Borey-Bulava: “Cặp đôi hoàn hảo” hay “bộ đôi cọc cạch”?

ANTĐ - Ngày 23-12, Nga đã chính thức biên chế hoạt động chiếc tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân chiến lược lớp Borey thứ 2 thuộc Project 955 mang tên K-550 Alexander Nevsky cho quân chủng Hải quân. Tuy nhiên, nó chưa có khả năng răn đe hạt nhân khi chưa được trang bị các tên lửa đạn đạo Bulava.

Tàu ngầm được bàn giao cho Hải quân tại xưởng đóng tàu Sevmash ở khu vực Arkhangelsk miền bắc nước Nga. Ngày 21-12 vừa qua, Nhà máy đóng tàu lừng danh này đã kỷ niệm 74 năm thành lập. Từ khi ra đời đến nay Sevmash đã đóng tới 129 chiếc tàu ngầm hạt nhân - một con số kỷ lục đối với bất cứ nhà máy đóng tàu nào. Và Alexander Nevsky chính là chiếc thứ 130 trong lịch sử huy hoàng của nhà máy.

Tàu ngầm lớp Borey, một thiết kế tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo liên lục địa (SSBN) hậu Xô Viết đầu tiên của Hải quân Nga, sẽ là nòng cốt của lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của hạm đội sau khi các tàu ngầm lớp Typhoon thuộc Dự án 941 và tàu ngầm lớp Delta-3 và Delta-4 thuộc Dự án 667 nghỉ hưu vào năm 2018.

Chiếc đầu tiên thuộc lớp này là thuộc Project 955 K-535 Yury Dolgoruky đã được biên chế cho hải quân vào tháng 1 năm nay, chiếc tàu ngầm thứ ba thuộc Project 955 mang tên Vladimir Monomakh, hiện đang trải qua các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước và dự kiến ​​sẽ được biên chế vào năm 2014. Chiếc tàu ngầm thứ tư cũng thuộc Project 955 Knyaz Vladimir đang được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Sevmash.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey phóng tên lửa Bulava

4 chiếc đầu trong lớp tàu ngầm Borey thuộc Project 955, bắt đầu từ chiếc thứ 4 đến chiếc thứ 8 thuộc Project 955A. Hiện nay, chiếc thứ 5 mang tên Aleksandr Suvorov và chiếc thứ 6 là Mikhail Kutuzov cũng bắt đầu được khởi đóng. Nga hy vọng, đến năm 2020 sẽ đưa 8 chiếc tàu ngầm lớp này vào hoạt động, thay thế hết các tàu ngầm đã cũ.

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Borey được mệnh danh “Sát thủ thầm lặng dưới đáy biển” có chiều dài 170 m, chiều ngang 13,5 m, khả năng lặn sâu 450 m, tốc độ di chuyển 29 hải lý/giờ khi lặn. Nó có lượng giãn nước 14.7000 tấn khi nổi và 24.000 tấn khi lặn. Các tàu ngầm lớp này có khả năng mang theo 16 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) R-30 (SS-NX-30) Bulava.

“Các mập bay” Bulava là tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) có thiết kế 3 tầng, sử dụng nhiên liệu rắn, chiều dài 14,8m, đường kính 1,9m. trọng lượng phóng từ 36,8 tấn - 40,3 tấn (tùy theo số đầu đạn hạt nhân), tầm bắn xa lý thuyết 8.400km. R-30 được coi là có khả năng tấn công mạnh hơn nhiều so với tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm R-29 “Sineva”.

Một vụ phóng thử thành công của tên lửa Bulava

Nhưng điều quan trọng nhất ở Bulava là nó có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) của đối phương. Loại tên lửa đa đầu đạn hạt nhân, đa phân hướng, đa phương thức dẫn đường (MIRV) này có thể mang tối thiểu là 6, tối đa là 10 đầu đạn hạt nhân, mỗi đầu đạn hạt nhân đều có thể tự chọn hướng, tấn công các mục tiêu riêng rẽ ở mọi độ cao nên kẻ thù không thể đánh chặn được.

Sự kết hợp giữa loại tàu ngầm siêu khủng lớp Borey và tên lửa đạn đạo Bulava sẽ nâng khả năng tác chiến của tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo của Nga lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, 2 chiếc đầu tiên thuộc lớp Borey đã được bàn giao cho hải quân nhưng Bulava vẫn chưa chính thức được biên chế do đã có 8 trên tổng số 20 vụ phóng thử bị thất bại - 1 con số đáng báo động đối với một tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược không thể hình thành khả năng răn đe hạt nhân nếu không có tên lửa đạn đạo. Hiện Borey đang “vô hại” do chưa được trang bị Bulava. Chỉ đến khi ít nhất 5 cuộc thử nghiệm nữa thành công thì “Cá mập bay” mới được biên chế chính thức. Lúc đó, “Sát thủ thầm lặng dưới đáy biển” mới thực sự là 1 thành viên trong bộ 3 vũ khí răn đe hạt nhân chiến lược của Nga, còn nếu không “Cặp đôi hoàn hảo” vẫn chỉ là “Bộ đôi cọc cạch”.