BQL rừng "cửa đóng then cài" mặc lâm tặc hoành hành

ANTĐ - Những ngày qua tại cánh rừng phòng hộ khu đông thuộc xã Ba Liên, Ba Tơ giáp ranh huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) bị tàn phá tan hoang. Nhiều đối tượng ngang nhiên tổ chức cưa trên trăm tấn gỗ đưa ra khỏi rừng, trong khi đó lực lượng quản lý rừng vẫn không có biện pháp ngăn chặn.
BQL rừng "cửa đóng then cài" mặc lâm tặc hoành hành ảnh 1
Rừng phòng hộ tan hoang, sơ xác

Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi xâm nhập cánh rừng phòng hộ thuộc khu vực núi Dốc Ổi, làng bà Tèo, xã Ba Liên, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi. Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là những cây gỗ vừa cưa ngã, nằm trắng vạt rừng…. Hàng loạt gốc gỗ có đường kính khoảng 40 cm đã bị lấy đi phần thân gỗ gần 20 năm tuổi. Dưới những gốc cây vừa mới “khai tử” là ngổn ngang cành cây còn tươi lá bỏ lại. Nhìn bạt ngàn những khoảnh rừng rũ rượi, gốc, cành còn tứa nhựa tươi nằm ngổn ngang mà xót lòng.
BQL rừng "cửa đóng then cài" mặc lâm tặc hoành hành ảnh 2
Chỉ còn trơ trọi những gốc cây

Theo điều tra được biết, một đối tượng thuê máy đào mở đường vào tận rừng và thuê hàng chục người ngang nhiên dựng lều trại dùng máy cưa hạ gỗ rừng phòng hộ. Số người này ăn uống sinh hoạt suốt nhiều ngày qua tại rừng phòng hộ. Hàng ngày họ sử dụng ô tô vào chở gỗ ra khỏi rừng đem đi tiêu thụ. Theo một đối tượng đang khai thác trái phép rừng phòng hộ cho biết, họ đã tập trung lực lượng khai thác trong 10 ngày qua, có 7 xe ô tô, mỗi xe chở trên 10 tấn gỗ ra khỏi rừng. Được biết “đội quân” được thuê khai thác gỗ đều ở xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ. 

Từ nguồn tin người dân cung cấp, trước việc tàn phá rừng đem bán, Ban quản lý rừng phòng hộ khu đông đã kiểm tra phát hiện xe ô tô chở gỗ, tuy nhiên sau đó, ô tô này và số người trên vẫn tiếp tục tàn phá gỗ rừng phòng hộ.


“Đội quân” phá rừng ngang nhiên dựng lều ăn ở trong rừng phòng hộ

Theo chúng tôi điều tra được biết, những năm qua, khu rừng phòng hộ khu đông nằm trên địa bàn xã Ba Liên đã bị “lâm tặc” tàn phá trái phép. Sau khi tàn phá rừng, nhiều người dân đã chiếm đất rừng làm “của riêng”. Rừng phòng hộ từng ngày thu hẹp, trong khi đó lực lượng bảo vệ rừng vẫn không có biện pháp ngăn chặn để lâm tặc ngang nhiên vào chặt phá rừng.

Hiện nay việc trồng rừng kinh tế, trong đó trồng cây keo đang thu hút nhiều người vì đem lại lợi nhuận cao. Chính từ đây nạn phá rừng, xâm chiếm đất rừng, sang nhượng trái phép ở xã Ba Liên luôn nóng lên từng ngày. Nhiều trảng đồi rừng phòng hộ đã biến thành vườn sản xuất. Màu xanh của rừng ngày nào giờ đây trở nên loang lổ với những gốc cây trơ trọi bị đốn hạ.

Khi thực hiện phóng sự cuộc điều tra tàn phá rừng phòng hộ, nhiều lần chúng tôi đến trụ sở Ban quan lý rừng phòng hộ khu đông đóng trên địa bàn xã Ba Liên nhưng cánh cửa của Ban quản lý rừng luôn khóa cửa không có người trực, trong khi đó trong rừng lâm tặc mặc sức đang tung hoành tàn phá. Theo anh Phạm Văn Lê - Trưởng Công an xã Ba Liên, huyện Ba Tơ cho biết: “Gần đây Ban Công an xã nhận nhiều tin báo của người dân về việc tàn phá rừng, chúng tôi đã xác minh và báo Ban quản lý rừng phòng hộ khu đông tìm cách ngăn chặn”.

Trụ sở Ban quản lý rừng phòng hộ khu đông đóng cửa, không người trực bảo vệ rừng

Việc tàn phá các cánh rừng phòng hộ đầu nguồn để lấy gỗ sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm đa dạng tài nguyên. Nguy hiểm hơn, thiên tai, hạn hán, lũ lụt ngày một diễn ra dữ dội hơn khi không có rừng phòng hộ bảo vệ.

Những vạt rừng phòng hộ còn sót lại ở xã Ba Liên đang bị lâm tặc tàn phá đem đi bán. Chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan cần khẩn trương vào cuộc ngăn chặn giữ lấy cánh rừng còn sót lại này. Đồng thời tổ chức điều tra một cách qui mô toàn bộ diện tích rừng phòng hộ khu đông trên địa bàn xã Ba Liên giáp ranh xã Ba Khâm (Ba Tơ) và xã Phổ Phong (Đức Phổ) để xác định thực trạng những vạt rừng bị “biến mất”. Việc nghiêm trị nghiêm khắc những ai liên quan đến phá rừng sẽ là biện pháp hữu hiệu đến việc giữ lấy rừng.