa những lợi ích mà dự án mang lại.

“Sau một thời gian triển khai bữa ăn học đường cùng với những thông tin dinh dưỡng trên áp phích 3 phút thay đổi nhận thức được minh họa cụ thể bằng hình ảnh giúp các em ghi nhớ giá trị dinh dưỡng và lợi ích của thực phẩm, thói quen ăn uống của học sinh đã chuyển biến rõ ràng theo hướng tích cực. Các em thích ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước, cân bằng các chất dinh dưỡng, biết quý trọng đồ ăn. Chất lượng dinh dưỡng bữa ăn bán trú được cải thiện rõ rệt sau khi áp dụng dự án Bữa ăn học đường” - Hiệu trưởng Lê Thị Thêu đánh giá.

Giai đoạn vàng cải thiện bữa ăn học đường cho trẻ tiểu học

Khẳng định về tầm quan trọng của việc cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn bán trú của học sinh trên cả nước, ông Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Để cơ thể phát triển khỏe mạnh, cần 60 chất dinh dưỡng. Trong đó, có 20 chất cơ thể tự tổng hợp, 40 chất cần phải được bổ sung từ bữa ăn. Tuy nhiên, một số phụ huynh và thầy cô chưa ý thức được việc bổ sung đủ 40 chất vào bữa ăn cho trẻ tiểu học để đảm bảo an toàn dinh dưỡng. Sau giai đoạn vàng 1.000 ngày đầu đời, giai đoạn tăng tốc tiền dậy thì - khi trẻ học tiểu học có tầm ảnh hưởng lâu dài đến tầm vóc và trí lực của con người. Vì vậy, ngoài bữa ăn ở nhà, bữa ăn tại trường học cần được đảm bảo”.

Cũng theo ông Lê Danh Tuyên, theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng, trẻ em thành phố đối mặt với nguy cơ thừa cân, béo phì vì chế độ dinh dưỡng thừa đạm và chất béo gây mất cân bằng, trong đó, các trường Tiểu học ở Hà Nội chiếm phần lớn. Ông Lê Danh Tuyên khẳng định, Việt Nam đang trong giai đoạn vàng để cải thiện bữa ăn học đường cho trẻ tiểu học. Tránh tình trạng như Mỹ, Trung Quốc quá tập trung vào cải thiện thể trạng cho trẻ dẫn đến tỉ lệ thừa cân béo phì tăng cao.

Được biết, sau 8 năm, dự án đã được triển khai tại hơn 4.000 trường tiểu học bán trú tại 62 tỉnh, thành toàn quốc, mang đến bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho học sinh bán trú và giáo dục kiến thức dinh dưỡng về thực phẩm cho học sinh. Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định, dự án cần được tiếp tục mở rộng để lan tỏa hơn nữa giá trị nhân văn cũng như góp phần khắc phục tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, cải thiện và nâng cao tầm vóc cho thế hệ tương lai Việt Nam.